Những kiểu “ngáo” đáng sợ!

ĐĂNG QUANG 22/06/2020 04:38

“Ngáo” là thuật ngữ được sử dụng nhiều để chỉ những người thường có gương mặt ngáo ngơ, mất kiểm soát hành vi, thậm chí ảo giác mình là chim bay lượn, cá bơi dưới nước…

“Ngáo đá” là dạng phê ma túy đá mà chúng ta đã thấy nhiều hành vi rùng rợn như tự chặt ngón chân hoặc ngón tay của mình, leo cột điện hoặc nhà cao tầng, phạm tội đủ kiểu với những cực hình dã man với nạn nhân... Các chuyên gia y tế phân tích có những biểu hiện dễ nhận biết kẻ “ngáo đá” là: Mắt đảo điên, nghiến răng, thở nhanh, ngứa ngáy; Cách giao tiếp bất thường với những người xung quanh, kể cả người thân, bạn bè, hàng xóm và hay nói nhảm; Tự gây thương tích cho mình hoặc người khác bằng hung khí.

Nhưng trạng thái “ngáo” với tâm thần hoang tưởng, ảo giác vì bị kích thích thần kinh không chỉ có ma túy tạo ra mà còn nhiều thứ khác. Trò chơi (game) trên internet chẳng hạn, cũng gây nghiện và hệ lụy không kém việc sự dụng ma túy tổng hợp. Câu chuyện Triệu Quân Sự, tội phạm nguy hiểm trốn trại bị truy nã, vừa sa lưới khi đang chơi game online tại Tam Kỳ có thể là một case study (nghiên cứu, phân tích tình huống/trường hợp điển hình).

Lật lại hồ sơ thấy Sự từ nhỏ đã mê game và thường xuyên bỏ học. Khi đã vào bộ đội (2011), Sự vẫn thường xuyên trốn khỏi doanh trại để ra ngoài chơi game. Hết tiền, Sự sẵn sàng trộm cắp quân tư trang của đồng đội đem bán lấy tiền đi chơi, rồi đào ngũ về Hà Nội sống lang thang. Đến 22.8.2012, Sự gây án giết người và cướp tài sản. Ngày 24.8.2012, Công an Hà Nội bắt được Sự tại Thái Nguyên; tháng 3.2013, bị Tòa án Quân sự Quân khu 1 xử tù chung thân, thụ án tại Trại giam T10 (ở tỉnh Quảng Ngãi, thuộc Quân khu 5 quản lý).

Vào tù nhưng Sự hai lần trốn  thoát ra ngoài chơi game rồi bị bắt lại. Trong lần này, 15 ngày lang thang từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng, Sự còn gây ra 6 vụ trộm cắp tài sản. Nếu không vì nghiện game ngồi lì suốt 4 ngày trong tiệm internet trên đường Hùng Vương, Tam Kỳ với những biểu hiện nghi vấn, có lẽ Sự còn đi loanh quanh và lực lượng chức năng phải mất công truy tìm dấu vết.

Nghiện game đến mức độ như vậy khiến Sự liên tục phạm tội để kiếm tiền đi chơi, và chính thói quen này khiến Sự khó xóa dấu vết. Ngay khi bị bắt Sự còn đang chơi dở dang game “Con đường tơ lụa”, một trò chơi đã xuất hiện ở Việt Nam hơn 15 năm. Sự vẫn nói cười như đang “ngáo”, biểu hiện của người nghiện game sống trong thế giới ảo, tưởng như đang còn “chinh chiến” với các đối thủ mà trò chơi cài đặt.    

Trường hợp Triệu Quân Sự cho thấy rõ ràng game online có khả năng gây nghiện rất cao. Các nhà làm game đều tối ưu hóa lợi nhuận bằng các thiết kế có yếu tố gây nghiện và lôi kéo người chơi. Người chơi cần phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đạt kết quả cao trong game. Từ đó, nếu không có tiền thì trộm cướp để đi chơi, duy trì và tăng dần cấp độ phạm tội cùng với “đẳng cấp” (level) trên game.

Mê đắm trong thế giới ảo của trò chơi liên tục nhiều ngày sẽ dẫn đến những triệu chứng mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, chứng “nghiện game” là một dạng rối loạn tâm lý, tương tự như bệnh trầm cảm hay tâm thần phân liệt. Ánh mắt và điệu cười ngơ ngáo của Triệu Quân Sự là lời cảnh tỉnh cho giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên khi chơi game đến mức nghiện nặng. Không có con đường tơ lụa nào ở đấy cả, mà bước tới là sa vào địa ngục.

Những trò chơi đều bắt đầu từ mục tiêu giải trí nhưng tới mức nghiện thì sẽ ngáo. Bài bạc cũng vậy thôi, bắt hoài vẫn không chừa, như vụ vừa rồi có 28 con bạc say máu đỏ đen ra rừng ở Bình An (Thăng Bình) quây đánh xóc đĩa mỗi ván 20 - 40 triệu đồng. Con bạc nào hết tiền thì vay nóng lãi suất đến 60% mỗi tháng. Khiếp thật!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những kiểu “ngáo” đáng sợ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO