Cân nhắc chủ thể thực hiện giáo dục định hướng cho người lao động

NGUYÊN ĐOAN 24/10/2020 11:35

(QNO) - Chiều 23.10, Kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa XIV) tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình phát biểu thảo luận dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh: N.Đ
Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu thảo luận dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Ảnh: N.Đ

Tham gia phát biểu thảo luận dự thảo luật này, về đối tượng áp dụng (Điều 2), đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam bày tỏ thống nhất với phương án 1 của dự thảo (có đối tượng áp dụng là trung tâm dịch vụ việc làm do chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Việc làm).

Ông Bình nêu quan điểm, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận thông tin khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Chính quyền các tỉnh, thành phố cũng sẽ chủ động trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các thỏa thuận quốc tế cấp địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở những khu vực khó khăn - nơi các doanh nghiệp chưa thể hướng đến hoặc không muốn hướng đến vì lợi nhuận. “Với việc thống nhất theo phương án 1 tại Điều 2, tôi đề nghị ban soạn thảo cũng chỉnh lý các điều, khoản khác tương ứng” - ông Bình nói.

Cũng theo đại biểu Phan Thái Bình, nội dung quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 6 (về quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) chưa đảm bảo tính bao quát các chế độ, chính sách về bảo hiểm bắt buộc mà pháp luật quy định người lao động được hưởng. Dự thảo luật chỉ quy định người lao động được hưởng “bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, các chế độ và quyền lợi khác theo hợp đồng lao động”.

Do vậy, ông Bình đề nghị bổ sung một số nội dung về tiền công, các chính sách bảo hiểm như sau: “Hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, các chính sách bảo hiểm, các chế độ và quyền lợi khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động”.

Tổ chức định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh miền núi. Ảnh: Trà My
Hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh miền núi. Ảnh: TRÀ MY

Về giáo dục định hướng (Điều 66), luật giao cho nhiều chủ thể thực hiện, bao gồm: “Doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án; doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” có trách nhiệm tổ chức giáo dục định hướng, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng cho người lao động.

“Tôi đề nghị xem xét, cân nhắc lại quy định này, liệu các tổ chức này có đủ năng lực để tổ chức giáo dục định hướng hay không? Tính khách quan, đảm bảo chất lượng, sự nghiêm túc trong tổ chức khóa học...? Do vậy, cần có quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng của các khóa học này; tránh việc tổ chức mang tính hình thức, đối phó” - ông Bình phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cân nhắc chủ thể thực hiện giáo dục định hướng cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO