Trau dồi kỹ năng mềm để khởi nghiệp

PHAN VINH 30/12/2019 13:32

Lâu nay, việc học kiến thức về lý thuyết rồi sau đó làm bài kiểm tra gần như đã trở thành “thói quen”, tạo áp lực với nhiều học sinh, sinh viên. Trong khi đó, những hoạt động ngoại khóa, trau dồi kỹ năng mềm rất có ích cho con đường khởi nghiệp sau này lại ít được quan tâm.

Các chuyên gia tại hội thảo khuyên rằng người trẻ nên hoàn thiện bản thân thông qua việc trau dồi kỹ năng mềm để rộng đường cho tương lai. Ảnh: PHAN VINH
Các chuyên gia tại hội thảo khuyên rằng người trẻ nên hoàn thiện bản thân thông qua việc trau dồi kỹ năng mềm để rộng đường cho tương lai. Ảnh: PHAN VINH

Đừng học như chiếc máy

Đứng trước hơn 150 học sinh, sinh viên tại hội thảo “Kỹ năng mềm trong thời đại số” vừa được tổ chức tại TP.Tam Kỳ, anh Bùi Văn Dương - Fellow của Teach For Việt Nam (đại diện của tổ chức Teach For Việt Nam tại Quảng Nam) bộc bạch, bản thân từng trải qua giai đoạn ngày ngày cắp sách đến trường, miệt mài và chăm chỉ, suốt ngày chỉ biết học và học. Nhiều lúc, cứ học để chạy theo điểm số. Tối nay học vì sợ ngày mai giáo viên gọi lên trả bài cũ. Hoặc thức khuya học để bài kiểm tra tuần tới không phải bị điểm kém. Thậm chí có nhiều lúc chỉ biết học mà quên ăn, quên ngủ, không quan tâm đến thế giới xung quanh.

“Tại sao 10 năm nay việc học tập vẫn tập trung quá nhiều vào kiến thức và lý thuyết trong khi thế giới đang thay đổi rất nhanh, rất nhiều? Nhiều bạn ngồi đây, có lẽ đã từng nghe về những cuộc bùng nổ của công nghệ, trí tuệ thông minh. Và kết quả của cuộc bùng nổ đó là ngành ngân hàng và ngành công nghiệp cơ khí trên thế giới đã sa thải hàng triệu nhân viên. Vậy, 5 năm nữa, công nghệ phát triển hơn nữa, làm sao các bạn có thể cạnh tranh được với máy móc, với trí tuệ nhân tạo? Nhưng con người phải hơn máy móc chứ. Con người hơn máy móc ở kỹ năng mềm và tư duy, điều mà máy móc khô cứng không làm được” - anh Dương nói.

Anh Bùi Văn Dương cho rằng việc học quá nhiều kiến thức phổ thông không phải là cách hiệu quả để đi đến thành công. Ảnh: PHAN VINH
Anh Bùi Văn Dương cho rằng việc học quá nhiều kiến thức phổ thông không phải là cách hiệu quả để đi đến thành công. Ảnh: PHAN VINH

Đồng quan điểm trên, thầy giáo Phạm Nguyên Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam chia sẻ, bản thân khi còn học THCS đã tham gia liên đội, lên THPT là ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường. Chính việc tham gia công tác xã hội đã giúp thầy Chương tự tin hơn và tích lũy được nhiều kỹ năng cá nhân.

“Về công tác tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, tôi được tiếp xúc nhiều với sinh viên, hiểu được những câu chuyện là chơi nhiều quá thì quên luôn học, còn học quá cũng đâm ra áp lực, stress rồi ghét học. Cái quan trọng là làm sao cân bằng giữa học và chơi. Chơi những gì mang lại điều tích cực chứ không phải buông thả, bất cần” - thầy Chương nói.

Phát huy năng lực cá nhân

Tại hội thảo, nhiều học sinh, sinh viên được nghe những chuyên gia chia sẻ các kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo, thể hiện bản thân, làm việc nhóm và tư duy phản biện để có được khả năng nhận thức đúng về bản thân, cũng như cơ hội và thách thức trong thời đại mới và tạo nền tảng cho việc khởi nghiệp sau này.

Em Võ Đức Nguyên Long (lớp 10C1, Trường THPT Phan Bội Châu, Tam Kỳ) chia sẻ: “Trước đây em thường nhút nhát, e dè và cho rằng mình không có gì nổi bật. Nhưng sau khi tham gia hội thảo, em đã biết được phương châm “Hãy nghĩ rằng bạn đặc biệt bởi vì bạn có thể ...”. Và em chợt nhận ra rằng mình cũng có điểm đặc biệt, thường hát những giai điệu của riêng mình. Em tin rằng mỗi con người chúng ta đều có những điểm đặc biệt khác nhau. Điều quan trọng là phải tin tưởng vào bản thân mình”.

Bạn Nguyễn Minh Truyền (sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) cũng đánh giá cao ý nghĩa mà hội thảo mang lại là khuyên mọi người nên tin ở bản thân mình. “Giữa việc tự xem mình nhỏ bé với việc tin rằng mình sẽ làm được những điều lớn lao nó khác xa nhau lắm. Một người tự ti sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội. Ngược lại, tự tin thì cơ hội sẽ tìm đến với người đó. Tất cả đều nằm ở tư duy, kiến thức chỉ đáp ứng một phần, còn lại phải cần kỹ năng nữa” - Truyền chia sẻ.

Bà Phạm Thị Ái Vân - chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft (MIE Expert), chuyên gia đào tạo giáo dục sáng tạo của Microsoft (MIE Trainer), giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, nội dung hội thảo rất phù hợp, giúp các em học sinh, sinh viên bước đầu nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm đối với sự thành công trên con đường khởi nghiệp sau này. Bên cạnh việc học kiến thức ở trường, các em cũng cần tham gia tích cực vào những hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm nhằm phát triển các kỹ năng mềm cần thiết.

“Đầu tư cho tương lai là đầu tư cho giáo dục và chú trọng đến người trẻ, thế hệ sẽ làm chủ tương lai. Song song với việc đào tạo, cung cấp kiến thức thông thường thì việc rèn luyện kỹ năng mềm là điều vô cùng cần thiết. Nếu chỉ có kiến thức thô thì chẳng khác gì máy móc, nhưng con người hơn máy móc là ở sự sáng tạo, nhạy bén, tư duy linh hoạt. Con đường khởi nghiệp của một người phải áp dụng hài hòa giữa 2 điều đó thì mới khẳng định được bản thân” - bà Vân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trau dồi kỹ năng mềm để khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO