Phát triển bền vững di sản

LÊ QUÂN 09/09/2019 11:39

Tạo mọi điều kiện tốt nhất để di sản phát huy tối ưu các giá trị hiện có, cũng như tìm kiếm giải pháp để tránh những tác động tiêu cực, rà soát và nhanh chóng thực hiện các quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt tại các vùng đất di sản... là những phương kế để Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm tiếp tục phát triển trong tương lai. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu gửi thư cảm ơn và trao quà lưu niệm cho tiến sĩ Patricia Zolese - chuyên gia Ý. Ảnh: X.H
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu gửi thư cảm ơn và trao quà lưu niệm cho tiến sĩ Patricia Zolese - chuyên gia Ý. Ảnh: X.H

Hội nghị đánh giá và tuyên dương công tác bảo tồn, phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (VHTG) và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới thu hút hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, diễn ra chiều ngày 7.9. Đây cũng chính là cơ hội để gặp gỡ các cá nhân đã có nhiều đóng góp trong quá trình bảo tồn và phát triển di sản trong 20 năm qua.

Gắn với lợi ích cộng đồng

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, đến nay, Hội An đã trở thành thương hiệu hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Có được điều này vì Hội An đã xem “văn hóa là động lực, mục tiêu” cho sự phát triển của kinh tế du lịch và ngược lại phát triển du lịch phải nhằm đẩy mạnh phát triển nền kinh tế bền vững, nâng cao đời sống của người dân. “Dựa vào tài nguyên văn hóa, thiên nhiên và đặc biệt sau khi Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản VHTG, Hội An đã xác định chọn hướng phấn đấu, xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Định hướng chiến lược đặt ra là bảo tồn di sản vững chắc gắn với xây dựng, phát triển đô thị sinh thái và phát huy du lịch bền vững” - ông Sơn nói. Năm 2018, Hội An đón hơn 4 triệu khách, tỷ trọng GRDP của nhóm dịch vụ - du lịch - thương mại chiếm hơn 67%. Theo ông Sơn, việc quản lý và bảo tồn di tích, di sản phải gắn kết và bảo đảm lợi ích của cộng đồng và trên hết phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân, trong đó, người dân là chủ thể của quần thể di tích, di sản. Đây chính là một trong những yếu tố đưa đến thành công của Hội An hôm nay. 

Trong khi đó, ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, qua 20 năm được vinh danh di sản, công tác quản lý, bảo tồn Mỹ Sơn cũng như việc phát huy đã khẳng định thương hiệu, điểm đến di sản Mỹ Sơn trên bản đồ du lịch Quảng Nam và miền Trung. Thời gian tới, theo ông Cường, Duy Xuyên sẽ tiếp tục vận động người dân địa phương, cộng đồng di sản và du khách cùng chung tay bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường Mỹ Sơn, nêu cao nguyên tắc đối xử thận trọng và có ý thức, cũng như tiếp tục gắn trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi với người dân trong vùng.

Với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, bà Nguyễn Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, việc gìn giữ và phát triển tài nguyên khu sinh quyển là một quá trình khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc, chính xác và sự vào cuộc đầy trách nhiệm của toàn lực lượng trong xã hội. Quan trọng hơn hết là làm thế nào để danh hiệu khu sinh quyển đem lại lợi ích cho người dân, hỗ trợ tốt cho chiến lược phát triển bền vững TP.Hội An.

Thúc đẩy phát triển bền vững

Tại hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước trao Bằng khen cho 13 nghệ nhân ưu tú của Quảng Nam. Dịp này, 5 tập thể và 6 cá nhân cũng được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tặng bằng khen, 540 cá nhân và 128 tập thể được nhận bằng khen, thư cảm ơn và quà lưu niệm của UBND tỉnh Quảng Nam vì đã có công trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam - ông Michael Croft cho biết, Quảng Nam chính là một đối tác đặc biệt của UNESCO tại Việt Nam và chính những kinh nghiệm thực tiễn tại Quảng Nam mang đến nhiều ý nghĩa đối với bạn bè quốc tế. Theo ông Michael Croft, di sản và phát triển thúc đẩy, cộng hưởng lẫn nhau, tạo nên xã hội phát triển toàn diện.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, sự đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan trung ương và quốc tế đối với quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Quảng Nam trong 20 năm qua rất lớn. “Chúng ta đã đạt được nhận thức chung về mục tiêu phát triển di sản, dù còn nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, nhưng 20 năm qua Quảng Nam đã thực hiện được nhiều giải pháp để phát huy giá trị di sản cũng như nhiều cách làm tốt để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh, đưa Quảng Nam trở thành một trong những điểm đến của quốc tế” - ông Thu nói.

Trong tương lai, để các di sản phát triển bền vững, Quảng Nam sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, tìm giải pháp, nguồn lực cụ thể và tuân thủ nghiêm ngặt việc quy hoạch, triển khai công tác quản lý di sản từ cả quản lý về quy hoạch cũng như quản lý nhà nước. Cùng với đó, để tạo điều kiện phát triển bền vững di sản, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, cần thúc đẩy sự kết nối không gian giữa các địa phương di sản, đẩy mạnh lộ trình xây dựng TP.Hội An như đã quy hoạch cũng như ban hành điều lệnh quy hoạch cả vùng lõi và vùng đệm từ Mỹ Sơn đến Hội An. Tạo sự đồng thuận trong cộng đồng để phát triển di sản, cũng như tranh thủ chất xám từ các tổ chức, chuyên gia nước ngoài, tìm kiếm giải pháp về nguồn nhân lực... cũng sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển bền vững di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO