Nâng tỷ lệ nữ đại biểu dân cử

VINH ANH - HÀN GIANG 08/03/2021 06:02

Trải qua nhiều nhiệm kỳ, phụ nữ tham gia cơ quan dân cử có sự chuyển biến tích cực, song tỷ lệ nữ đại biểu dân cử còn thấp do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Cần quan tâm nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu tham gia cơ quan dân cử. TRONG ẢNH: Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My chủ trì cuộc họp với huyện Phước Sơn về phát triển dược liệu khi còn giữ chức vụ Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh. Ảnh: VINH ANH
Cần quan tâm nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu tham gia cơ quan dân cử. TRONG ẢNH: Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My chủ trì cuộc họp với huyện Phước Sơn về phát triển dược liệu khi còn giữ chức vụ Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh. Ảnh: VINH ANH

Nhiều rào cản

Mặt trận các cấp phải xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong chủ trì hiệp thương với các tổ chức thành viên và cơ quan, tổ chức, đơn vị để phân bổ giới thiệu người ứng cử là nữ đủ số lượng và đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Đồng thời phối hợp hỗ trợ người ứng cử là nữ về kinh nghiệm xây dựng chương trình hành động và kỹ năng tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

(Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca)

Trong Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu các khóa XI, XII, XIII và XIV lần lượt là 27,3%, 25,76%, 24,4% và 26,8%. Trong khi tỷ lệ nữ trong HĐND cấp tỉnh chỉ tăng 1 - 2% mỗi khóa; cấp huyện và xã tăng 2 - 4%. Theo Hội LHPN Việt Nam tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Quảng Nam không có nữ trúng cử đại biểu Quốc hội; tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh chỉ đạt 20%. Nữ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã có tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng cũng chỉ chiếm tỷ lệ lần lượt là 23,6% và 23,04%. ​

Theo TS.Vương Thị Hanh - Chủ tịch Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW), tỷ lệ nữ ở cơ quan dân cử không cao có nguyên nhân từ việc nữ ứng cử viên bị gắn nhiều cơ cấu như trẻ tuổi, ngoài đảng, dân tộc, tôn giáo, nên khó giới thiệu được đại diện nữ tiêu biểu.

Ngoài ra, nhiều nữ ứng cử viên có trình độ và vị trí công việc thấp, ít có cơ hội và điều kiện tiếp cận thông tin tầm vĩ mô, kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều, nên tiếng nói ảnh hưởng bị hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị bầu cử sắp xếp danh sách nam/nữ ứng cử không ngang nhau về trình độ, vị thế công tác nên nữ khó trúng cử. Đơn cử, có tới 54 trong số 184 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sắp xếp nữ có trình độ và vị thế công việc thấp hơn nam cho nên nhiều đại biểu không trúng cử. Tình trạng nêu trên cũng xảy ra tại bầu cử HĐND các cấp.

Theo Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”, phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75%, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù có tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thấp dưới 30% có thể điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp thực tiễn cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030. Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030…

Theo quy định hiện nay là phải đảm bảo giới thiệu 35% nữ tham gia ứng cử đại biểu dân cử và phấn đấu tỷ lệ nữ trúng cử cơ quan dân cử đạt 30%. Trong quá trình chuẩn bị công tác bầu cử, mặc dù nội dung này được cấp ủy, ban bầu cử địa phương hết sức quan tâm, tuy nhiên để đảm bảo tỷ lệ theo quy định là không dễ dàng.

Ông Đỗ Văn Minh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) thừa nhận, việc đảm bảo tỷ lệ nữ trúng cử HĐND phường nhiệm kỳ 2021 - 2025 gần như không thể. Lý do chủ quan là tỷ lệ nữ thấp so với tổng số cán bộ công chức phường, nên khi hiệp thương giới thiệu nữ ứng cử viên thiếu nguồn. Trong khi đó, nguyên nhân khách quan là ở HĐND cấp phường, xã, một số chị em khi được giới thiệu ứng cử cũng ngại tham gia, một phần vì phụ cấp thấp, một phần do không muốn gánh thêm việc để dành thời gian chăm sóc gia đình. 

Bà Vũ Thị Tố Uyên - Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Thạnh cho rằng, nữ ứng cử viên khi tranh cử gặp nhiều thiệt thòi so với nam giới. Trong đó, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” cũng là lý do khiến nữ giới thua thiệt so với nam. Việc bố trí nữ ở các điểm bầu cử nếu không có sự quan tâm, tính toán thì khả năng nữ không trúng cử rất cao. 

Cần sự quan tâm từ nhiều phía

Các chuyên gia về giới cho rằng, để nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ nữ trong cơ quan dân cử cần giảm tình trạng gắn nhiều cơ cấu cho ứng cử viên là nữ ngay từ các vòng hiệp thương. Tăng tỷ lệ nữ ứng cử tới 40% hoặc cao hơn để phấn đấu tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử đạt từ 30% trở lên. Nâng cao vai trò, nhận thức của cấp ủy đảng và người đứng đầu trong giới thiệu người ứng cử. Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp bảo đảm lập danh sách nam/nữ ứng cử ở các đơn vị bầu cử trên cơ sở tương đương về trình độ, vị trí chức danh, tạo sự cạnh tranh công bằng trong bầu cử, điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ nữ trúng cử…

Bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại một kỳ họp HĐND tỉnh. Ảnh: ĐOAN ANH
Bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại một kỳ họp HĐND tỉnh. Ảnh: ĐOAN ANH

Về phía Hội LHPN các cấp cũng cần vào cuộc để tuyên truyền, giám sát công tác bầu cử và phối hợp tập huấn hướng dẫn xây dựng chương trình hành động, kỹ năng vận động tranh cử cho nữ ứng cử viên.

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh dự kiến phối hợp mở 3 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho khoảng 460 nữ ứng cử viên cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tham gia ứng cử nhiệm kỳ 2021 - 2026. Lớp tập huấn phổ biến các chuyên đề: giới thiệu tóm tắt về Quốc hội, HĐND và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; pháp luật về bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong cơ quan dân cử. Đồng thời trang bị kỹ năng về thu thập và xử lý thông tin, xây dựng chương trình hành động, tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử và làm việc với các cơ quan truyền thông cho các nữ ứng cử viên. 

Thừa nhận việc đảm bảo tỷ lệ nữ theo quy định trúng cử 30% là một trong những vấn đề khó nhất, ông Phạm Phú Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nông Sơn cho biết, giới thiệu nữ ứng cử viên đủ cơ cấu tỷ lệ 35% dễ, còn để trúng cử 30% thì không đơn giản. Trước hết, trong quá trình hiệp thương cần căn cứ các quy hoạch do Ban Thường vụ cấp ủy tính toán, sau đó chuẩn bị định hướng ứng cử viên là nữ phải đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu và hướng bố trí. Việc giới thiệu nữ ứng cử viên cũng cần đảm bảo khi họ trúng cử phải bố trí ở những vị trí công việc xứng đáng là một đại biểu HĐND. Đồng thời cần có sự quan tâm, ưu tiên cho ứng cử viên là nữ.

“Trong quá trình tổ chức cho ứng cử viên vận động tranh cử, có những việc Mặt trận sẽ định hướng (không vi phạm luật) và giải thích, tuyên truyền cho nhân dân để có sự ủng hộ với ứng cử viên nữ. Ngoài ra Mặt trận cũng sẽ tổ chức giám sát để xem có đảm bảo các tỷ lệ, trong đó có tỷ lệ nữ trong HĐND các cấp hay không” - ông Thủy cho hay.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cho rằng, Mặt trận các cấp phải xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong chủ trì hiệp thương với các tổ chức thành viên và cơ quan, tổ chức, đơn vị để phân bổ giới thiệu người ứng cử là nữ đủ số lượng và đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Đồng thời phối hợp hỗ trợ người ứng cử là nữ về kinh nghiệm xây dựng chương trình hành động và kỹ năng tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

Cùng với đó, chủ trì tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử, trong đó quan tâm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nữ ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, trình bày dự kiến chương trình hành động của mình trước cử tri để cử tri quyết định lựa chọn ứng cử viên nữ xứng đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng tỷ lệ nữ đại biểu dân cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO