Nghĩ lớn để khởi nghiệp

VINH ANH 26/01/2020 12:23

(Xuân Canh Tý) - Rào cản lớn nhất của khởi nghiệp nhiều khi không đến từ vốn, ý tưởng, mà chính là tâm lý tự ti, e dè, sợ thất bại của những người trẻ.

Sau nhiều lần thất bại, anh Nguyễn Thanh Tuấn đã bước đầu thành công trên con đường khởi nghiệp. Ảnh: A.Đ
Sau nhiều lần thất bại, anh Nguyễn Thanh Tuấn đã bước đầu thành công trên con đường khởi nghiệp. Ảnh: A.Đ

“Thất bại là mẹ thành công!”

Anh Nguyễn Thanh Tuấn (thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, Núi Thành) là nông dân sản xuất giỏi và là tấm gương khởi nghiệp điển hình không xa lạ với nhiều người. Những năm gần đây, anh còn được biết đến nhiều hơn nhờ thành công của mô hình nuôi gà Đông Tảo trên đất Quảng Nam. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có được ngày hôm nay, anh đã phải nếm mùi thất bại rất nhiều lần. 

Khi được mời chia sẻ tại một diễn đàn khởi nghiệp gần đây, anh Tuấn tự nhận là mình chỉ mới khởi nghiệp cách đây 2 năm, nhưng lập nghiệp thì đã hơn 10 năm. Và chừng ấy thời gian, thất bại đến với anh không dưới 5 lần. Anh cho biết, bản thân là dân tay ngang, làm nông nghiệp mà không có kiến thức về nông nghiệp, khi thực hiện lại muốn làm những điều khác biệt, những cái người khác chưa làm, nên thất bại là dễ hiểu.

“Luôn suy nghĩ phải làm cái mới, cái lạ, nên ban đầu tôi đi tìm những con giống mới ở các địa phương về Quảng Nam nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên rất nhiều lần tôi gặp thất bại vì điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở mình không phù hợp” - anh Tuấn nói.

“Tôi nhớ mãi câu thơ “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Suy ra là, nếu mình luôn suy nghĩ bé thì không bao giờ làm lớn được. Không vượt qua được tâm lý tự ti thì rất khó khẳng định bản thân để đi đến thành công. Các bạn trẻ hãy mạnh dạn, táo bạo và sẵn sàng chấp nhận thất bại vì cuộc đời còn dài, còn trẻ; đừng để hoàn cảnh giới hạn giấc mơ của bản thân” 

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Ngay cả khi chăn nuôi thành công thì thất bại cũng rình rập vì sản phẩm làm ra không bán được. Có thời điểm anh Tuấn phải ngừng sản xuất để đi khắp nơi tìm kiếm khách hàng cho sản phẩm của mình. Và khi có được cả hai yếu tố (sản phẩm và thị trường) thì thành công lúc đó mới mỉm cười với anh. Từ trải nghiệm “xương máu” của bản thân, anh Tuấn cho rằng, thất bại là bài học cho những ai đã và đang khởi nghiệp.

“Thất bại một hay vài ba lần là chuyện bình thường khi khởi nghiệp. Vì vậy các bạn hãy mạnh dạn, tự tin với ý tưởng, dự án khởi nghiệp của mình. Tuy nhiên, trước khi làm hãy quan tâm đến thị trường và nên đi từ những mô hình nhỏ, không nhất thiết phải dồn toàn bộ vốn liếng đầu tư hết để rồi nhận thất bại và phải phá sản” - anh Tuấn chia sẻ.

Một doanh nhân khá nổi tiếng là ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VN Đà Thành, kiêm Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam. Thành công của ông Bảo cũng không tránh khỏi những thất bại, nhưng ông nói vấn đề là cần phải biết đứng dậy. Vấn đề cốt lõi của doanh nhân là phải hình thành nên nhân cách. Muốn khởi nghiệp thì phải am hiểu về cơ chế xã hội, dù kinh doanh bất động sản hay sản xuất; không ngừng tìm tòi, học hỏi để bổ sung những kiến thức, bởi kiến thức sẽ tạo nên vị thế. Tất nhiên là phải luôn bản lĩnh, không thể thiếu nhiệt huyết, đam mê và dám đương đầu với khó khăn, thất bại.

Tự tin làm mọi việc

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, doanh nghiệp Quảng Nam phần lớn là nhỏ, siêu nhỏ; việc đổi mới về kỹ năng quản trị, phương thức tổ chức sản xuất, tiếp cận các nguồn thông tin mới còn yếu. Do đó, dù có tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp nhưng nhìn chung về mặt chất lượng, cạnh tranh trên thương trường còn hạn chế. 

Sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên Quảng Nam tham gia trưng bày tại Ngày hội khởi nghiệp Quảng Nam năm 2019. Ảnh: VINH ANH
Sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên Quảng Nam tham gia trưng bày tại Ngày hội khởi nghiệp Quảng Nam năm 2019. Ảnh: VINH ANH

Và nếu chia khởi nghiệp ra làm 3 nhóm thì hiện nay ở Quảng Nam phần đông mới dừng ở dạng lập nghiệp thông thường, nghĩa là thanh niên muốn có công ăn việc làm, muốn tổ chức sản xuất kinh doanh để cải thiện cuộc sống, gia đình. Trong khi nhóm khởi nghiệp với những ý tưởng, dự án đầu tư “khác thường” thì rất ít. Liệu có phải nằm ở tâm lý tự ti của nhiều người trẻ. Với khởi nghiệp, vì sao các bạn không thể tự tin rằng “mình là số 1”... “Nhiều người nói ước mơ thay đổi thế giới là viễn vông nhưng tôi không cho là như vậy. Nếu thế giới không có những ước mơ viễn vông đó thì làm sao có những thành tựu trong thời đại công nghệ số như hiện nay? Bây giờ chúng ta nhắc đến công nghiệp 4.0 thì tương lai sẽ còn 5.0, 6.0 nữa. Thế giới luôn luôn vận động, phát triển. Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo cho tiến bộ loài người, cho chính cuộc sống của mình” - ông Thanh nói.

Trong một diễn đàn khởi nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh từng cho biết, vào những năm 1996 - 1997 ông đã từng có những ý tưởng khởi nghiệp rất táo bạo và muốn được trở thành doanh nhân. Bản thân ông luôn suy nghĩ và nóng lòng thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp mới. Tuy nhiên, một hạn chế ông mắc phải ngày đó mà hiện nay nhiều bạn trẻ gặp phải là trạng thái không dám nói, chia sẻ ý tưởng với ai, chỉ biết tự nghĩ, tự hoàn thiện. Và ông gọi đó là “sự cô đơn” của nhiều người trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp. Do đó, ông mong muốn các bạn trẻ hãy mạnh dạn khởi nghiệp và đừng ngại chia sẻ, tương tác ý tưởng, dự án của mình với mọi người...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩ lớn để khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO