Năng động trong liên kết phát triển vùng

LÊ VŨ - NGUYÊN ĐOAN 03/09/2019 10:55

Tham gia Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua tại tỉnh Bình Định, với vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2019 - 2020, đoàn Quảng Nam đã có nhiều ý kiến, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của vùng. Dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Phan Việt Cường dành cho Báo Quảng Nam cuộc trò chuyện xoay quanh vấn đề liên kết phát triển vùng kinh tế miền Trung. Đồng chí Phan Việt Cường chia sẻ:

Đây là hội nghị rất quan trọng đối với vùng kinh tế miền Trung. Bởi, từ những định hướng của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, các tỉnh miền Trung có thể cất cánh vươn lên để phát triển. Mục đích của hội nghị lần này còn giới thiệu trực tiếp về các tiềm năng, cơ hội đầu tư của các tỉnh khu vực miền Trung đến đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu trong và ngoài nước.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường.

* Câu chuyện liên kết vùng là vấn đề các tỉnh trong khu vực đã thực hiện nhiều năm qua nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Theo đồng chí, đâu là những nút thắt khiến sợi dây liên kết vùng kinh tế miền Trung chưa thể thông suốt?

- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường: Thời gian qua lãnh đạo các địa phương đều rất quyết tâm, thể hiện sâu sắc tinh thần kết nối, hỗ trợ nhau phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình. Tuy nhiên, nhiều hoạt động liên kết kinh tế mang tính lâu dài giữa các địa phương trong vùng vẫn chủ yếu nằm dưới dạng văn bản hợp tác - Biên bản hay Thỏa thuận hợp tác - mà ít được triển khai trên thực tế. Mối quan hệ phối hợp về phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành phố chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hoặc phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Và hầu như chưa tạo được sự phối hợp cần thiết giữa các địa phương trong vùng hoặc giữa các tác nhân kinh tế trong nội bộ vùng với nhau về việc hỗ trợ doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành. Sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, phương thức sản xuất ở các địa phương vùng duyên hải miền Trung được xem là những điều kiện thuận lợi cho quá trình hình thành và phát triển cụm liên kết ngành nhưng vô tình lại là những trở lực lớn trước tư duy cục bộ địa phương. Cũng như còn có sự cạnh tranh lẫn nhau về những lĩnh vực được coi là thế mạnh giống nhau giữa các địa phương trong vùng. Vì vậy, thay vì cùng nhau phát triển thì đây lại là lực cản níu cả khu vực chậm phát triển.

Ngoài ra, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch ngành theo vùng hiện chưa thực sự là công cụ hữu hiệu trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, thu hút đầu tư, cấp tín dụng, quản trị không gian kinh tế, cấp giấy phép đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội vùng, đặc biệt là thực hiện vai trò ràng buộc liên kết nội vùng.

* Điều gì đã dẫn đến những khó khăn như vừa nêu, thưa đồng chí?

- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường: Theo tôi, các tỉnh trong khu vực miền Trung chưa coi trọng đúng mức về mô hình tăng trưởng kinh tế vùng. Rào cản lớn nhất làm cho liên kết vùng chưa phát huy hiệu quả chính là lợi ích kinh tế của các địa phương đang được phân theo địa giới hành chính. Hiện nay, thước đo chính cho thành tích phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố chính là tốc độ tăng trưởng kinh tế chứ không phải chất lượng tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến cho các địa phương phải chạy đua về tăng trưởng GRDP - đây cũng là nguyên nhân chính làm giảm động cơ hợp tác, liên kết.

Không chỉ thiếu cơ chế và tổ chức thích hợp điều phối quan hệ hợp tác và liên kết giữa các địa phương trong vùng; hoạt động mô hình Hội đồng vùng không thực chất và thiếu thực quyền, không thực sự thúc đẩy sự phối hợp, liên kết giữa các địa phương. Phần lớn công việc được triển khai chỉ dừng ở mức độ xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp gỡ trao đổi nội dung liên kết, đề xuất các kiến nghị đối với Trung ương. Thẩm quyền quyết định các vấn đề lớn của Chủ tịch Hội đồng vùng còn chưa rõ ràng; tính thống nhất trong công tác phối hợp và liên kết giữa các thành viên Hội đồng vùng chưa cao, nhất là trong các lĩnh vực bảo đảm về tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đầu tư dàn trải...

Vùng miền Trung định hướng phát triển hiện đại, trong đó khu Chu Lai (Quảng Nam) là hạt nhân của vùng. Trong ảnh: Sân bay Chu Lai theo quy hoạch của Chính phủ là sân bay trung chuyển hàng hóa, hành khách quan trọng của vùng kinh tế miền Trung. Ảnh: MINH ĐỨC
Vùng miền Trung định hướng phát triển hiện đại, trong đó khu Chu Lai (Quảng Nam) là hạt nhân của vùng. Trong ảnh: Sân bay Chu Lai theo quy hoạch của Chính phủ là sân bay trung chuyển hàng hóa, hành khách quan trọng của vùng kinh tế miền Trung. Ảnh: MINH ĐỨC

* Xâu chuỗi những vấn đề đã đề cập, theo đồng chí, sẽ phải tháo gỡ từ đâu, từ nút thắt nào, kể cả kiến nghị với Trung ương, để thực thi hiệu quả liên kết phát triển vùng?

- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường: Để các chủ trương, chính sách liên kết vùng đi vào thực tiễn, trước tiên cần phải có sự thống nhất, đồng thuận trong mối liên kết giữa các địa phương liên quan, cùng hướng đến mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành với doanh nghiệp trong việc kết nối liên kết phát triển vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng miền Trung. Trong đó, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế và tăng cường thực hiện thể chế, trước mắt cho thí điểm tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương có chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Cùng với đó, sớm ban hành các cơ chế, chính sách và các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực mà vùng miền Trung có tiềm năng, lợi thế lớn như: dầu khí, hàng hải, đóng tàu, cảng biển, logistics, công nghệ cao, du lịch và dịch vụ biển; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao...

* Đồng chí có thể chia sẻ, điều cốt lõi Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung đã đạt được là gì?

- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường: Hội nghị đã thảo luận, góp ý đề xuất về cơ chế, chính sách mang tính “mở đường”, tạo thêm các động lực, điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung bứt phá, cùng phát triển bền vững, cũng như tháo gỡ những điểm nghẽn kìm hãm phát triển đã được nhìn nhận. Nội dung dành được nhiều sự quan tâm của hội nghị đó là cơ chế huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng khung theo hướng kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng; thể chế, cơ chế điều phối vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động điều phối và liên kết vùng trong thời gian tới.

* Là tỉnh nằm ở trung tâm vùng miền Trung nói chung và là một trong 5 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng (cùng với Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định), hành động của Quảng Nam trong vòng chuyển động phát triển vùng là gì, thưa đồng chí?

- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường: Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2019 - 2020, Quảng Nam sẽ tiếp tục kiên trì phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai thực hiện những nội dung mà nhiệm kỳ trước đang thực hiện dở dang. Đồng thời ưu tiên lựa chọn và đề xuất một số nội dung liên kết gắn với tiềm năng chung của toàn vùng để cùng nhau thực hiện hiệu quả. Chúng tôi dự kiến một số chương trình lớn như: liên kết phát triển kinh tế biển; liên kết phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết xây dựng hệ thống trung tâm logistics; liên kết phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...

Quảng Nam cũng sẽ cùng với các địa phương sớm xây dựng quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó, cùng xem xét điều chỉnh mục tiêu, quy mô của các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong quá trình lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Đồng thời nghiên cứu mô hình quản lý các khu kinh tế, mở rộng phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho các Ban Quản lý khu kinh tế, bảo đảm cơ chế hành chính “một cửa”.

* Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Năng động trong liên kết phát triển vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO