Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2019: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

MỸ LINH 18/11/2019 13:55

Vòng chung kết Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2019 vừa diễn ra với sự tham gia của 25 dự án, ý tưởng. Năm nay, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều ý tưởng, dự án đã lọt vào "mắt xanh" của nhà đầu tư.

Các start-up trình bày dự án trước hội đồng đánh giá xét chọn là các chuyên gia về khởi nghiệp. Ảnh: MỸ LINH
Các start-up trình bày dự án trước hội đồng đánh giá xét chọn là các chuyên gia về khởi nghiệp. Ảnh: MỸ LINH

Hỗ trợ 8 dự án

Với hình thức trình bày thuyết phục trước hội đồng đánh giá, xét chọn là những chuyên gia hàng đầu về khởi nghiệp, các start-up xứ Quảng đã có một cơ hội thực sự để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, sự hỗ trợ về kiến thức và các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp. Anh Phan Quang Dự (Tiên Phước) cho biết, trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện nay, anh đã hình thành ý tưởng sử dụng bẹ chuối, mo cau là những nguyên liệu rẻ tiền, thậm chí bỏ đi ở nông thôn đem phơi, ép khô để làm ra những sản phẩm như giỏ đựng rau, khay đựng trái cây, thùng đựng rác, ống hút và các sản phẩm du lịch khác. Với ý tưởng của mình, anh Dự đã thuyết phục hội đồng xét chọn và đã được chọn đầu tư cho dự án. “Thật bất ngờ khi dự án được hội đồng đánh giá cao và Tập đoàn VN Đà Thành đã quyết định hỗ trợ 150 triệu đồng (không hoàn lại) để hoàn thiện dự án. Sau khi có sản phẩm cụ thể, hai bên sẽ liên kết phát triển. Điểm quan trọng là nhà đầu tư sau khi nghe trình bày xong thì quyết định hỗ trợ ngay, giúp cho các start-up có thêm niềm tin và quyết tâm phát triển thành công dự án khởi nghiệp của mình” - anh Dự chia sẻ.

Cũng như anh Dự, mô hình du lịch homestay Cơ Tu của Clâu Lanh (Đông Giang) sau khi trình bày đã được nhà đầu tư quan tâm ngay. Tham gia cuộc thi với mong muốn được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về khởi nghiệp, Lanh cũng khá bất ngờ với quyết định đầu tư ngay 300 triệu đồng (không lãi suất) từ Tập đoàn VN Đà Thành sau khi tìm hiểu về dự án. “Hiện tại, cơ sở cũng đang rất cần nguồn vốn để hoàn thiện một số hạng mục và mở rộng quy mô, nên với nguồn vay ưu đãi và sự quan tâm của các nhà đầu tư, tôi sẽ sớm hoàn thiện cơ sở của mình và phát huy hiệu quả” - Clâu Lanh nói.

Dự án được Tập đoàn VN Đà Thành đầu tư lớn nhất là sản phẩm mỹ phẩm thiên nhiên Hoa Mẫn Vy của Nguyễn Thị Mẫn Vy (Hội An). Với ý tưởng tái sử dụng bã cà phê làm mỹ phẩm thiên nhiên, Hoa Mẫn Vy nhận được sự tư vấn rất nhiều từ các chuyên gia. Với mức kêu gọi 10 tỷ đồng để phát triển doanh nghiệp, dự án của Vy đã nhận được đầu tư 2 tỷ đồng của Tập đoàn VN Đà Thành, đây là cơ hội lớn để Hoa Mẫn Vy phát triển sản phẩm của mình.

Trước hội đồng đánh giá, xét chọn, các start-up xứ Quảng đã có cơ hội chia sẻ ý tưởng, dự án của mình, đồng thời được góp ý, định hướng để có những hướng đi đúng. Trong số 25 ý tưởng, dự án vào vòng chung kết đã có 8 dự án nhận được sự quan tâm và đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư theo hình thức hỗ trợ vốn không hoàn lại, cho vay không lãi suất và liên kết hợp tác.

Tạo nhiều cơ hội

Theo ông Phạm Ngọc Sinh - Tổ trưởng Tổ Công tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2019, so với năm 2018, số lượng, chất lượng các ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi đều tăng. Trong đó, chất lượng của các dự án, ý tưởng đã thay đổi, đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. “Nếu như năm trước, các ý tưởng, dự án tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thông tin, thì năm nay có thêm nhiều dự án về dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm, công nghệ thông tin, giáo dục… phù hợp với các lĩnh vực mà tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các dự án, ý tưởng không chỉ ở đồng bằng, đã có nhiều dự án, ý tưởng về du lịch miền núi trên thế mạnh bản địa phù hợp với Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch ở phía nam và phía tây của tỉnh.

Năm nay, các ý tưởng dự thi không sơ sài mà đã là những mô hình, dự án đi vào hoạt động hiệu quả. Nhiều dự án đã triển khai từ 3 - 5 năm, có sản phẩm cụ thể trên thị trường. Ngoài ra, các tác giả đã thực sự quan tâm đến vấn đề bảo hộ công nghiệp đối với sản phẩm của mình. Đồng thời, chất lượng mẫu mã sản phẩm được đầu tư, thiết kế hướng đến tâm lý của khách hàng, không chỉ là sự bắt mắt mà còn hướng tới sự thuyết phục khách hàng ngay từ đầu. Các start-up đã có sự cạnh tranh nhau một cách lành mạnh, cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau hoàn thiện sản phẩm và phát triển. Theo ông Sinh, năm 2018, những sản phẩm được công nhận cấp tỉnh đã có những bước bứt phá mạnh mẽ. Như sản phẩm phở sắn Caromi đã tiếp cận thị trường Thái Lan, sản phẩm đèn led Phú Hiển lighting khi tham gia dự thi còn là một dự án sơ khai, chắp vá, nay đã có nhà đầu tư của Mỹ đến tìm hiểu và quyết định xây dựng một nhà máy sản xuất đèn led tiêu chuẩn Mỹ ngay tại TP.Tam Kỳ… “Cuộc thi không còn là một sân chơi cho những người đam mê khởi nghiệp mà đã tạo ra những cơ hội thực sự để các start-up tiếp cận với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, không chỉ được trang bị kiến thức khởi nghiệp mà còn hỗ trợ vốn để phát triển. Kỳ vọng năm 2019 này, các dự án được công nhận cấp tỉnh sẽ có sự bứt phá ngoạn mục, phát triển thành những doanh nghiệp tiêu biểu trong thời gian tới, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Quảng Nam ngày càng phát triển, lan tỏa được tinh thần dấn thân khởi nghiệp trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2019: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO