Trang sử oanh liệt của "Nam Bộ Thành đồng"

T.S 20/11/2020 16:02

(QNO) - Nam Kỳ khởi nghĩa là cuộc nổi dậy vũ trang chống Pháp của người dân miền Nam Việt Nam vào năm 1940, do Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương và lãnh đạo. Tuy không thành công, nhưng cuộc khởi nghĩa đã để lại nhiều bài học vô giá, là trang sử oanh liệt của "Nam Bộ Thành đồng", của miền Nam "đi trước về sau"...

Quyết không chịu cảnh “một cổ hai tròng”

Tháng 9.1939, Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 6.1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lợi dụng cơ hội này, cuối tháng 9.1940, phát xít Nhật kéo quân vào Đông Dương, từ đây nhân dân ta lâm vào tình thế “một cổ hai tròng”.

Tháng 11.1940, bọn quân phiệt Thái Lan theo lệnh phát xít Nhật tiến đánh Campuchia. Thực dân Pháp bắt lính Nam Bộ ra trận làm bia đỡ đạn cho chúng. Căm thù thực dân Pháp và được cổ vũ bởi tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn (9.1940), nhân dân Nam Bộ sục sôi tranh đấu.

Đình Long Hưng (huyện Châu Thành), trụ sở của Ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho, nơi treo lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc Nam kỳ khởi nghĩa ngày 23.11.1940. Ảnh tư liệu
Đình Long Hưng (huyện Châu Thành), trụ sở của Ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho, nơi treo lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc Nam kỳ khởi nghĩa ngày 23.11.1940. Ảnh tư liệu

Trước đó, từ tháng 3.1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư đã soạn thảo Đề cương chuẩn bị bạo động. Từ tháng 7 đến 10.1940, Ðảng bộ Nam Kỳ liên tiếp tổ chức họp bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, thông qua Đề cương; chủ trương thành lập Ban Chỉ huy và Ban Quân sự các cấp; xác định hình thức chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu; vạch các chính sách đối với nhân dân…

Ðến giữa tháng 11.1940, trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 21.11.1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22.11.1940. Thời điểm hành động nhất loạt ở các tỉnh Nam Kỳ là lúc 0 giờ ngày 22, rạng sáng 23.11.1940, hiệu lệnh là đèn Sài Gòn tắt hoặc có tiếng súng nổ.

Trong khi đó, Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng (Bắc Ninh) từ ngày 6 - 9.11.1940 nhận định điều kiện khởi nghĩa ở Nam Kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, đề nghị Xứ ủy Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa.

Trung ương phái đồng chí Phan Đăng Lưu trở về truyền đạt quyết định cho Xứ ủy Nam Kỳ. Nhưng khi đồng chí Phan Ðăng Lưu về tới Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương không thể thu hồi; một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy đã bị địch bắt. Cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch.

Khởi nghĩa bùng nổ khắp Nam Kỳ

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Chính vì lẽ đó, ngày 14.11.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh 163-SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ năm 1940. Đó là sự khắc ghi của dân tộc đối với công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam Kỳ.

Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi Thường vụ Xứ ủy ra Đề cương chuẩn bị bạo động (tháng 3.1940), công tác chuẩn bị khởi nghĩa được triển khai rất khẩn trương; các tổ chức phản đế xuất hiện nhiều nơi, nhất là ở vùng nông thôn. Mít tinh, biểu tình liên tiếp nổ ra. Nhiều nơi địch đến đánh phá, nhân dân nổi trống mõ, uy hiếp địch, bảo vệ cán bộ. Các đội tự vệ, du kích phát triển ngay trong những xí nghiệp lớn ở Sài Gòn như Ba Son, nhà máy đèn Chợ Quán, trường Bách Nghệ...

Ở nông thôn, phần lớn các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Các cơ sở sản xuất vũ khí làm việc suốt ngày đêm. Nhân dân quyên góp kim khí để đúc đạn; xuất hiện những cơ sở làm bom, lựu đạn xi măng, súng thô sơ ở Móp Xanh (Tân An), Bà U (Mỹ Tho), chùa Hòa Thượng Đồng (Rạch Giá)… Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính với khẩu hiệu “không một đồng xu, không một người lính cho đế quốc chiến tranh” ngày càng lan rộng. Công tác binh vận được tổ chức ráo riết, phần lớn trong số 15.000 binh lính người Việt trong quân đội Pháp đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp nổi dậy.

Tinh thần khởi nghĩa Nam Kỳ bất diệt. Ảnh tư liệu
Tinh thần khởi nghĩa Nam Kỳ bất diệt. Ảnh tư liệu

Vào đêm 22 rạng sáng 23.11.1940 khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các tỉnh Nam Kỳ với tinh thần quyết liệt, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường...

Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập. Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng và trong nhiều cuộc biểu tình. Bọn phản cách mạng bị xét xử. Ruộng, thóc của địa chủ phản động được chia cho dân cày nghèo.

Ở Hóc Môn, dưới sự chỉ huy của đồng chí Mười Đen - Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, quân du kích và hàng nghìn đồng bào kéo đến vây công đồn, chặn đánh địch tiếp viện ở Cầu Bông, giết chết tên Chánh xứ tỉnh Tây Ninh, thu được hơn chục súng trường. Do quân của địch kéo đến nhiều, du kích không chiếm được đồn, tạm rút lên Truông Mít, Tây Ninh.

Mõ đình Long Hưng, vật chứng năm xưa Tỉnh ủy Mỹ Tho dùng phát động phong trào khởi nghĩa 23.22.1940. Ảnh tư liệu
Mõ đình Long Hưng, vật chứng năm xưa Tỉnh ủy Mỹ Tho dùng phát động phong trào khởi nghĩa 23.22.1940. Ảnh tư liệu

Tại Chợ Lớn, du kích tập trung ở Đức Hòa, Trung Quận, Cần Giuộc, mỗi nơi khoảng 400 - 500 người. Ở Đức Hòa, quân du kích đánh tan toán lính địch tại Giồng Đa, giết chết tên đầu sỏ phản động. Tại Trung Quận, du kích cùng nhân dân diệt tề, trừ gian, lập chính quyền cách mạng ở các xã dọc hai bên đường xe lửa.

Ở Bến Lức, quân du kích dùng mưu dụ lính ra khỏi đồn, xông vào chiếm đồn lấy súng. Tại Cần Giuộc, du kích do đồng chí Nguyễn Thị Bẩy, Tỉnh ủy viên chỉ huy, cùng nhân dân đánh chiếm trụ sở hội tề, tịch thu sổ sách, bằng triện, lập chính quyền cách mạng ở các xã Phước Lai, Phước Vĩnh Đông, Tân Lập, Long Hậu, Long Đức.

Tại Vĩnh Long, quân du kích Vũng Liêm đánh chiếm quận lỵ, công đồn. Quân địch hoảng sợ bỏ chạy, nghĩa quân lập Ủy ban cách mạng và giữ được đồn trong ba ngày.

Tại Tân An và Mỹ Tho, các xã thuộc hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông và hai bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, chính quyền đều về tay nhân dân. Hàng nghìn du kích dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho đã tiến đánh nhiều nơi, mở rộng vùng giải phóng. Chỉ tính riêng hai quận Châu Thành và Cai Lậy, ta đã giải phóng được 54/56 xã. Lo sợ trước phong trào nổi dậy ở Mỹ Tho, ngày 14.12.1940 địch phải dùng thủy, lục, không quân tiến công nhưng mãi đến 14.1.1941 chúng mới chiếm lại được các đồn, bốt. Trong tình thế đó, quân du kích tạm rút vào Đồng Tháp Mười. Mỹ Tho là nơi giữ được chính quyền lâu nhất.

Trường rèn luyện, thử thách

Ngay từ khi được tin Nam Kỳ khởi nghĩa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra thông báo khẩn cấp, chỉ thị cho các địa phương “chia lửa” với Nam Kỳ. Từ việc rải truyền đơn, bãi khóa, bãi thị đến việc phát động du kích, nếu có điều kiện phá đường, cầu cống ngăn quân thù đàn áp.

Nhưng thực dân Pháp khủng bố khốc liệt, càn quét các vùng khởi nghĩa, tiêu diệt chính quyền cách mạng, cho máy bay dội bom xuống làng mạc, thôn xóm. Tính từ ngày 22.11 đến ngày 31.12.1940, thực dân Pháp gây ra hơn 5.000 vụ bắt bớ; hàng nghìn người bị xử tử, tù đày, tra tấn vô cùng tàn bạo.

Tháng 12.1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp ở Bà Quẹo (Gia Định) quyết định rút lui cuộc khởi nghĩa để tránh tổn thất, đưa lực lượng còn lại xây dựng căn cứ U Minh và Đồng Tháp Mười.

Những ngày đầu kháng chiến ở Bến Tre năm 1940. Ảnh tư liệu
Những ngày đầu kháng chiến ở Bến Tre năm 1940. Ảnh tư liệu

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị dập tắt. Thực dân Pháp nhân cơ hội này xử bắn nhiều đồng chí cán bộ kiên trung của Ðảng bị bắt từ trước khởi nghĩa, như: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu...

Từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhiều cán bộ của Đảng được rèn luyện, thử thách. Sau khởi nghĩa, một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Ðảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của nhân dân đã trưởng thành và đảm đương những trọng trách mà Đảng ta giao phó về sau. Từ đây, có hàng vạn quần chúng nhân dân yêu nước được thử thách trong đấu tranh, tiếp tục đi theo Ðảng thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945.

Vận dụng trong tình hình mới

Khởi nghĩa Nam Kỳ là thực tiễn sinh động về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân và để lại những bài học quý báu. Trong đó có bài học về cụ thể hóa đường lối của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương, phải đặt địa phương trong mối tương quan với cả nước và có sự phối hợp khởi nghĩa giữa các địa phương trong cả nước. Bởi, một trong những nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là vì chưa được đặt trong sức mạnh chung của toàn quốc.

Sục sôi khí thế khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Ảnh tư liệu chụp lại
Sục sôi khí thế khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Ảnh tư liệu chụp lại

Công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho một cuộc khởi nghĩa nổ ra có thể giành được thắng lợi, cũng là bài học quý báu được rút ra. Đặc biệt là chuẩn bị về lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh du kích, xây dựng và kiểm tra kế hoạch, phát hiệu lệnh khởi nghĩa. Còn có bài học về xây dựng đội quân chủ lực, xác định rõ các lực lượng phối hợp của cuộc khởi nghĩa và đánh giá đúng vai trò của các lực lượng. Lực lượng vũ trang của binh lính là quan trọng nhưng quyết định vẫn là quần chúng công nông.

Quan trọng nhất là bài học về giữ vững sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và quần chúng; không ngừng xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng; khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự đồng tâm, hiệp lực của quần chúng. Đồng thời phải có sự tính toán khoa học về kế hoạch lãnh đạo khi tiến công và thoái thủ; dự trù các phương án thắng - thua và khả năng giải quyết nếu khởi nghĩa thất bại; kế hoạch rút lui bảo toàn cơ sở và lực lượng.

Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa diễn ra vào thời điểm cả nước thi đua lập thành tích chào mừng Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng. Hòa trong khí thế đó, toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta phát huy tinh thần và những bài học kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa đối vận dụng phù hợp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trang sử oanh liệt của "Nam Bộ Thành đồng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO