Nghĩa tình Nông Cống - Duy Xuyên

NGUYỄN QUANG MẠNH 06/03/2020 10:27

Ngay sau lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam được tiến hành, huyện Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam được kết nghĩa cùng huyện Nông Cống của tỉnh Thanh Hóa. Trong 60 năm qua, đảng bộ và nhân dân Duy Xuyên - Nông Cống luôn kề vai sát cánh, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, kịp thời động viên, cổ vũ nhau vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, cùng phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đặt ra trong từng giai đoạn lịch sử ở mỗi địa phương.

Cán bộ, lãnh đạo huyện Nông Cống và Duy Xuyên chụp ảnh lưu niệm tại Đền Liệt sĩ huyện Duy Xuyên. Ảnh: D.X
Cán bộ, lãnh đạo huyện Nông Cống và Duy Xuyên chụp ảnh lưu niệm tại Đền Liệt sĩ huyện Duy Xuyên. Ảnh: D.X

Sát cánh trong gian khó

Ngay sau khi kết nghĩa, hàng nghìn con em của Nông Cống, Thanh Hóa và miền Bắc đã tạm biệt gia đình, gác lại mọi ước mơ để vào Nam chiến đấu với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” và khẩu hiệu hành động “Tất cả vì miền Nam thân yêu, tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để chiến thắng”; với Nông Cống, Thanh Hóa còn “Vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”. Hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, khí tài thấm đẫm máu, mồ hôi của nhân dân Thanh Hóa, Nông Cống liên tục chi viện cho chiến trường Quảng Nam, Duy Xuyên. Chiến trường Duy Xuyên khốc liệt ngày ấy từ An Hòa, Đức Dục, Thu Bồn, Kiểm Lâm, Vĩnh Trinh cho đến Hòn Bằng, Xuyên Trường, Văn Quật, vùng cát khu đông còn in đậm dấu chân của những chiến sĩ từ miền Bắc vào chiến đấu ở các đơn vị, nhất là Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa. Hay như đồng chí Lê Đình Dinh (1922 - 1996) - người con của xã Trường Sơn, huyện Nông Cống đã có thời gian giữ chức vụ Trưởng ban An ninh huyện Duy Xuyên, được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa V (8.1967 - 12.1969).

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc cách đây 45 năm nhưng dư âm của nó vẫn còn âm ỉ. Đền Liệt sĩ huyện Duy Xuyên ghi danh gần 13.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất Duy Xuyên, trong đó có hơn 3.200 liệt sĩ chưa rõ họ tên ở khắp mọi miền đất nước, phần lớn là con em của quê hương Nông Cống, Thanh Hóa. Đến nay, ở các nghĩa trang liệt sĩ xã, thị trấn chỉ xác định rõ danh tính được 14 mộ liệt sĩ quê Thanh Hóa, Nông Cống. Sau ngày giải phóng, đảng bộ và nhân dân huyện Duy Xuyên đã làm hết mình trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để đưa vào nghĩa trang và tích cực xác minh danh tính để có thông tin đến địa phương, gia đình…

Đồng hành trong xây dựng

Nghĩa tình thủy chung, son sắt giữa hai huyện kết nghĩa Nông Cống - Duy Xuyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ càng được tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương, góp phần kiến thiết đất nước sau ngày giải phóng. Huyện Duy Xuyên trong thời gian đầu thực hiện công cuộc kiến thiết quê hương có hàng loạt nhiệm vụ đặt ra mang tính cấp bách như: ổn định tình hình an ninh chính trị; chăm lo đời sống nhân dân; khắc phục hậu quả chiến tranh; khôi phục và phát triển sản xuất… nhất là giai đoạn bắt tay vào xây dựng mô hình hợp tác xã theo chủ trương của Đảng. Điều kiện mới, môi trường mới và yêu cầu mới vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo, linh hoạt, kịp thời nên đội ngũ cán bộ không tránh khỏi những lúng túng, khó khăn. Nhiều cán bộ của huyện được chọn cử tham gia cùng với đoàn cán bộ của tỉnh ra Thanh Hóa học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, nhiều đoàn cán bộ của Thanh Hóa đã vào huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam để giúp đỡ, hỗ trợ trong công tác điều tra, khảo sát, lập kế hoạch để xây dựng các hợp tác xã, phương pháp quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.

Hàng năm, vào những dịp lễ tết, kỷ niệm các sự kiện chính trị trọng đại, ngày Thương binh liệt sĩ 27.7…, hai huyện đều cử đoàn đại biểu đến thăm hỏi, tặng quà, động viên, trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và những định hướng lớn trong những năm đến ở từng địa phương. Ngoài việc thăm hỏi, động viên từ những đoàn cán bộ của huyện và các xã, thị trấn, nhiều tổ chức đoàn thể của hai địa phương, nhất là lực lượng thanh thiếu nhi cũng đã phối hợp tổ chức sôi động hoạt động giao lưu, kết nghĩa. Đáng quý, trong những đợt xảy ra thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh…, lãnh đạo hai huyện kịp thời hỏi han tình hình thiệt hại, động viên lẫn nhau về tinh thần cùng với giúp đỡ vật chất. Nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân hai địa phương, những công trình lớn của mỗi huyện đều có sự phát động, vận động chung tay xây dựng như Nghĩa trang Liệt sĩ của huyện Nông Cống (năm 2010), Đền Liệt sĩ huyện Duy Xuyên (năm 2012) và nhiều công trình khác. Để ghi khắc nghĩa tình, huyện Duy Xuyên đã lấy tên Nông Cống để đặt cho một con đường tại khu vực trung tâm huyện…

Cùng nhau phát triển

Những năm của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (2015 - 2020), huyện Duy Xuyên tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công cuộc xây dựng xã nông thôn mới, gắn với xây dựng huyện nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa (sau khi đã phát động từ năm 2011 và 4 xã được công nhận trong năm 2015), quyết tâm kết thúc vào năm cuối nhiệm kỳ - năm 2020. Huyện Duy Xuyên có 14 xã, thị trấn. Trong đó 11 xã xây dựng nông thôn mới, 2 xã xây dựng đô thị loại 5 và thị trấn Nam Phước xây dựng đô thị loại 4. Huyện Nông Cống có 32 xã và 1 thị trấn, tiến hành xây dựng nông thôn mới từ năm 2012. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn, hai huyện đã tổ chức nhiều chuyến tham quan, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới ở các xã và huyện; giới thiệu những mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và cùng hỗ trợ nhau nhân rộng mô hình, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập… Nhờ vậy, tốc độ xây dựng nông thôn mới ở hai huyện đều đạt những thành tích to lớn, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Có thể nói, 60 năm là một quãng thời gian không dài so với lịch sử của dân tộc nhưng cũng đủ để khẳng định được sức mạnh, niềm tin mà đảng bộ, nhân dân hai huyện Duy Xuyên - Nông Cống đã dày công xây dựng qua bao thế hệ từ chủ trương kết nghĩa của Đảng. Trải qua 60 năm, Duy Xuyên - Nông Cống đã chung lưng đấu cật, gắn bó thủy chung son sắt giữa những đau thương, mất mát nhưng vô cùng oanh liệt trong đấu tranh. Khi hòa bình lập lại, tình cảm cao đẹp ấy lại càng thêm trọn nghĩa, vẹn tình. Những lời động viên, thăm hỏi kịp thời, những hỗ trợ, chia sẻ đúng lúc mà các đồng chí lãnh đạo trao gửi cho nhau luôn là sự quan tâm chí nghĩa, chí tình và là ước nguyện của nhân dân hai huyện. Tin tưởng rằng, với truyền thống quý báu được xây dựng và vun đắp qua 60 năm, tình nghĩa keo sơn, gắn bó máu thịt của Nông Cống - Duy Xuyên sẽ mãi mãi bền vững trong sự phát triển đi lên của đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai huyện kết nghĩa anh em.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩa tình Nông Cống - Duy Xuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO