Giải hạn cho cây trồng

TƯ RUỘNG 16/06/2020 04:27

Chủ nhật vừa qua, lên vùng Gò Nổi của Điện Bàn tìm hiểu tình hình xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng cạn chủ lực theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung, Tư tôi thấy anh Chín Cẩm Phú ở xã Điện Phong đang bơm nước tưới những ruộng bắp non xanh mơn mởn. Nghe hỏi về chuyện canh tác, anh Chín cho biết, gia đình có 7 sào đất màu trên bãi biền gò Nam. 

Nhiều địa phương vùng cát của tỉnh ưu tiên đầu tư thủy lợi hóa đất màu nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất. Ảnh: T.R
Nhiều địa phương vùng cát của tỉnh ưu tiên đầu tư thủy lợi hóa đất màu nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất. Ảnh: T.R

Trước đây, do quá khó khăn về khâu thủy lợi nên việc gieo trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày và rau đậu không mang lại hiệu quả cao. Năm 2019, được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, chính quyền địa phương tiến hành đầu tư thi công hệ thống điện thủy lợi hóa đất màu trên khu bãi này. Từ đó, vợ chồng anh có điều kiện đóng giếng, lắp đặt đường ống dẫn ngay trên các chân ruộng để chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.

“Đông xuân 2019 - 2020, tui trồng đậu phụng, ớt, rau bồ ngót trên 7 sào đất màu này. Nhờ nước tưới dồi dào, sâu bệnh nguy hiểm không bùng phát, chú trọng đầu tư thâm canh nên 3 loại cây trồng ấy sinh trưởng tốt và cho năng suất khá. Trong khi đó, giá bán sản phẩm trên thị trường vẫn ổn định ở mức tương đối cao nên có nguồn thu nhập đáng kể. Mùa vừa rồi tui thu được khoảng 35 triệu đồng, so với những vụ đông xuân trước thì giá trị kinh tế tăng lên gấp đôi. Hè thu 2020 này, tui chỉ sản xuất bắp trên số diện tích đất màu vừa nêu và hy vọng sẽ lại bội thu” - anh Chín Cẩm Phú chia sẻ.

Trao đổi với Tư Ruộng, ông Trần Văn Chạy - Phó ban Nông nghiệp xã Điện Phong cho hay, từ nguồn kinh phí do cấp trên phân bổ, năm 2019 ngành nông nghiệp thị xã Điện Bàn cùng chính quyền địa phương đầu tư 850 triệu đồng kéo gần 1,6km đường dây điện ra khu vực bãi biền gò Nam nhằm thủy lợi hóa 35ha đất màu của nông dân 2 thôn Cẩm Phú 1 và Cẩm Phú 2. Hiện nay, các đơn vị liên quan tiến hành đầu tư 650 triệu đồng kéo 1km đường dây điện ra khu vực bãi biền Đồng Lăng thuộc thôn Thi Phương để thủy lợi hóa ít nhất 15ha đất màu.

“Toàn xã Điện Phong có tổng cộng 120ha đất màu. Những năm qua, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, địa phương đã đầu tư 26 tỷ đồng thi công 40km đường điện thủy lợi hóa đất màu, nhờ vậy hiện nay đã có không dưới 80% diện tích chủ động được nguồn nước tưới. Bên cạnh việc chú trọng khâu thủy lợi, các ngành, các cấp cũng tích cực quy hoạch xây dựng những vùng chuyên canh tập trung và hỗ trợ nhà nông chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng đảm bảo phù hợp với điều kiện canh tác và nhu cầu của thị trường. Theo khảo sát, hằng năm bình quân mỗi héc ta đất màu luân canh, xen canh, gối vụ các loại cây trồng cạn như đậu phụng, bắp, đậu cô ve, ớt, rau bồ ngót, đậu xanh... mang lại cho nông dân xã Điện Phong mức thu nhập từ 100 - 250 triệu đồng” - ông Chạy nói.

Không riêng Điện Phong, những năm qua ngành nông nghiệp cùng chính quyền nhiều địa phương khác của tỉnh cũng nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất. Theo thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Quảng Nam, trong năm 2019 toàn tỉnh thi công 150 công trình thủy lợi nhỏ, 25 công trình thủy lợi hóa đất màu và kiên cố, tu sửa gần 500km kênh mương loại 3 với tổng kinh phí xấp xỉ 439 tỷ đồng. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh có thêm 6.950ha đất lúa và đất màu chủ động nước tưới trong các vụ sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải hạn cho cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO