Thi đua vì hạnh phúc Nhân dân

ĐĂNG QUANG 28/09/2020 06:13

Chiều nay 28.9, tại TP.Tam Kỳ diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII. Dịp này hẳn có nhiều người nhớ lại Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nêu rõ:

Cách làm là: dựa vào:
Lực lượng của dân
Tinh thần của dân, để gây:
Hạnh phúc cho dân.

Như vậy, mục tiêu cuối cùng của mọi phong trào thi đua là để mang đến hạnh phúc cho dân. Dân hạnh phúc thì nước mới mạnh, cho nên khi phát biểu tại Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1.5.1952, Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Thi đua thì phải có tổng kết, khen thưởng kịp thời, như Hồ Chủ tịch căn dặn: “Sau mỗi đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”. Tổng kết thi đua khen thưởng trong 72 năm (1948 - 2020), Đảng, Nhà nước đã truy tặng, phong tặng hơn 7.800 tập thể và hơn 9.300 cá nhân nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, hơn 1.300 tập thể và cá nhân Anh hùng lao động, vinh danh 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng thưởng hàng trăm nghìn huân chương, huy chương, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc và tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong cả nước.

Cùng với cả nước, ở Quảng Nam hiện nay có các phong trào thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực, trong đó nổi bật là “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”,... Tổng kết chặng đường 5 năm (2016 - 2020), đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, hiện diện trong các giới, tầng lớp xã hội, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực kinh tế đến văn hóa, từ nông dân, công nhân, đến giáo viên, từ kinh tế tư nhân đến kinh tế tập thể, từ đồng bằng đến miền núi… Thật khâm phục gương Bríu Pố ở vùng cao Tây Giang, không những sản xuất giỏi với việc phát triển cây dược liệu mà còn góp công truyền dạy giá trị văn hóa Cơ Tu cho thế hệ trẻ, khôi phục nhà truyền thống và lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hay như người nông dân miền xuôi là Phạm Ngọc Thành (Đại Lộc), đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng và chế biến gỗ, đồng thời chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô công nghiệp, đạt tới doanh thu 92 tỷ đồng trong 5 năm, góp phần giải quyết lao động địa phương và hỗ trợ cho các đoàn thể trong các phong trào. Ở phong trào công nhân, Trần Văn Minh (Công ty CP May Núi Thành) đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật làm lợi cho doanh nghiệp, nhiều năm liền được tuyên dương “lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Trong lĩnh vực giáo dục, có nhà giáo Nguyễn Thị Kim Hà (Trường THCS Lê Lợi, Tam Kỳ) đã cần mẫn nghiên cứu, đưa ra nhiều sáng kiến và tài liệu hữu ích phục vụ giảng dạy, giúp đào tạo học sinh giỏi, tổ chức lớp học miễn phí cho học sinh nghèo…

Sẽ khó kể hết điển hình tiêu biểu ở hầu khắp lĩnh vực, chỉ biết rằng khi phong trào thi đua lan tỏa trong đời sống sẽ hiện lên những tấm gương hết mình vì công việc đóng góp thiết thực cho cộng đồng xã hội. Hạnh phúc được tạo ra cho nhiều người và dĩ nhiên bản thân những gương điển hình cũng cảm thấy mình hạnh phúc. Hạnh phúc chính là gieo nhân lành để gặt quả ngọt theo dòng sống mà nối tiếp cống hiến cho đời.

Tổng kết một chặng đường để bước tiếp hành trình mới, bởi “thi đua phải lâu dài và rộng khắp”, “bộ đội, công, nông, lao động trí óc đều thi đua và đều tăng năng suất gấp đôi, thì kết quả sẽ thế nào? Kết quả là lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng gấp đôi… Kết quả là dân giàu nước mạnh” (Hồ Chí Minh). Đó là mục tiêu của cả nước và của Quảng Nam, vẫn còn ý nghĩa cho hôm nay, mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thi đua vì hạnh phúc Nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO