Cảnh giác bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa

TƯ RUỘNG 17/03/2020 14:45

Cuối tuần rồi, lên huyện Đại Lộc, Tư tôi thấy anh Ba Phú Mỹ ở xã Đại Minh đang lom khom vạch những luống ruộng để kiểm tra sâu bệnh. Lân la hỏi chuyện, anh Ba nói: “Vụ này, gia đình tui sản xuất 4 sào lúa bằng 2 loại giống trung – ngắn ngày là TBR225 và Q5. Giai đoạn đầu, hầu hết ruộng lúa đều đẻ nhánh khỏe, phát triển mạnh và không bị nhiễm các đối tượng dịch hại. Thế nhưng, vào đầu tháng 3 dương lịch, khi cả 4 sào lúa chuẩn bị làm đòng thì bệnh đạo ôn lá bất ngờ xuất hiện. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt. Về sau, vết bệnh lớn dần và có hình thoi, rộng ở phần giữa, nhọn ở 2 đầu. Giữa vết bệnh màu xám tro, xung quanh màu nâu đậm. Chỉ trong vài ngày, ruộng lúa xảy ra hiện tượng cháy chòm nhưng ở phạm vi hẹp. Cũng may nhờ sự khuyến cáo và hỗ trợ kịp thời của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, tui lập tức mua các loại thuốc đặc hiệu về phun trừ, đến thời điểm này đã dập tắt được bệnh đạo ôn lá và cây lúa đang hồi phục khá nhanh”.

Nông dân xã Đại Minh (Đại Lộc) vạch ruộng lúa để kiểm tra kỹ bệnh đạo ôn nhằm chủ động các biện pháp phòng trừ. Ảnh: TƯ RUỘNG
Nông dân xã Đại Minh (Đại Lộc) vạch ruộng lúa để kiểm tra kỹ bệnh đạo ôn nhằm chủ động các biện pháp phòng trừ. Ảnh: TƯ RUỘNG

Trao đổi với Tư tôi, ông Lê Văn Thanh – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đại Lộc cho biết, vụ đông xuân năm nay nông dân trên địa bàn huyện gieo sạ 4.250ha lúa. Thời gian qua bệnh đạo ôn lá xuất hiện tại nhiều địa phương của huyện, nhất là trên những giống lúa mẫn cảm với loại bệnh này như Xi23, X21, TBR225, BC15, TBR1, Q5...

“Theo số liệu thống kê sơ bộ, từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, toàn huyện có không dưới 30ha lúa nhiễm bệnh, trong đó có một số ít diện tích bị cháy chòm cục bộ. Tuy nhiên, nhờ ngành chuyên môn tích cực giám sát đồng ruộng và hướng dẫn nhà nông các biện pháp phòng trừ hiệu quả nên đến nay đã khống chế được bệnh đạo ôn lá” – ông Thanh nói.

Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, bệnh đạo ôn do nấm Pirycularia Oryzea Cav gây ra. Trong vụ đông xuân, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao sẽ dễ phát sinh thành dịch. Trời âm u, có mưa phùn, sương mù liên tục trong nhiều ngày là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lây lan. Những chân ruộng có mật độ gieo sạ dày và bón thừa phân đạm rất dễ bị nhiễm bệnh. Được biết, đông xuân 2019 – 2020, nông dân toàn tỉnh sản xuất tổng cộng 42.500ha lúa. Ngoài huyện Đại Lộc, thời gian qua tại nhiều nơi khác của tỉnh cũng có gần 250ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Hiện nay loại bệnh này đã được khống chế, dập tắt.

Bà Nguyễn Thị Sương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam cho hay, trong tổng số 42.500ha lúa đông xuân của tỉnh, hiện phần lớn diện tích đang làm đòng rộ và sắp sửa trổ bông. Vấn đề đáng quan tâm nhất lúc này là ngành chuyên môn và nông dân phải chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông. Vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen ở đoạn cổ giáp tai lá, về sau lớn dần làm cổ bông héo, bông lúa trắng hoặc lép lửng.

“Chúng tôi khuyến cáo đội ngũ khuyến nông viên cơ sở cần bám sát đồng ruộng để kịp thời phát hiện nấm bệnh và hỗ trợ nhà nông triển khai các biện pháp phòng trừ. Đặc biệt, bà con nông dân cần dùng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước hoặc sau khi lúa trổ bông khoảng 5 – 7 ngày” – bà Sương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh giác bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO