Phú Ninh thay "áo mới"

TÂM ĐAN - HẢI CHÂU 01/04/2020 05:47

Ngày 5.1.2005, huyện Phú Ninh được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Tam Kỳ. Trải qua chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, huyện Phú Ninh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông ngày càng được đầu tư khang trang tạo động lực phát triển kinh tế cho huyện Phú Ninh. Ảnh: VINH ANH
Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông ngày càng được đầu tư khang trang tạo động lực phát triển kinh tế cho huyện Phú Ninh. Ảnh: VINH ANH

Vượt qua gian khó

Công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh từ những ngày đầu thành lập huyện, bác sĩ Nguyễn Văn Hạnh không thể nào quên được gian khó buổi đầu. “Khi mới đi vào làm việc, Trung tâm Y tế huyện phải mượn tạm một số phòng học của Trường THCS Nguyễn Hiền đã xuống cấp, mỗi khi trời mưa, các y bác sĩ rất lo lắng, nhiều đêm phải thức giấc để vận chuyển thuốc men, vật tư y tế đến nơi an toàn” - bác sĩ Hạnh nhớ lại.

Không chỉ riêng Trung tâm Y tế, trụ sở của Huyện ủy, UBND, các phòng ban đều phải thuê và mượn tạm của người dân. Theo báo cáo, giai đoạn mới thành lập, huyện Phú Ninh đối mặt với muôn vàn khó khăn khi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, thu nhập người dân chỉ 3,2 triệu đồng/người/năm, thấp hơn 2 lần so với bình quân chung của tỉnh lúc bấy giờ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 23%. Cơ sở hạ tầng yếu kém, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển tự phát; hệ thống trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa, khu vui chơi cho thanh thiếu nhi còn sơ sài; đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã vẫn còn thiếu…

Ông Dương Thanh Xuân - nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho biết: “Ngay tại Đại hội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ huyện Phú Ninh xác định 3 chương trình trọng tâm, cấp bách gồm: tập trung sản xuất, phát triển kinh tế để ổn định đời sống, đồng thời bắt tay xây dựng huyện nông thôn mới; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn một cách đồng bộ; củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức và công tác cán bộ”.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện chú trọng đầu tư hệ thống giao thông trục chính, khu trung tâm hành chính huyện khang trang, đồng bộ. Nếu như năm 2005, toàn huyện chỉ có gần 5km quốc lộ 1 và các tuyến ĐT 615, 616 được nhựa hóa, còn lại chủ yếu đường đất, thì đến nay nhiều tuyến đường chiến lược được hình thành. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, qua 15 năm, 100% các tuyến ĐH, ĐX đã được cứng hóa, 90% các tuyến đường dân sinh được bê tông hóa, 100% khu tâm xã có điện chiếu sáng...

Cùng với đó, địa phương đã chủ động, tranh thủ nguồn hỗ trợ của cấp trên, đặc biệt là nguồn vốn của Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cộng với nỗ lực của địa phương đã biến vùng đất hoang của xã Tam Vinh (trước đây) thành khu Trung tâm hành chính khang trang. Nhiều công trình được xây mới như nhà văn hóa, sân vận động, nghĩa trang liệt sĩ, trụ sở làm việc của các cơ quan, ban ngành, địa phương…

Nâng cao đời sống nhân dân

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho biết, đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, Phú Ninh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều nghị quyết nhằm phát triển kinh tế nâng cao thu nhập người dân.

Điển hình như các nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các cụm công nghiệp thu hút đầu tư, xây dựng các vùng thương mại dịch vụ trọng điểm… Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đang hoạt động ổn định, cho thu nhập cao như Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Trường Thành, HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh, HTX Chăn nuôi Tân Lộc Phát…

Với việc dồn điền đổi thửa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng năng suất cây trồng, hằng năm, toàn huyện có hơn 6.600ha diện tích đất sản xuất lúa, cho năng suất bình quân hơn 59 tạ/ha; trong đó có hơn 623 ha diện tích sản xuất lúa giống hàng hóa, cho sản lượng 2.400 tấn mỗi năm…

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng có bước phát triển vượt bậc. Nhờ vận dụng tối đa tiềm năng thế mạnh, cùng với các giải pháp tích cực hỗ trợ thu hút đầu tư, đến nay, toàn huyện đã có 34 nhà đầu tư đăng ký với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho hơn 4.500 lao động; 17 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong các cụm công nghiệp và 5 doanh nghiệp đang triển khai xây dựng, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 96%...

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào huyện với đa dạng các mặt hàng và dần ổn định vị thế trên thị trường. Trước đây, nhiều lao động phải tìm kiếm việc làm ở nhiều địa phương khác nhưng giờ đây, họ đã có công việc phù hợp, trên chính quê hương của mình.

Anh Trần Văn Nghĩa, công nhân làm việc trong công ty may mặc ở Phú Ninh, chia sẻ: “Trước đây tôi làm việc ở Đà Nẵng nhưng khi ở quê có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động tôi đã quay trở về để xin việc. Làm việc ở quê vừa đảm bảo thu nhập ổn định, vừa có điều kiện để chăm sóc cho gia đình, con cái”.

Theo báo cáo đến cuối năm 2019, toàn huyện có gần 4.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể lĩnh vực thương mại - dịch vụ (tăng gấp 4 so với năm 2005). Nổi bật là việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các chợ Cẩm Khê, Cây Sanh, Phú Thịnh… đã tạo nên những khu thương mại nhộn nhịp. Hiện nay, huyện xúc tiến xây dựng khu dân cư - thương mại dọc quốc lộ 1 và khu phố chợ Chiên Đàn. Bên cạnh, huyện còn quan tâm khôi phục và phát triển các di tích lịch sử, các lễ hội truyền thống để thu hút khách du lịch gần xa. Đặc biệt, lượng khách đến tham quan hồ Phú Ninh đạt hơn 10 nghìn lượt người/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Giữ vững và nâng chất huyện NTM

Từ một huyện khó khăn ban đầu, trong thời gian ngắn, Phú Ninh đã hoàn thành được nhiều nhiệm vụ cấp trên giao. Đó là nỗ lực rất đáng được ghi nhận. Thời gian tới, huyện Phú Ninh cần tiếp tục nỗ lực để giữ vững huyện NTM trong điều kiện bộ tiêu chí của xã NTM, huyện NTM ngày một nâng cao mà nguồn lực đầu tư hạn chế.

Ông Nguyễn Cảnh - nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Ninh: Động lực từ xây dựng huyện NTM

Ngay từ khi mới thành lập, để phát triển vùng đất cách mạng này trở thành vùng nông thôn trù phú, huyện đã có chủ trương xây dựng huyện NTM, khi mà Trung ương chưa có chủ trương về vấn đề này. Được sự hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến năm 2009, Tam Phước vinh dự được Trung ương chọn là 1 trong 11 xã điểm toàn quốc xây dựng xã NTM. Đây chính là cơ sở, cũng là bước đệm để các địa phương khác trên địa bàn huyện bắt tay vào một hành trình mới xây dựng quê hương. Ngày 20.9.2010, Trung ương quyết định chọn Phú Ninh là một trong 5 huyện trên toàn quốc để chỉ đạo điểm xây dựng NTM, đã trở thành cơ hội và cũng là thách thức để Phú Ninh khẳng định, phát huy tiềm lực vốn có, trở mình thay đổi bộ mặt nông thôn. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng huyện NTM, Phú Ninh đã ban hành hơn 50 nghị quyết, kết luận, kế hoạch chuyên đề gắn với từng tiêu chí và phù hợp với tình hình thực tế. Với sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến cuối năm 2015 Phú Ninh đã về đích NTM (sớm hơn 3 năm so với kế hoạch ban đầu). Hiện nay, đồng thời với việc duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí huyện NTM, xã NTM, cán bộ, nhân dân Phú Ninh lại bắt tay vào xây dựng các khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Nguyễn Phi Thạnh: Thành quả từ sự đồng lòng

Với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong 15 năm qua, bức tranh kinh tế Phú Ninh so với thời điểm trước khi thành lập khởi sắc rõ nét trên tất cả lĩnh vực. Những chuyển biến về kinh tế đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nếu ở thời điểm năm 2005, thu nhập bình quân đầu người của Phú Ninh chỉ 3,2 triệu đồng thì đến nay tăng lên khoảng 40 triệu đồng/người/năm (tăng 12,5 lần); hộ nghèo giảm từ 23% xuống còn 2,1%… Đây là sự cố gắng và quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn huyện, tạo động lực xây dựng NTM bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phú Ninh thay "áo mới"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO