Nhiều kiến nghị hỗ trợ phát triển vùng miền núi

VINH ANH 24/06/2020 04:23

Hôm qua 23.6, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5 có buổi tiếp xúc cử tri sau khi Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV với cán bộ, nhân dân huyện Phước Sơn.

Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn kiến nghị với các ĐBQH về nhiều vấn đề phát triển địa phương. Ảnh: VINH ANH
Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn kiến nghị với các ĐBQH về nhiều vấn đề phát triển địa phương. Ảnh: VINH ANH

Mong sớm cấp sổ đỏ đất rừng 

Tại buổi tiếp xúc, cử tri các địa phương mong muốn Đảng, Nhà nước và Chính phủ tiếp tục có nhiều chính sách quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ông Hồ Văn Bảo - Bí thư Đảng ủy xã Phước Mỹ đề nghị cấp có thẩm quyền sớm thực hiện chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang đất sản xuất trong lòng hồ thủy điện Nước Chè; quan tâm xây dựng nhà cho nhân dân; giải quyết tình hình tranh chấp đất rẫy, tranh chấp ranh giới giữa các thôn, xã; cấp kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cấp bìa đỏ cho nhân dân...

Băn khoăn với giá điện

Tiếp xúc với cử tri Hiệp Đức vào chiều cùng ngày, các ĐBQH tỉnh ghi nhận nhiều ý kiến xác đáng liên quan đến nhiều vấn đề như: cơ quan chức năng của huyện chậm giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; đề nghị Quốc hội có chế tài mạnh với vấn nạn ma túy, xử lý thực phẩm bẩn; quan tâm tu bổ, nâng cấp di tích văn hóa... Đặc biệt, khá nhiều cử tri quan tâm câu chuyện thời sự về giá điện tăng “chóng mặt” những tháng gần đây. Cử tri đặt sự hoài nghi về tính mập mờ trong việc tăng và giảm giá điện, khi mà nhiều gia đình giá điện một vài tháng vừa qua tăng gấp đôi, gấp rưỡi...

Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, tuyến đường 14E đi qua nhiều địa phương Phước Sơn, Hiệp Đức, Thăng Bình phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn, tuy nhiên đang xuống cấp, đề nghị Chính phủ ưu tiên mở rộng, nâng cấp. 

Về vấn đề giáo dục, định biên theo tỷ lệ học sinh trên một lớp học ở Phước Sơn còn thiếu, nhất là ở bậc mầm non, qua thống kê sơ bộ huyện còn 60 trẻ không được đến lớp do thiếu giáo viên, ông Quảng đề nghị Đoàn ĐBQH có ý kiến để tỉnh quan tâm bố trí giáo viên đảm bảo việc dạy và học...

Về thủy điện Nước Chè, ông Quảng cho biết, liên quan đến 2 xã Phước Năng và Phước Mỹ với 459 hộ thuộc diện bồi thường giải tỏa, đang được huyện thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình. Tuy nhiên đến nay còn một số trường hợp chưa thực hiện được do quá trình xác nhận tình trạng pháp lý nguồn gốc đất gặp khó khăn, trong khi đó năm 2019 đơn vị chủ đầu tư “quên” đăng ký kế hoạch sử dụng đất nên không triển khai bồi thường giải tỏa được, buộc phải bổ sung vào năm 2020. Liên quan đến lòng hồ thủy điện, hiện còn vướng mắc về vấn đề chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang rừng sản xuất. 

Kỳ vọng chương trình mục tiêu quốc gia mới

Tại buổi tiếp xúc, ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu các nội dung kiến nghị của cử tri. Trong đó, về các kiến nghị liên quan đến phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã chính thức thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, bắt đầu triển khai từ năm 2021 với tổng kinh phí dự kiến cho chương trình khoảng 300 nghìn tỷ đồng. Chương trình này sẽ tồn tại song song và kết hợp với 2 chương trình MTQG lớn là chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Trong chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 10 dự án thành phần và các tiểu dự án thành phần liên quan. Như vậy, khi chương trình được triển khai sẽ tác động rất lớn đến đời sống người dân miền núi, đáp ứng được những vấn đề lớn về phát triển miền núi còn tồn tại mà cử tri đã và đang kiến nghị như: đất sản xuất, nhà ở, tái định cư, sắp xếp bố trí dân cư, nước sạch, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi…

Về kiến nghị cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số khai thác gỗ làm nhà ở, ông Bình cho biết, tinh thần chung của Đảng, Chính phủ và tỉnh là đóng chặt cửa rừng. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tỉnh đang rà soát để xây dựng đề án khuyến khích trồng rừng lấy gỗ làm nhà và sẽ trình HĐND xem xét thông qua trong thời gian tới, chứ dứt khoát không có việc khai thác rừng tự nhiên. Đối với việc tranh chấp đất rừng sản xuất, tỉnh có dự án hỗ trợ đo đạc, giải thửa bản đồ để cấp sổ đỏ cho dân, nhưng triển khai chậm trễ do nguồn lực khó khăn. Còn giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, nguyên tắc là tranh chấp giữa các thôn do xã chủ trì xử lý, tranh chấp giữa các xã do huyện chủ trì giải quyết theo tinh thần tôn trọng ranh giới, lịch sử, phong tục tập quán…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhiều kiến nghị hỗ trợ phát triển vùng miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO