Nguy cơ khủng hoảng sinh kế

HOÀNG NGỌC 25/05/2020 06:32

Một đánh giá được đưa ra tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về tình hình lao động, việc làm chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 khiến nhiều người chú ý. Đó là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2020 ước tính là 2,02%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%, khu vực nông thôn là 1,57%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) ước tính là 7,01%, trong đó khu vực thành thị là 9,91%, khu vực nông thôn là 5,77%. Tại Quảng Nam, 5 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động khu vực ngoài nhà nước giảm mạnh (11,6%).

Đây là hệ lụy tất yếu của việc hàng loạt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Tạm tính trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,6% so với cùng kỳ.

Người lao động nghỉ việc, làm việc luân phiên, không có lương hoặc thu nhập rất thấp, nhất là trong các ngành dệt may, dịch vụ, du lịch, vận tải, giáo viên ngoài công lập... Doanh nghiệp thì ngồi trên đống lửa của lãi suất ngân hàng, nợ thuế, thị trường đóng băng và hàng trăm bế tắc trong bài toán kinh doanh. Rồi số người làm các công việc mùa vụ, không chính thức hoặc họ đang kinh doanh trong khu vực không chính thức, tức là nhóm người không thuộc hoặc có nguy cơ không thuộc nhóm được nhận các hỗ trợ từ gói phúc lợi xã hội của Chính phủ...

Mặc dù Chính phủ, bộ ngành trung ương và địa phương đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trợ cấp cho người lao động nhưng tình hình của nhiều doanh nghiệp và đời sống người lao động vẫn rất khó khăn, nhất là những người bị mất việc làm.

Hôm 20.5, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1.7.2020. Thông tin này, dẫu biết sẽ có nhiều lăn tăn, nhưng hẳn ai cũng đồng tâm để chia sẻ khó khăn với người lao động và để Chính phủ có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách như lời Thủ tướng. Cũng là, góp sức với Chính phủ ngăn chặn sự sụp đổ liên hoàn của vòng lẩn quẩn “doanh nghiệp chết - lao động chết”, kéo theo một cuộc khủng hoảng mưu sinh với những đối tượng dễ bị tổn thương và yếu thế.

Theo kết quả đánh giá nhanh sự hòa nhập của người khuyết tật trong ứng phó đại dịch Covid-19 do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) thực hiện công bố mới đây, có tới 72% người khuyết tật trả lời có thu nhập hàng tháng dưới 1 triệu đồng, trong khi có 30% người trả lời đang thất nghiệp vì đại dịch Covid-19, 49% người khác bị giảm thời gian làm việc. Báo cáo được thực hiện với việc khảo sát gần 1.000 người khuyết tật ở nhiều tỉnh thành với các loại hình khuyết tật khác nhau. Dẫn lại báo cáo này, để thấy, nếu không mạnh tay và kịp thời hơn, nhanh tay hơn nữa, sẽ có rất nhiều người dễ dàng rớt lại phía sau, dẫu không ai vô tình hay hữu ý bỏ họ lại.

Ở cổng sau chợ dân sinh cạnh Co.opMart Tam Kỳ, dưới cái nắng gay gắt của tháng Năm, một ông già ngồi trên xe lăn bán vé số, năn nỉ bất cứ ai ngang qua. Ông không dám trú dưới bóng mát cách đó chừng chục mét, bởi chỗ đó, người qua lại thưa hơn. Ông nói, ngồi bên kia, xấp vé số trên tay ông sẽ không thể vơi dần. Ông còn phải lo cho hai đứa cháu. Nhà ông, 5 người không có việc làm ổn định. Ông già đó, có nằm trong bảng thống kê tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 5 năm qua? Không biết được. Nhưng hàng triệu lao động tương tự, rất cần giải pháp thiết thực đằng sau bảng thống kê.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguy cơ khủng hoảng sinh kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO