Hai quê hương, một tấm lòng

ALĂNG NGƯỚC 12/03/2020 09:28

Nhân kỷ niệm 60 năm kết nghĩa, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đoàn công tác thực hiện chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa, do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường  dẫn đầu. Tham gia đoàn, chúng tôi có cơ hội cảm nhận được nhiều điều mà thế hệ trẻ như tôi không dễ gì thấu hiểu.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường thăm mẹ Doãn Thạch Cô - mẹ liệt sĩ Đặng Thế Lâm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường thăm mẹ Doãn Thạch Cô - mẹ liệt sĩ Đặng Thế Lâm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Niềm vui như được gợi mở trong cảm xúc dâng trào của những người chiến binh vệ quốc, nay đã trở về với cuộc sống bình dị nơi làng quê Thanh Hóa. Ngày trước, theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ hiên ngang lên đường, cùng đồng bào Quảng Nam đứng lên chống kẻ thù xâm lược.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, người ta nhắc mối tình Thanh Hóa - Quảng Nam bằng rất nhiều hình ảnh đẹp, gợi lên bao niềm thương nhớ vơi đầy. Xúc cảm cứ trào dâng, như lần đầu tiên những người đồng đội gặp nhau, sau nhiều năm xa cách. “Trở về Thanh Hóa sau những ngày giải phóng, chúng tôi vẫn luôn nhớ Quảng Nam, nhớ những người đồng đội cũ đã cùng chúng tôi sát cánh, sẻ chia trong suốt tháng ngày đánh giặc. Chúng tôi không bao giờ quên nơi ấy” - ông Nhữ Văn Xuân nắm chặt tay Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khi đoàn đến thăm.

Ông Xuân hiện ở tại TP. Thanh Hóa là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Quảng Nam vào những năm đầu 1970.

Nhớ đất Quảng 

Có thể thấy rằng, Quảng Nam - Thanh Hóa có rất nhiều điểm tương đồng, có nhiều tiềm năng và lợi thế. Ngoài nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực..., Quảng Nam - Thanh Hóa còn có nguồn lực “nội sinh” hết sức quan trọng, đó là nguồn lực về văn hóa với hạt nhân cơ bản là phẩm chất, trí tuệ, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng với đó là sợi dây kết nối 60 năm nghĩa tình son sắt. Đây là nguồn tài nguyên và nguồn nhân lực vô cùng quý giá, quyết định đến sự hợp tác, phát triển giữa hai tỉnh hiện nay và trong tương lai.(Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Phan Việt Cường)

Chúng tôi bước vào khuôn viên căn nhà của chiến binh Nhữ Văn Xuân, trước ngõ đã thấy ông và người thân chờ sẵn. Những cái bắt tay thân mật được chìa ra, chào đón những người bạn xứ Quảng. “Tôi và gia đình rất vui, rất xúc động khi biết tin các anh ra thăm nhân chuyến công tác tại Thanh Hóa. Đây là niềm vinh dự rất lớn với tôi và gia đình” - ông Xuân nói.

Khách của ông hôm ấy thật đặc biệt - những người con của miền đất cũ mà ông xem như quê hương thứ hai đã nuôi sống mình trong kháng chiến. Hồi đó, cùng với hàng nghìn thanh niên khác của Thanh Hóa, ông Xuân ghi danh tình nguyện tham gia chiến đấu tại Quảng Nam trong đợt tổng động viên của chính quyền.

Ông nhớ, lần đầu tiên đặt chân đến Quảng Nam, vùng đất “chưa mưa đà thấm” hoang vu bãi biền dâu cát. Từ Hội An, Phú Ninh, Tam Kỳ, cho đến Tiên Phước, Trà My, Hiệp Đức ông đều có mặt, cùng đồng đội trực tiếp tham gia chiến đấu tại các khu kháng chiến, căn cứ cách mạng. Năm 1972, ông bị thương trong một trận giao chiến với địch ở Cao điểm 111 (TP.Hội An).

“Sau giải phóng, tôi trở về Thanh Hóa với thương tật 81%. Tính đến nay đã tròn 45 năm, nhưng lúc nào tôi cũng đau đáu nhớ về Quảng Nam, nơi có dòng sông Thu Bồn trong mát. Tôi muốn có thời gian đưa vợ con đến thăm lại những vùng đất ấy, thăm lại chiến trường xưa - nơi ngày trước mình đã từng đi qua, từng chiến đấu và tìm gặp những người bạn cũ đã cùng vào sinh ra tử trong những trận đánh Mỹ” - ông Xuân nhìn vợ, nói đôi điều bấy lâu nay giấu kín. Đồng thời bày tỏ niềm vui khi hay tin nhiều địa phương của Quảng Nam nay đã “thay da, đổi thịt”, trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, nhất là các địa phương miền núi Nam - Bắc Trà My, Hiệp Đức.

Bịn rịn trong phút giây tiễn biệt, những cái ôm thật chặt như không muốn rời. Trong đôi mắt của người chiến binh già, phảng phất những niềm mong “ngày trở về”…

Nghĩa tình không phai

Ánh mắt của cụ Doãn Thạch Cô chợt sáng lên khi nghe Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Phan Việt Cường thông tin về Nhà bia ghi danh liệt sĩ quê hương Thanh Hóa hy sinh trong kháng chiến tại Quảng Nam được xây dựng hoàn thành đúng  dịp kỷ niệm 60 năm kết nghĩa giữa Thanh Hóa - Quảng Nam. Bởi bà biết, trong số hơn 1.300 liệt sĩ của Thanh Hóa hy sinh ấy, có tên con trai bà - liệt sĩ Đặng Thế Lâm.

Tròn 50 năm trước, anh Lâm hy sinh trong trận giao chiến tại đồi Thượng Đức (huyện Đại Lộc) trong niềm thương tiếc của người thân, đồng đội. Nắm chặt tay Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, cụ Cô nói, dù đau thương, mất mát vì sự ra đi của con nhưng mỗi lần nghĩ đến bức thư mà anh Lâm gửi cho gia đình khi mới vào Quảng Nam, cụ lại thêm động lực sống. Bởi trong thâm tâm của cụ luôn nghĩ, máu xương của con mình, bây giờ đã góp nên sự bình yên cho làng quê xứ Quảng.

Chia sẻ với những đau thương, mất mát mà các thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh Thanh Hóa phải gánh chịu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tại buổi đến thăm các gia đình chính sách, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường bày tỏ niềm xúc động và thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh tỉnh Thanh Hóa đã không tiếc máu xương, cùng nhân dân Quảng Nam ngoan cường đấu tranh giành độc lập, giải phóng đất nước.

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam không bao giờ quên những đóng góp, cống hiến mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đã hỗ trợ, giúp đỡ trong suốt thời gian qua, từ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cho đến công cuộc đổi mới vì Quảng Nam phát triển” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh. Đồng thời động viên các gia đình chính sách, thương - bệnh binh cần tiếp tục phát huy phẩm chất cách mạng, luôn là tấm gương ngời sáng trong cuộc sống đời thường để cháu con học tập và noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hai quê hương, một tấm lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO