Phát triển, nâng chất kinh tế tập thể

TRỊNH DŨNG 09/09/2019 10:49

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động mọi nguồn lực (vốn, nhân lực, khoa học kỹ thuật…) để mở rộng phát triển, nâng chất kinh tế tập thể… Đó là những nội dung được luận bàn nhiều nhất tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể do Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì vào cuối tuần qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân thực hiện xuất sắc. Ảnh: T.D
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân thực hiện xuất sắc. Ảnh: T.D

Thành công trong “ngõ hẹp”

Nhờ vốn ưu đãi xây dựng trang trại nuôi heo đen, dê thương phẩm, gà thả vườn, Tổ hợp tác Toàn Liên, huyện Phú Ninh, đã mở rộng thêm chuồng trại khép kín bằng hệ thống dàn lạnh chăn nuôi thỏ thương phẩm và nhân giống, trở thành một trong những mô hình kinh tế tập thể hiệu quả mang lại doanh thu hơn 100 triệu đồng/tháng cho 3 gia đình.

Thành công của Tổ hợp tác Toàn Liên là một trong những điển hình của kinh tế tập thể “bùng phát” trong vòng 15 năm qua tại Quảng Nam. Theo thống kê, tính đến 31.12.2018, Quảng Nam có hơn 2.417 tổ hợp tác và 329 hợp tác xã (HTX) với số thành viên của HTX gần 228.000 người. Tổng vốn hoạt động và giá trị tài sản của HTX, liên hiệp HTX hơn 1.705,4 tỷ đồng. Doanh thu bình quân 1 HTX khoảng 2,5 tỷ đồng và lãi bình quân 500 triệu đồng và thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong 1 HTX khoảng 40 triệu đồng/năm.

Tỉnh ủy Quảng Nam nhận định, kể từ khi có nghị quyết, Luật HTX có hiệu lực, cùng với sự ra đời của các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX đã tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình HTX mới xuất hiện. Nhiều HTX chuyên ngành, nghề được hình thành (y tế, chăn nuôi, môi trường…). So với 15 năm trước, HTX tại Quảng Nam ngày càng đa dạng, đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất lúa giống, mở rộng thêm ngành nghề phi nông nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo dựng niềm tin với xã hội về mô hình HTX…

Theo ông Lê Trí Thanh  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, những cơ chế, chính sách được sửa đổi, bổ sung ban hành mới đã tạo điều kiện cho HTX tiếp cận, thụ hưởng và ứng dụng đưa vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình một cách thiết thực và hiệu quả. Các HTX ngày càng năng động hơn với cơ chế thị trường, tự chủ trong tổ chức hoạt động, tự khẳng định được vai trò không chỉ đối với sản xuất, kinh doanh mà còn trở thành nhân tố không thể thay thế, góp phần xây dựng các sản phẩm truyền thống, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương. “Không chỉ bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở, các HTX đã xác lập vị trí, thu hút lực lượng trẻ, trình độ tham gia, hỗ trợ nâng cao thu nhập cho dân nông thôn, góp phần tạo điều kiện phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình OCOP…” - ông Thanh nói.

Nâng chất kinh tế tập thể

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tập thể về số lượng lẫn chất lượng của nhiều mô hình mới chứng minh Nghị quyết 13 đã được hiện thực hóa. Song, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng thừa nhận rằng năng lực nội tại của HTX không đáp ứng yêu cầu. Thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, phần lớn cán bộ quản lý tuổi cao, nặng tư duy HTX kiểu cũ, thiếu năng động thị trường, cơ sở vật chất xuống cấp, công nghệ sản xuất lạc hậu… vẫn là vấn đề không dễ thay đổi. Không thiếu chính sách, cơ chế… nhưng khung pháp lý, hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển bất cập, chồng chéo, trùng lắp, thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể. Số HTX tiếp cận và hưởng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hạn chế và thiếu sự quan tâm hay mỏng về quản lý nhà nước loại hình kinh tế tập thể này… Tỷ lệ HTX trung bình và yếu kém vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn (hơn 35%). Ông Vi Văn Toàn - thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi Toàn Liên hy vọng các trang trại đủ tiêu chí sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nông dân yên tâm đầu tư, mong muốn được hỗ trợ con giống, vật nuôi mới, mở thêm các lớp tập huấn, trang bị kỹ thuật áp dụng vào mô hình và có thêm nhiều chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi cho kinh tế tập thể mở rộng quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Theo kế hoạch của Quảng Nam, đến năm  2025 sẽ thành lập mới 300 - 500 tổ hợp tác; 180 - 200 HTX và 4 liên hiệp HTX. Tất cả địa phương cấp huyện xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa. Doanh thu bình quân hàng năm tăng khoảng 4 - 5%, thu nhập bình quân người lao động tăng 3 - 6% và lãi bình quân tăng 2 - 5%/năm. Chính quyền sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động mọi nguồn lực cho phát triển HTX. Sẽ tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào HTX để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh…

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu các HTX cần nghiên cứu để thích ứng cơ chế thị trường mới. Ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, trở thành cầu nối thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng… Các ngành, các cấp phối hợp thúc đẩy phát triển, phát huy tối đa vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh… Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng mô hình HTX điển hình. Nghiên cứu tham mưu đề xuất HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách mới hỗ trợ, khuyến khích phát triển, tạo điều kiện hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tiếp cận hiệu quả các cơ chế chính sách đã ban hành...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển, nâng chất kinh tế tập thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO