Triển khai Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24.4.2019 của Chính phủ: Cần những chính sách phù hợp

VINH ANH 04/10/2019 10:30

Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24.4.2019 của Chính phủ ra đời (gọi tắt là NĐ34), tạo cơ sở cho địa phương sớm ban hành các chính sách liên quan đến đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đối với dự thảo Đề án của tỉnh nhằm triển khai thực hiện NĐ34 cần thận trọng, không nóng vội, UBND tỉnh nên lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, nhân dân trước khi tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết liên quan.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện về dự thảo đề án liên quan đến chế độ cho cán bộ không chuyên trách. Ảnh: VINH ANH
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện về dự thảo đề án liên quan đến chế độ cho cán bộ không chuyên trách. Ảnh: VINH ANH

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức hội nghị phản biện dự thảo “Đề án quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; chế độ hỗ trợ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” (gọi tắt là dự thảo). Dự thảo do Sở Nội vụ soạn thảo và dự kiến tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết thực hiện tại Kỳ họp lần thứ 11, khai mạc vào ngày 2.10 tới.

Có cần quy định “cứng” 14 chức danh?

So với Nghị định 92/2009 của Chính phủ, số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn được quy định tại NĐ34 sẽ giảm từ 8 - 9 người. Từ 22 người (xã loại 1), 20 người (xã loại 2), 19 người (xã loại 3), giảm tương ứng còn 14 người, 12 người, 10 người. Trước đây, đối với xã loại 1 quy định 22 người tương ứng với 22 chức danh, nay giảm cán bộ không chuyên trách trên một đơn vị cấp xã nên chức danh cũng giảm theo.

Dự thảo đề án lần 6 do sở Nội vụ trình UBND tỉnh đề nghị mỗi đơn vị cấp xã chỉ còn 14 chức danh hoạt động không chuyên trách cho khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể. Đồng thời quy định số lượng người đảm nhiệm chức danh như sau: với khối Đảng, bố trí 2 người đảm nhiệm 2 chức danh cho tất cả loại xã; khối chính quyền quy định 6 chức danh (bố trí không quá 7 người cho xã loại 1, không quá 6 người cho xã loại 2, không quá 5 người cho xã loại 3); khối Mặt trận và đoàn thể quy định 6 chức danh (bố trí không quá 5 người với xã loại 1, không quá 4 người với xã loại 2, không quá 3 người cho xã loại 3).

Theo dự thảo đề án, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể xã, phường, thị trấn căn cứ số lượng, chức danh quy định để thực hiện việc bố trí, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, nhưng không quá số lượng tối đa theo quy định nêu trên. Tại hội nghị phản biện dự thảo đề án này, nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo đề án cần xem lại việc bố trí số lượng người theo từng khối cho hợp lý. Có ý kiến đề nghị bớt 1 chức danh ở khối chính quyền để bố trí cho khối Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội. Đặc biệt, chỉ nên quy định một vài chức danh cứng được áp dụng cho tất cả loại xã 1, 2, 3. Còn lại gợi ý những chức danh mềm giao cho HĐND cấp huyện căn cứ vào tình hình địa phương để quyết định.

Ông Trần Tấn Dũng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An đề nghị những chức danh cụ thể của từng địa phương thì tỉnh không nên can thiệp mà tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương sẽ bố trí chức danh phù hợp. Đồng thời cũng không nên cứng nhắc quy định khối làm gì, có thể Phó Chủ tịch Hội Nông dân kiêm cán bộ nông nghiệp của xã, một người làm công việc của 2 khối cũng không sao.

Đồng quan điểm, bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đề xuất dự thảo chỉ nên liệt kê chức danh, còn bố trí con người kiêm nhiệm như thế nào nên để cơ sở tự sắp xếp. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo tham mưu đề án cho UBND tỉnh cần có nhận thức đúng đắn với vai trò của khối Mặt trận và đoàn thể, từ đó bố trí số lượng người hợp lý hơn.

Ông Trần Tư - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quế Phước (Nông Sơn) cho rằng, khối Mặt trận và các đoàn thể quy định 6 chức danh bố trí 3 người (xã loại 3) là chưa phù hợp, đồng thời đề xuất khối chính quyền chỉ nên bố trí 4 người, khối Mặt trận và đoàn thể bố trí 6 người.

Phụ cấp chưa đảm bảo mức sống

Theo báo cáo, tổng chi phí chi trả chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh vào khoảng 196,3 tỷ đồng/năm. Trong đó, số liệu thống kê đến ngày 31.7.2019 cho biết, tổng số người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh là 4.321 người, với kinh phí chi trả chế độ hơn 115 tỷ đồng/năm; ở thôn, tổ dân phố là 3.720 người, với kinh phí chi trả chế độ mỗi năm khoảng 80,5 tỷ đồng.

NĐ34 quy định ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp (bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế) để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, tổng mức khoán (bao gồm 17% bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế) tương ứng là 16,0 - 13,7 - 11,5 lần mức lương cơ sở với cấp xã loại 1, 2, 3.

Ngoài mức khoán phụ cấp theo NĐ34, dự thảo đề án đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục hỗ trợ 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Riêng 2 chức danh Phó Trưởng Công an, Phó Chỉ huy Trưởng Quân sự xã được hỗ trợ phụ cấp thêm 0,5 mức lương cơ sở/người/tháng.

Nếu được HĐND tỉnh thông qua, ngân sách tỉnh phải chi thêm khoảng 19,7 tỷ đồng/năm để hỗ trợ phụ cấp tăng thêm cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Như vậy, mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã là: 1,15 + 0,3 = 1,45 mức lương cơ sở/người/tháng (2.160.500 đồng/người/tháng); chức danh công an, quân sự được hưởng 2.458.000 đồng/người/tháng. Những trường hợp người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm nhiệm thêm chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà giảm được 1 người trong số lượng quy định thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm.

Việc quy định mức phụ cấp nêu trên chưa nhận được sự đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng, mức phụ cấp 1,45 của cán bộ không chuyên trách cấp xã còn thấp hơn mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có hơn 350 hộ dân (1,66), như vậy là không hợp lý. Bà Nguyễn Thị Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Đại Hiệp cho biết, chủ trương từ 22 chức danh theo NĐ92/2009 của Chính phủ, sáp nhập lại còn 14 chức danh theo NĐ34/2019 nhằm tăng phụ cấp, nhưng với mức phụ cấp 1,45 mức lương cơ sở/người/tháng như vậy thì cán bộ không chuyên trách gặp rất nhiều khó khăn.

“Cũng gọi là cán bộ, cũng là đoàn viên công đoàn, cũng phải tham gia các hoạt động, cũng phải trực cơ quan, trực bão lụt… nhưng cán bộ không chuyên trách “được hưởng nhiều cái không” như: không chuyên trách, không có chế độ thai sản, không hưởng lương mà chỉ phụ cấp…” - bà Hồng nêu.

Trong khi, theo quy định mới, bây giờ muốn tuyển cán bộ không chuyên trách phải có trình độ chính quy, với mức phụ cấp như vậy thì liệu rằng có tuyển được đại học chính quy vào xã làm cán bộ không chuyên trách không? Theo bà Hồng, nên chăng, với trình độ đại học, đã nhiều năm công tác tại địa phương, có kinh nghiệm công tác, HĐND tỉnh nên nghiên cứu nâng mức phụ cấp hợp lý hơn cho từng chức danh cụ thể. Chẳng hạn, đối với các chức danh thuộc khối Đảng, khối chính quyền và phó công an, quân sự, mức phụ cấp ít nhất bằng 2,0 mức lương cơ sở; chức danh Mặt trận, đoàn thể kiêm nhiệm thêm một việc để có mức phụ cấp tương đương bằng 2,0 mức lương cơ sở.

Còn ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tiên Châu cho rằng, muốn thu hút và giữ được cán bộ có chất lượng để đào tạo nguồn cán bộ kế cận cho Đảng thì mức phụ cấp tối thiểu cho cán bộ không chuyên trách phải nâng lên theo bằng cấp, tương ứng hệ số 2,34 với đại học, 2,06 với cao đẳng…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24.4.2019 của Chính phủ: Cần những chính sách phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO