Niềm tin vào nền hành chính phục vụ

TRỊNH DŨNG 20/05/2020 11:32

Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại Quảng Nam ngày càng gia tăng, thể hiện niềm tin vào một nền hành chính phục vụ, hướng đến môi trường đầu tư ngày càng cải thiện.

Sự vận hành của các trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa ở các địa phương đã tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: T.D
Sự vận hành của các trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa ở các địa phương đã tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: T.D

Cải thiện... niềm tin

UBND tỉnh đã công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn Quảng Nam năm 2019 (SIPAS 2019). So với năm 2018, SIPAS chỉ đánh giá, xếp hạng cho 2 sở, ngành là Sở LĐ-TB&XH và Sở Công Thương và 18 huyện, thị, thành phố thì năm 2019 (năm thứ hai đánh giá, khảo sát) đã mở rộng đến tất cả cơ quan, ban, ngành, địa phương (kể cả ngành dọc).

Cục Thuế chiếm hạng nhất (95,16%), Công an Quảng Nam xếp cuối (81,98%) của khối 5 cơ quan ngành dọc. Sở Thông tin và truyền thông dẫn đầu thứ hạng SIPAS 2019 (98,24%), Sở Tư pháp chiếm vị thứ cuối bảng (77,74%) của khối 16 sở, ban, ngành. Tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức đối với Sở LĐ-TB&XH năm 2019 đã tăng 5,45% so với năm 2018, nhưng Sở Công Thương lại sụt giảm 2%.

Khối 18 huyện, thị, thành phố, Duy Xuyên chiếm vị thứ nhất (92,38%) và Đông Giang cuối cùng bảng xếp hạng (65,37%). So năm 2018, Duy Xuyên (90,81%) tăng điểm và Nông Sơn (91,69%) giảm điểm 1,34% (90,35%) đã đổi chỗ thứ hạng cho nhau. Có thể dễ dàng nhận thấy đã có sự bứt phá mạnh mẽ của Tây Giang khi từ vị thứ cuối (58,33%) đã vươn lên vị thứ 10 (80,26%); Nam Giang vẫn giữ nguyên thứ hạng 17 trong bảng xếp hạng, nhưng đã cải thiện điểm số khi tỷ lệ hài lòng tăng đến 6,98% (70,73%/63,75%) và bất ngờ là Đông Giang từ vị thứ 9 đã rơi xuống cuối bảng, giảm đến 15,52% (80,89%/65,37%).

Theo Sở Nội vụ, SIPAS 2019 mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công và sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, tổ chức; từ việc tiếp cận dịch vụ, việc công khai, tuân thủ các quy định thủ tục hành chính, việc giao tiếp, xử lý công việc của đội ngũ công chức, kết quả cung ứng dịch vụ cho đến việc tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, phản ánh của người dân, tổ chức. Kết quả tổng hợp dữ liệu điều tra xã hội học, phân tích các thông tin cho thấy chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung của toàn tỉnh là 83,13% (cao nhất là 98,24% và thấp nhất là 65,37%). Giá trị trung vị của SIPAS 2019 là 85,69%.

Một thống kê khác cho thấy có đến 95,62% người dân, tổ chức cho biết đã nhận được kết quả đúng và sớm hạn so với 93,63% năm 2018, thậm chí có địa phương đạt đến 100% là một thành công của sự vận hành thông thoáng các trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa tại các địa phương. Kết quả này cho thấy mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã được cải thiện, nâng cao hơn so với kết quả điều tra năm 2018.

Dư địa cải cách còn nhiều

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, SIPAS 2019 là một công cụ quan trọng để người dân, tổ chức đưa ra tiếng nói phản ánh, cảm nhận, nhu cầu và mong đợi, giúp các cơ quan công quyền cải thiện, cung ứng các dịch vụ hành chính công ngày càng có chất lượng, mang đến sự hài lòng cho người dân cao hơn. Chỉ số này là thước đo trong việc đánh giá sự phục vụ, hướng đến một chính quyền, một nền hành chính phục vụ, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, có trách nhiệm giải trình, đáp ứng được nhu cầu, mong đợi của người dân, tổ chức.

Có thể thấy niềm tin của dân chúng vào nền hành chính phục vụ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng so với mục tiêu của Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2020 là 85%. Sự chênh lệch tương đối cao giữa cơ quan đạt chỉ số hài lòng cao nhất và thấp nhất (hơn 32%) và với giá trị trung vị là 85,69% cho thấy còn có gần 50% địa phương, đơn vị chưa đạt được mục tiêu đề ra theo Nghị quyết 03- NQ/TU ngày 27.4.2016 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020. Điều này cũng thể hiện quá trình phấn đấu, nỗ lực cải cách hành chính để đáp ứng nhu cầu của người dân chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Có thể khẳng định, gần một nửa địa phương, đơn vị cần phải nỗ lực cao hơn, tập trung đề ra các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới thì mới đảm bảo đạt mục tiêu cải cách đã đề ra.

Dư địa cải cách còn nhiều, khi kết quả điều tra công bố có đến 36,60% số người được hỏi không giải quyết công việc tại các trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa, có những địa phương hoàn toàn không sử dụng kênh dịch vụ công trực tuyến, còn đến 14,81% người được hỏi nói phải mất 5 - 6 lần, thậm chí còn có nơi 7 lần đi đến mới có thể nhận được kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đó là chưa kể, dù rất ít (chỉ dưới 2%) nhưng vẫn còn tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu, gợi ý nộp thêm tiền lệ phí… Và lời xin lỗi với người dân khi trễ hẹn vẫn “khó thực hiện” khi thống kê cho thấy hơn nửa số địa phương, đơn vị không thực hiện.

Có thể khẳng định, các chỉ số về nhận định, mức độ hài lòng, sự mong đợi của người dân, tổ chức là những thông tin quan trọng, cần thiết. Chính điều này giúp các địa phương có thể đánh giá, so sánh để tìm giải pháp khắc phục tồn tại. Cải cách hành chính, hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, một nền hành chính phục vụ là một cuộc đua dài hơi, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, đầy đủ, đồng bộ và các ứng dụng đảm bảo dễ sử dụng, chuẩn hóa, niêm yết công khai thủ tục hành chính để người dân dễ tiếp cận… Song, đích cuối cùng không phải là điểm số hay thứ hạng mà quan trọng nhất là lựa chọn cán bộ thừa hành có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, ý thức công bộc về sự phát triển của địa phương mới là điều quan trọng!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Niềm tin vào nền hành chính phục vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO