Chuyển dịch cơ cấu lao động và yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân: Phải mạnh cả lượng và chất

PHAN XUÂN QUANG - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh 14/04/2020 05:04

LTS: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (Báo Quảng Nam đã công bố toàn văn) đặt ra mục tiêu đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.Báo Quảng Nam mở “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”, với mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu nêu trên. Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ “toasoan@baoquangnam.vn”, chuyên mục “Diễn đàn vì Quảng Nam phát triển”).

Xây dựng giai cấp công nhân tỉnh Quảng Nam vững mạnh là yêu cầu đặt ra nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng, phát triển địa phương nhanh, bền vững. Ảnh: T.DŨNG
Xây dựng giai cấp công nhân tỉnh Quảng Nam vững mạnh là yêu cầu đặt ra nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng, phát triển địa phương nhanh, bền vững. Ảnh: T.DŨNG

Cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh và giai cấp công nhân (GCCN) tỉnh Quảng Nam đang đứng trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng, phát triển địa phương nhanh, bền vững. Muốn vậy, GCCN - trong đó tổ chức Công đoàn Việt Nam đóng vai trò đại diện - phải tự vươn lên về mọi mặt, mặt khác cần có sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện và là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị.

Cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (đăng trên Báo Quảng Nam, số 5698, ngày 7.4.2020) cho thấy trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 có nhiều chỉ số đạt được kết quả tích cực. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP giảm từ 14,7% năm 2015 còn 11%, các ngành phi nông nghiệp tăng từ 86,3% lên 89% vào năm 2020. Cơ cấu lao động toàn tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50,1% năm 2015 giảm còn 38% năm 2020. Đây là các con số có ý nghĩa rất lớn, không chỉ chứng minh hiệu quả sự chuyển dịch cơ cấu giá trị kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh mà còn đặt ra nhiều vấn đề trong xây dựng GCCN trong giai đoạn mới.

Công đoàn khẳng định vai trò

Công đoàn là tổ chức đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, do vậy cần ưu tiên tập trung xây dựng tổ chức chính trị - xã hội này theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Năm 2020 và những năm đến, trọng tậm trong xây dựng tổ chức công đoàn là phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đặc biệt là nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS. Đáng chú ý, xây dựng cho được đội ngũ cán bộ CĐCS, nhất là chủ tịch CĐCS trong các doanh nghiệp. Đội ngũ đó phải tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó mật thiết với công nhân, có kỹ năng thương lượng, đối thoại, làm cầu nối giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động. CĐCS trong các doanh nghiệp phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ lợi ích của đoàn viên và NLĐ; xây dựng lực lượng nòng cốt trong đội ngũ công nhân để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của NLĐ và tham gia phòng ngừa trong tranh chấp lao động.

Triển khai thực hiện tốt Chương trình phúc lợi ích đoàn viên giai đoạn 2019 - 2023, mỗi CĐCS phải thực sự là một địa chỉ phúc lợi của đoàn viên và NLĐ; phối hợp với chủ sử dụng lao động nâng cao chất lượng chuyên môn của NLĐ. Cần bổ sung cán bộ chuyên trách cho tổ chức công đoàn, nhất là trong điều kiện số lượng biên chế của các cấp công đoàn hiện nay quá thấp so với nhu cầu thực tế và số lượng đoàn viên và CĐCS tăng nhanh.

Số lao động chuyển dịch đó, phần lớn vào làm việc trong các cơ sở công nghiệp, thương mại, dịch vụ tập trung. Điều này được minh chứng bởi số công nhân lao động toàn tỉnh cuối năm 2014 chỉ có 123.829 người thì đến cuối 2019 lên hơn 154.500 người và có mặt ở hầu hết địa bàn, lĩnh vực. Phần lớn được đào tạo nghề, nhất là trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo, sản xuất linh kiện điện tử, lắp ráp ô tô… Về mặt sản xuất, công nhân lao động là lực lượng cơ bản, chủ yếu, có vai trò to lớn trong nền kinh tế. Mặc dù về số lượng chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng dân số (khoảng 10%) nhưng chính đây là lực lượng chủ yếu đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước của địa phương trong những năm qua.

Tính đến ngày 31.12.2019, đa số công nhân trong tỉnh đã tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam. Toàn tỉnh có 531 doanh nghiệp với 10 lao động trở lên đã có 324 doanh nghiệp (64%) thành lập tổ chức công đoàn để đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Thông qua tổ chức công đoàn, NLĐ phát huy vai trò của mình trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia vào việc phát triển doanh nghiệp. Nhiều NLĐ đã đi đầu trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng.

Theo dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, mục tiêu phấn đấu của Quảng Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của các tầng lớp nhân dân lao động. Mục tiêu đó đòi hỏi kinh tế phải đạt tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, nội bộ từng ngành kinh tế phải có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu giá trị; môi trường được bảo vệ, an sinh xã hội được tăng cường, nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng, trình độ cao. Tuy nhiên, để góp phần thực hiện mục tiêu trên, GCCN Quảng Nam đang đứng trước nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức đòi hỏi nỗ lực cao mới vượt qua.

Nhận diện thách thức

Trước hết, việc nhận thức đúng và phát huy vai trò của GCCN trước yêu cầu trên còn nhiều bất cập. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền có các chủ trương, chính sách chú trọng xây dựng GCCN nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đa số doanh nghiệp ở Quảng Nam quy mô còn nhỏ; sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế còn yếu. Việc làm của NLĐ trong một số doanh nghiệp, lĩnh vực thiếu ổn định. Mặt khác, đa số NLĐ trực tiếp sản xuất tuy đã qua đào tạo nhưng nhìn chung trình độ tay nghề còn thấp, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật chưa cao, nhất là những lao động vừa xuất thân từ các tầng lớp lao động xã hội khác; điều kiện tiếp cận thông tin, nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước còn hạn chế.

Chúng ta vẫn còn thiếu nghiêm trọng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; trong khi đó, một bộ phận NLĐ thiếu ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện. Mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng luôn được điều chỉnh nhưng nhìn chung đời sống, thu nhập của NLĐ còn thấp; đa số công nhân ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải thuê nhà trọ. Các thiết chế văn hóa, khu sinh hoạt giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhà trẻ ở nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng. Tỷ lệ đảng viên và số doanh nghiệp có tổ chức đảng còn thấp. Tính đến cuối năm 2019, cả tỉnh chỉ có 86 doanh nghiệp từ 10 NLĐ trở lên có tổ chức đảng (tỷ lệ 16,1%) với gần 1.600 đảng viên, nhưng phần đông là doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật lao động trong doanh nghiệp, nhất là về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn, an toàn vệ sinh lao động xảy ra còn nhiều, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời, đủ sức răn đe.

Dự báo trong nhiệm kỳ đến, trên địa bàn tỉnh, chuyển dịch lao động còn diễn ra và số lượng công nhân cũng tăng nhanh. Mặt khác, bên cạnh tổ chức công đoàn hiện nay, sẽ xuất hiện tổ chức đại diện NLĐ khác ở cơ sở, nói cách khác tổ chức Công đoàn Việt Nam không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho NLĐ. Vậy, làm thế nào để khắc phục những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức; xây dựng GCCN xứng đáng là lực lượng chủ yếu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững?

Chăm lo mọi mặt cho GCCN

Muốn có GCCN thật sự lớn mạnh phải gắn kết với các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của địa phương. Mỗi kế hoạch, chương trình cần xem xét đến yếu tố xây dựng đội ngũ NLĐ theo hướng không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng. Vì vậy, đi đôi với phát triển các lĩnh vực công nghiệp nhằm giải quyết số đông lao động, cần có cơ chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, có như vậy mới tập hợp được đội ngũ công nhân lành nghề, công nhân trí thức. Mặt khác có cơ chế hỗ trợ thu hút đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi tham gia quản lý doanh nghiệp nhằm giúp các đơn vị phát triển sản xuất bền vững, tạo công việc ổn định và nâng cao thu nhập cho NLĐ. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện các cơ chế đào tạo nghề cho lao động theo chủ trương của Trung ương và của địa phương.

Mặt khác giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và chăm lo xây dựng GCCN; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa NLĐ và người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội. Theo đó, thực hiện tốt việc tham gia bổ sung, hoàn thiện các chính sách về lao động, nhất là sau khi Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 và Luật Công đoàn sẽ được sửa đổi, bổ sung trong năm 2020; tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật lao động tại các doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Không ngừng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân, nhất là ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đáp ứng nhà ở cho công nhân ở xa; xây dựng mô hình khu nhà trọ công nhân, khu nhà trọ văn hóa công nhân.

Một vấn đề quan trọng khác là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho GCCN với các hình thức và nội dung phù hợp nhằm nâng cao ý thức chính trị, ý thức giai cấp, tác phong công nghiệp; có lối sống lành mạnh; không để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện mưu đồ chống phá chế độ. Muốn vậy cần đa dạng các hình thức tập hợp NLĐ theo ngành, lĩnh vực, địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển đảng viên và thành lập tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Cần nâng cao vị trí của GCCN, tạo điều kiện để GCCN bày tỏ và thể hiện vai trò và vị trí chính trị của mình trong các tổ chức, diễn đàn. Dù số lượng công nhân ở một số địa phương, lĩnh vực còn ít nhưng cần cơ cấu đại diện GCCN trong cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng như trong các nhiệm kỳ đến.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển dịch cơ cấu lao động và yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân: Phải mạnh cả lượng và chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO