Công tác giảm nghèo: Chú trọng thực chất, bền vững

HÀN GIANG 24/12/2019 10:38

Các địa phương tự nguyện đăng ký chỉ tiêu thoát nghèo năm 2020; ngành LĐ-TB&XH cung cấp số lượng, danh sách các hộ thoát nghèo ở từng địa phương (thôn, xã) cụ thể để báo cáo trước HĐND tỉnh... được xem là cách tiếp cận quyết liệt hơn trong công tác giảm nghèo năm cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Các đại biểu thảo luận tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh vừa qua. Ảnh: N.Đ
Các đại biểu thảo luận tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh vừa qua. Ảnh: N.Đ

Vẫn còn băn khoăn

Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 15.12.2019, toàn tỉnh giảm được 5.887 hộ nghèo, vượt kế hoạch đề ra của năm 2019. Tuy nhiên, thảo luận tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao. Hộ nghèo khu vực miền núi còn nhiều, chứng tỏ chênh lệch thu nhập và mức sống giữa đồng bằng và miền núi khá lớn. Các đại biểu kiến nghị, thời gian đến tỉnh cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho nông thôn miền núi, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, đầu tư phương án sản xuất, hỗ trợ khuyến nông khuyến lâm đảm bảo chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng con vật nuôi, đảm bảo giảm nghèo nhanh. Có chính sách mạnh hơn để thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, nông thôn.

Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh không khỏi băn khoăn và kể lại, khi đi khảo sát thực tế ở địa phương, vô cái nhà trống từ trên xuống dưới, không có đất, không có phương tiện sản xuất, 2 vợ chồng, 4 đứa con nheo nhóc, chỉ có cái giường kê sát cái bếp! Vậy họ làm gì để thoát nghèo mà đăng ký vào Nghị quyết 13? Bà Thu phân tích, theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh, nếu hộ nào có sức lao động, có phương tiện, công cụ, điều kiện để sản xuất, kinh doanh thì đăng ký thoát nghèo bền vững. Năm nay, tỉnh có 3.335 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo theo Nghị quyết 13; còn 2.552 hộ thoát nghèo tự nhiên (kể cả số đối tượng đã chết). Đây là con số hộ giảm nghèo chứ không phải con số hộ thoát nghèo. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh làm rõ con số giảm 5.887 hộ nghèo có bao nhiêu hộ thoát nghèo bền vững và thực chất. Bà Thu băn khoăn bởi lẽ, khi đưa ra danh sách hộ giảm nghèo năm 2019, trừ 3.335 hộ có đăng ký thoát nghèo và đã thoát nghèo 100%, vẫn còn 2.552 hộ thoát nghèo tự nhiên (trừ số đối tượng bảo trợ xã hội đã chết), số hộ còn lại trong năm 2020 đương nhiên sẽ không có bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, tại kỳ họp vừa qua, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về mức giá viện phí cho đối tượng không tham gia bảo hiểm xã hội, do đó, số 2.552 hộ thoát nghèo tự nhiên tương đương hơn 10.000 nhân khẩu, sẽ bị tác động rất lớn của chính sách nếu các đối tượng này không thoát nghèo bền vững. “Cho nên tôi đề nghị các địa phương rà soát lại, nếu những hộ này thoát nghèo bền vững thì rất tốt, họ có đủ điều kiện để mua bảo hiểm y tế, không cần Nhà nước hỗ trợ về chính sách giáo dục như Nghị quyết 13. Nhưng nếu họ thoát nghèo không bền vững, lại không được trợ lực từ Nghị quyết 13, sẽ không được hỗ trợ về giáo dục, y tế, tín dụng là một vấn đề rất hệ lụy đến an sinh xã hội. Tôi e rằng, năm 2020 sẽ có hộ tái nghèo” - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Trần Thị Bích Thu nói.

Giảm từ 2.500 đến 3.000 hộ nghèo

Đó là chỉ tiêu được HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tại Kỳ họp thứ 14 vừa qua. Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng, đối với khu vực miền núi, số hộ nghèo có thể tác động để thoát nghèo là 14.251 hộ. Ông Tài thừa nhận, công tác giảm nghèo ở các địa phương miền núi sẽ ngày càng khó khăn nếu tỉnh không tiếp tục có những giải pháp trợ lực, giải quyết căn cơ hơn. Còn nếu cứ giao cho các địa phương một con số, cứ tịnh tiến như thế thì sẽ rất cam go, nhất là đối với 6 huyện miền núi cao của tỉnh. “Với trách nhiệm của mình, địa phương phải hết sức nỗ lực, nhưng tỉnh cần quan tâm phối hợp giải quyết được vấn đề sản xuất cho người dân. Người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập thì mới ổn định cuộc sống, mới tính đến chuyện thoát nghèo bền vững” - ông Tài bày tỏ.

Nhắc lại những kiến nghị đối với UBND tỉnh của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh liên quan đến công tác giảm nghèo trên địa bàn, ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nói, đã có rất nhiều nghị quyết về công tác giảm nghèo miền núi nhưng quá trình triển khai chưa đồng bộ, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh cũng đưa ra hàng loạt giải pháp thực hiện. Nếu làm tốt việc rà soát, phân loại, đánh giá thì sẽ loại được số hộ nghèo không thực chất. Rồi người dân phải được đào tạo nghề, có việc làm, có thu nhập ổn định thì mới đảm bảo điều kiện thoát nghèo. Một khi các chính sách chưa được triển khai hiệu quả, đồng bộ, người dân chưa tiếp cận, chưa hưởng ứng tích cực thì công tác giảm nghèo sẽ còn khó khăn, thiếu tính bền vững.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng nêu quan điểm: năm 2020, các huyện, thị, thành phố thực hiện đăng ký thoát nghèo theo hướng tự nguyện, không còn áp đặt chỉ tiêu từ trên xuống. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đã có giải trình trước các băn khoăn của đại biểu HĐND tỉnh về số liệu giảm nghèo và chỉ tiêu giảm nghèo năm 2020. Theo đó, cho biết sẽ có báo cáo công khai về danh sách hộ nghèo giảm nghèo năm 2019 như theo ý kiến của nhiều đại biểu HĐND tỉnh. Đến nay, các địa phương đã đăng ký con số giảm hộ nghèo năm 2020 lên đến 2.600 hộ, kết hợp với kết quả thực hiện giảm nghèo năm 2019 thì chỉ tiêu giảm 2.500 - 3.000 hộ nghèo năm 2020 là hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công tác giảm nghèo: Chú trọng thực chất, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO