Người chăn nuôi heo chuyển hướng đầu tư

TƯ RUỘNG 14/08/2019 15:36

Cuối tuần rồi, ra xã Điện Minh (Điện Bàn) tìm hiểu tình hình phát triển chăn nuôi, Tư tôi tình cờ thấy anh Năm Trung Phú đang đứng vãi lúa cho bầy gà choai. Lân la hỏi chuyện, anh Năm cho biết, hơn 10 năm qua nhờ mô hình chăn nuôi heo thịt thương phẩm mà gia đình anh có thu nhập khá. Thế nhưng, gần 3 tháng nay, vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đầu ra của sản phẩm heo thịt bế tắc nên anh không dám đầu tư tái đàn hoặc cắt giảm số lượng thả nuôi vì sợ ôm nợ. 

Vì vậy, cách đây một tháng rưỡi, anh quyết định phát dọn khu đất vườn, giăng lưới B40 xung quanh rồi tìm mua 150 con gà ta giống về nuôi những mong kiếm đồng tiền lời.

Trao đổi với Tư Ruộng, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, những ngày gần đây vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan tại nhiều nơi của thị xã. Tính đến cuối tuần qua, loại dịch cực kỳ nguy hiểm này đã khiến 2.418 con heo của địa phương bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng 162,7 tấn heo hơi. Theo ông Chơi, trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi gây hại dây dưa, đặc biệt là giá bán sản phẩm tụt giảm mạnh, từ giữa tháng 5.2019 đến nay người chăn nuôi heo ở Điện Bàn không dám đầu tư tái đàn. Vì vậy, hiện nay tổng đàn heo trên địa bàn 20 xã, phường của thị xã chỉ còn 46.000 con các loại, giảm 34.000 con so với thời điểm cuối tháng 4.2019 trở về trước.

Trước những khó khăn rất lớn do dịch tả lợn châu Phi gây ra, trong vòng 3 tháng trở lại đây người chăn nuôi heo ở Điện Bàn đã chuyển hướng sang nuôi gia cầm, chủ yếu là gà. “Trước đây, tổng đàn gia cầm của thị xã chỉ dao động ở mức 800 – 850 nghìn con. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê mới nhất, thời điểm này tổng đàn gia cầm của Điện Bàn đã tăng lên 1,1 triệu con. Trong đó, gà chiếm tỷ lệ 90%, còn lại là vịt và các loại khác. Qua khảo sát cho thấy, hiện nay trên địa bàn thị xã có 7 trang trại chăn nuôi gà với quy mô 10.000 con/lứa/mô hình, tập trung nhiều nhất tại phường Điện Dương và các xã Điện Thắng Bắc, Điện Hòa. Theo dự báo, nếu dịch tả lợn châu Phi vẫn gây hại kéo dài, thời gian tới chắc chắn người dân Điện Bàn sẽ đầu tư phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi gia cầm và hẳn nhiên tổng đàn còn tăng nữa” – ông Chơi nói.         

Theo tìm hiểu của Tư tôi, ngoài Điện Bàn, trước “cơn lốc” dịch tả lợn châu Phi, gần 3 tháng nay người chăn nuôi heo ở nhiều nơi khác của tỉnh cũng đã chọn mô hình nuôi gà, vịt, chim cút thương phẩm và đẻ trứng làm hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế hộ. Do vậy, hiện nay tổng đàn gia cầm của tỉnh đã đạt khoảng 5,5 triệu con các loại, tăng 500 – 700 nghìn con so với trước đây. Dịch tả lợn châu Phi đang tiếp tục hoành hành, trong khi đó giá bán các sản phẩm gia cầm trên thị trường đang ổn định ở mức cao nên từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý – 2020, việc người dân đầu tư phát triển mạnh các mô hình nuôi gà, vịt, chim cút... là điều chắc chắn. Tổng đàn gia cầm tăng mạnh, áp lực về dịch bệnh cũng sẽ ngày một lớn. Vì thế, ngay từ bây giờ ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương cần tập trung khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm những biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, nhất là bệnh cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6. Trong đó, nhất thiết phải đặc biệt chú trọng công tác tiêm phòng vắc xin và thực hiện thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng. Nếu để dịch bệnh tái bùng phát mạnh trên đàn gia cầm thì nhà nông sẽ chồng chất khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người chăn nuôi heo chuyển hướng đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO