Chuyện chuyển đảo từ ngữ

LIÊU HÂN 22/10/2019 09:59

Trong tiểu thuyết Kim Dung có một nhân vật là Tây Độc Âu Dương Phong. Ông này là một đại tông sư võ học, nhưng vì luyện phải bí kíp Cửu Âm Chân Kinh giả nên kinh mạch đảo lộn khiến ông phải đi lộn ngược đầu xuống đất, hai cẳng lên trời. Nhưng cũng vì thế mà võ công ông ta đạt đến mức tuyệt đỉnh, vì đối thủ không biết đằng nào mà lần cho ra huyệt đạo để tấn công. 

 

1. Trong văn chương cũng có nhiều trường hợp như vậy. Khi đảo ngược thứ tự hoặc hoán vị câu văn thì nội dung bị biến đổi hoàn toàn, tạo nên nhiều tình cảnh oái ăm, khiến người đọc cũng không biết đằng nào mà lần! Giai thoại nổi tiếng trong trường hợp này có lẽ là  bài thơ của Lý Thiệp.

Lý Thiệp (李涉) là nhà thơ đời Đường, không rõ sinh và mất năm nào. Ông có một bài thơ Đề Hạc Lâm Tự Tăng Xá (題 鶴 林 寺 僧 舍 - Ghi tại phòng tăng chùa Hạc Lâm) rất nổi tiếng. Nhưng  bài thơ này nổi tiếng không chỉ vì nội dung, và còn vì trò chơi khăm của một người đời sau, liên quan đến chuyển đảo các câu thơ. Chính cái trò chơi khăm đó đã khiến bài thơ đã nổi tiếng lại càng được nhiều người biết đến. Bài thơ đó như vầy:

Chung nhật hôn hôn túy mộng gian,
Hốt văn xuân tận cưỡng đăng san.
Nhân quá trúc viện phùng tăng thoại,
Thâu đắc phù sinh bán nhật nhàn!

Dịch nghĩa:

Suốt cả ngày, cứ mịt mịt mờ mờ như người say trong giấc mộng,
Chợt nghe mùa xuân sắp tàn, nên gắng gượng lên chơi núi.
Nhân lúc đi qua viện trúc của một ngôi chùa, gặp một vị tăng nên cùng nhau trò chuyện
Trộm được nửa ngày nhàn nhã trong cõi phù sinh!

Đọc bài thơ, ta có thể hình dung niềm vui của nhà thơ. Đến chùa, tình cờ gặp được một vị tăng để có thể cùng nhau trò chuyện suốt nửa ngày trời thì cũng đủ để ta hình dung ra đó là bậc cao tăng, uyên thâm Phật pháp. Văn thơ cổ nhân thường  hay dùng bút pháp “tả mây nẩy trăng”, theo cách nói của Kim Thánh Thán. Muốn tả trăng thì chỉ tả mây. Nhưng người đọc nhìn thấy mây lại hình dung ra trăng. Giống như muốn tả vẻ kiều diễm của cô chủ thì chỉ tả nét quyến rũ của con hầu. Đó mới là chỗ cực bút của nghệ thuật tả chân. Toàn bài thơ không có một từ nào nói đến vị tăng, ngoài việc nhà thơ tình cờ gặp ông ta khi đi qua viện trúc của một tăng xá trên núi, rồi nhân đó dừng chân lại để chuyện trò. Các tự viện trên núi ngày trước thường là ẩn cư của những bậc cao tăng túc học, nên các nhà thơ nổi tiếng hoặc những vị quan uyên bác thỉnh thoảng tìm đến đó để bàn luận hoặc để học hỏi thêm về đạo pháp. Câu bốn thoạt đọc lướt qua chỉ thấy nói về niềm vui của nhà thơ sau khi đàm đạo, nhưng thực ra đó là lời tán dương một vị cao tăng túc học. Một nhà thơ đi ngoạn cảnh xuân chỉ có thể thấy vui sướng khi trò chuyện với một người uyên bác.

Thử tưởng tượng một người thấy phiền não với chuyện đời, cố gắng lên núi để tìm chút hương vị của chút dư xuân còn đọng lại. Nhờ chuyện trò với vị tăng tình cờ gặp nơi viện trúc mà thấy sung sướng vì  hưởng được nửa ngày thanh nhàn trong cõi phù sinh. Tâm trạng hân hoan đó nói lên được sự lý thú trong câu chuyện, đủ thấy vị tăng kia là bậc cao nhân thế ngoại, giúp người đối thoại như rũ sạch được bụi trần. Điều đó không cần tả cũng đủ để hình dung.   

Đời sau, có người tinh quái, muốn chế giễu một vị tăng nào đó, mà có lẽ nhân cách dung tục và trình độ kém cỏi, nên đã đem bài thơ đó đảo lộn hai câu một và bốn thành bài thơ như sau:

Thâu đắc phù sinh bán nhật nhàn,
Hốt văn xuân tận cưỡng đăng san.
Nhân quá trúc viện phùng tăng thoại,
Chung nhật hôn hôn túy mộng gian!

Đang hưởng được nửa ngày an nhàn trong cõi phù sinh, vì muốn tìm lại chút dư xuân mà gắng lên núi. Tình cờ gặp được vị tăng nơi viện trúc, bèn dừng chân trò chuyện. Đàm đạo xong, bỗng thấy cuộc đời trở nên mờ mịt như người say trong giấc mộng!

Đọc xong, ta không khỏi thán phục cái kẻ “đa sự” đã tạo nên sự chuyển đổi oái ăm kia. Chỉ hoán vị hai câu thơ mà hình ảnh hai vị tăng hiện ra khác nhau một trời một vực. Quả là một ý tưởng thần kỳ.

2. Cũng câu chuyện “chuyển đảo” nhưng lại mang một ý nghĩa  khác. Giai thoại văn học Anh kể rằng có một phụ nữ xinh đẹp đến gặp văn hào G. Bernard Shaw và bày tỏ mong muốn được có với ông một đứa con, với lý do: “Đứa bé sẽ tuyệt vời biết ngần nào nếu như nó có khuôn mặt của em và và bộ óc của anh”. Nhà văn hài hước nổi tiếng thế giới này đã từ chối bằng một câu trả lời hóm hỉnh: “Tôi lại e rằng cuộc đời nó sẽ là bi kịch nếu như nó mang khuôn mặt của tôi và bộ óc của cô!”.

Trong thuật ngữ tiếng Việt, đặc biệt là với các từ Hán Việt, ta cũng thường gặp các trường hợp chuyển đảo các từ ngữ. Hồi đi học môn chính trị, không ai là không nhớ câu: “Muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Mà chắc không mấy ai là không thấy lùng bùng vì thấy câu văn rối rắm như kiểu đánh đố! Ở miền Nam, trong hầu hết sách biên khảo về triết học trước 1965, hai cách viết “chủ nghĩa xã hội” và “xã hội chủ nghĩa” đều có cùng một nghĩa. Chẳng hạn từ existentialism thì được dịch là “chủ nghĩa hiện sinh” hoặc “hiện sinh chủ nghĩa/ hiện sinh thuyết”, materialism thì được dịch là “chủ nghĩa duy vật/ thuyết duy vật” hoặc “duy vật  chủ nghĩa/ duy vật thuyết”...

Đại khái thì “chủ nghĩa hiện sinh” hay “chủ nghĩa duy vật”... là cách viết theo người Việt, còn “hiện sinh chủ nghĩa” hay “duy vật chủ nghĩa... là cách viết theo kiểu Hán Việt.  Tiếng Việt không có hậu tố để biến đối một từ gốc thành danh từ hoặc tính từ một cách rõ ràng như ngôn ngữ phương Tây. Chẳng hạn trong tiếng Anh, dùng để chỉ chủ nghĩa duy vật thì materialism là danh từ, còn material là tính từ. Về sau, khi tra cứu thêm một số tư liệu, tôi mới hiểu rằng “chủ nghĩa xã hội” là danh từ dùng để dịch từ socialism, còn “xã hội chủ nghĩa” là tính từ dùng để dịch từ socialist. Đối với văn bản Trung Quốc thì “xã hội chủ nghĩa” là danh từ, và để biến danh từ “xã hội chủ nghĩa” thành tính từ thì họ thêm chữ “đích” (的), chẳng hạn “xã hội chủ nghĩa đích”. Hiểu được điều đó thì mới thấy cách chuyển đảo thứ tự của hai thành phần trong từ tiếng Việt như thế không còn là sự đánh đố mà là một sự sáng tạo tài tình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện chuyển đảo từ ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO