Tưởng quen mà lạ

HỨA XUYÊN HUỲNH 27/11/2019 19:32

Có những từ dùng trong ngữ cảnh nào đó tưởng đúng nghĩa, nhưng qua bóc tách của giới chuyên môn lại thấy sai. Ngược lại, nhiều chữ “chẳng ăn nhập” gì nhưng dùng riết một hồi lại thấy… có thể chấp nhận được.

Những dòng kinh Lạy cha trong lần dịch đầu tiên ra tiếng Việt của linh mục Francisco de Fina.
Những dòng kinh Lạy cha trong lần dịch đầu tiên ra tiếng Việt của linh mục Francisco de Fina.

Tưởng đúng hóa sai

Mục “Lai rai chữ nghĩa” của Quảng Nam cuối tuần đã 2 lần nhắc đến từ “tang thương”. Có “tang thương” (chữ Hán, trong câu “thương hải biến vi tang điền”, biển xanh hóa nương dâu, chỉ sự đổi dời). Cũng có “tang thương” (chữ Nôm) được sử dụng theo nghĩa là tang tóc, thương đau… Chính trên chuyên mục “Lai rai chữ nghĩa” số ra tuần trước, tác giả Nguyễn Trung Hiếu đã dẫn Tự điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính (1971) phân tích tự dạng của 2 chữ “tang”, “thương”, nhắc thực tế ghép và sử dụng 2 chữ này trong dân gian lâu nay… rồi đi đến nhận xét: hai chữ đó dùng theo nghĩa thương xót sự mất mát của ai đó “cũng hợp lý lẽ và không có gì sai”.

Thôi thì cứ cho “tang thương” chữ Nôm đã phần nào được chấp nhận bên cạnh “tang thương” chữ Hán. Tức chữ tưởng dùng sai, hóa ra lại có chỗ đúng.

 Chuyên mục “Lắt léo chữ nghĩa” trên Thanh Niên Chủ nhật có nhiều bài viết chỉ ra những chỗ ngược lại: tưởng đúng hóa sai. Người phụ trách chuyên mục này, học giả An Chi, có đủ thẩm quyền để bóc tách bởi ông từng giữ mục “Chuyện Đông chuyện Tây” quen thuộc trên tạp chí Kiến thức ngày nay. Trường hợp mới nhất mà ông An Chi đề cập là chữ “ngó ý” trong Truyện Kiều.

Tác giả An Chi viết rằng, phần lớn những bản Kiều quốc ngữ lưu hành từ trước đến nay đều ghi câu 2.242 của Truyện Kiều là: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Từ lối ghi này nhiều nhà phân tích đã nương theo mà bình phẩm. Thí dụ Nguyễn Thạch Giang giảng “ngó sen dù bị ngắt lìa ra nhưng những sợi tơ trong lòng ngó sen không đứt hẳn mà vẫn còn vướng liền nhau”. Nguyễn Tài Cẩn còn mở rộng bình luận khi nhắc đến “tơ Ỷ”, tức đàn Lục Ỷ, Ỷ cầm vốn từng do Tư Mã Tương Như đánh để tỏ tình… Đến các bản Nôm từ Liễu Văn Đường càng tam sao thất bản, chép thành “Dẫu lìa tơ ý…” - theo học giả Đào Duy Anh.  

Nhưng tác giả An Chi lại nghĩ khác. Theo ông, đó phải là “tơ chỉ”, sợi chỉ hồng mà Nguyệt lão dùng để buộc chân Kim Trọng – Thúy Kiều. Ông cho rằng đại thi hào Nguyễn Du đã chơi chữ, dùng “tơ chỉ” để đối với “tơ lòng”.

Cách đây 2 năm, khi tác giả Hoàng Tuấn Công ấn hành cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu” (NXB Hội Nhà văn), dư luận học thuật đã một phen chấn động. Ít ai ngờ, từ điển của “nhà từ điển” Nguyễn Lân, chủ nhân Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ cho cụm công trình về giáo dục học và từ điển tiếng Việt, lại bị một “hậu sinh” chỉ ra đến hàng ngàn lỗi. Dù câu chuyện đã tạm lắng xuống, nhưng sau sự vụ đó, nhiều người trở nên cẩn thận hơn mỗi khi dùng từ viết câu.

“Sành điệu” và “lạc hậu”

Tôi sực nhớ đến cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” xuất bản năm 2011 (phụ đề: Thành ngữ sành điệu bằng tranh). Năm 2013, cuốn sách tái bản, có bổ sung với tựa mới “Phê như con tê tê”. Họa sĩ Thành Phong, tác giả cuốn sách, đã tập hợp “những câu nói phổ biến trong “xã hội” của một thời, nhưng dưới hình thức vui vẻ nhất”, dù những câu nói  ấy chỉ được thú vị ở chỗ… có vần điệu, còn nội dung và hình ảnh minh họa đôi khi không hợp logic.

Mà đâu chỉ thiếu logic, cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” từng làm dấy lên lo ngại: Liệu những “thành ngữ đương đại” kia có phá hỏng sự trong sáng của tiếng Việt? Bẵng đi thời gian, khi chưa kịp “khuấy động” đến mức làm nguy hại cho tiếng Việt, các “thành ngữ” kia dường như mất hút. Rất có thể rồi cũng sẽ như câu nói đang “hot” trên mạng xã hội bây giờ, “Thanh xuân như một ly trà…”. Câu này xuất hiện trong bộ phim “Về nhà đi con”, được cư dân mạng chế đủ kiểu, nghe vui vui. Nhưng biết đâu, dăm bảy năm sau sẽ lại bị chìm vào trend (xu hướng) khác. Thế thôi, không nên quá lo.

Nhưng có những chữ đang tồn tại quá lâu, quá già cỗi, cần chỉnh sửa.

Gần đây tôi hay xem lại clip của một linh mục giảng đạo, không chỉ do ông có khiếu hài hước mà ở góc độ ngôn ngữ thấy ông lên tiếng mạnh mẽ về chuyện dịch thuật, thậm chí là những bài kinh cũ.

Ông kể, suốt 10 năm ở cộng đoàn bên Úc, ông liên tục đề nghị sửa ngôi thứ ba trong một số lời kinh. Ông dẫn chứng câu kinh trích lời Chúa nói: “Bây hãy xin, thì bây sẽ được”. Trước giáo dân, ông quả quyết rằng Chúa không bao giờ gọi giáo dân là “bây”. “Tại mình đặt chữ đó từ 100 năm trước, từ thời Pháp. Bây giờ mình tiếp tục đọc rồi mình cảm nghiệm: Ghê quá, Chúa kêu mình là… “bây”, “tụi bây”. Không, phải sửa lại!” - ông nói.

Đây cũng là lý do khiến vị linh mục ấy thấy thích thú khi đọc bài “Thánh vịnh cho người ra đi” nhân lễ tang một đồng đạo, phát hiện dịch giả đã đổi tất cả chữ “ta”. Ông không nói rõ chữ “ta” (được cho là do chính Chúa dùng để chỉ đại từ nhân xưng, trong câu “Ta là đấng hằng sống, ai tin ta…”) đã được đổi sang chữ gì, nhưng vị linh mục nhận định có phần lỗi trong khâu chuyển ngữ. Ông phân tích: “Người Việt Nam mình yêu thương nhau không bao giờ xưng “ta”. Ngày xưa, các cha thừa sai dịch là để nâng tầm quan trọng, Chúa cao còn mình thấp”.

Nhân chuyện dịch kinh lại nhớ linh mục Francisco de Fina, người tiên phong sáng tạo chữ Quốc ngữ dùng mẫu tự Latinh (cùng với linh mục Alexandre de Rhodes) từng “vất vả” dịch khi ông đến Hội An. Đó là năm 1618, ông lần đầu dịch kinh Lạy cha sang tiếng Việt cùng một thanh niên giáo dân người Việt (có tên đạo là Phêrô). Bản viết tay (năm 1632) kinh Lạy cha có in trong sách “Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam” (Roland Jacques), được nhà nghiên cứu Châu Yến Loan dẫn lại trong tham luận tại hội thảo khoa học Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ (tháng 8.2016).

Nhìn những con chữ cách đây hơn 400 năm, thật khó hình dung chữ Quốc ngữ đã phải trải qua bao nhiêu lần “gọt giũa” mới có được hình hài như bây giờ. Để rồi, giờ đây dường như người ta quên mất hình hài của chữ mà lao vào “đánh vật” với những trường ngữ nghĩa, những mối liên đới với chữ Tàu chữ Ta, những phân tích đúng sai… Sinh ngữ là phải như thế chăng?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tưởng quen mà lạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO