Hội nhập trong xu thế 4.0

HOÀNG LIÊN 29/11/2019 13:52

Nhiều khuyến nghị về cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), đô thị thông minh (ĐTTM) đối với Quảng Nam đã được đề xuất tại một hội thảo chuyên đề mới đây.

Hội thảo “Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và định hướng phát triển kinh tế số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Ảnh: H.L
Hội thảo “Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và định hướng phát triển kinh tế số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Ảnh: H.L

Đô thị thông minh là tất yếu

Tại hội thảo “Xây dựng CQĐT, ĐTTM và định hướng phát triển kinh tế số trong thời kỳ CMCN 4.0 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” diễn ra mới đây, nhiều khuyến nghị về xu hướng, cách thức xây dựng CQĐT và ĐTTM và chính phủ số được đưa ra.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Ban Kinh tế Trung ương, xây dựng CQĐT, ĐTTM là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4”.

Ông Hiển nêu rõ, cuộc CMCN 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội, cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, cá nhân, và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội và đất nước. Đây là xu hướng của các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Mục tiêu là xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Ông Hiển nhận định, bên cạnh những kết quả Quảng Nam đạt được, vẫn còn những tồn tại. Đó là, chất lượng đô thị của tỉnh vẫn còn ở mức thấp. Về cơ sở hạ tầng, tỉnh đã nâng cấp sân bay Chu Lai, cụm cảng Kỳ Hà, hoàn thiện tuyến ven biển, quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến đông Trường Sơn; nâng cấp và mở rộng, hoàn chỉnh tuyến nối các quốc lộ, tỉnh lộ... Song, việc nâng cấp giao thông đường thủy vẫn còn chậm, chưa đồng bộ; lưới điện Đà Nẵng - Tam Kỳ 220kV và lưới điện 110kV Đà Nẵng - Đại Lộc cần phải nâng cấp...

Ông Hiển khuyến nghị, trong xây dựng ĐTTM, Quảng Nam cần đi theo mô hình phát triển đặc trưng của thành phố công nghiệp kết hợp với văn hóa. Tập trung đầu tư xây dựng TP.Tam Kỳ đi đầu trở thành ĐTTM, chuyển đổi nền kinh tế TP.Tam Kỳ sang nền kinh tế xanh ứng dụng khoa học & công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực then chốt, trở thành trọng điểm kinh tế lớn của tỉnh. Phát triển đa dạng, có trọng tâm về đào tạo nhân lực, khoa học & công nghệ, y tế, hướng tới các tiêu chuẩn thành phố loại 1.

Bên cạnh đó, từng bước phát triển hạ tầng ĐTTM, hoàn thiện những hạ tầng quan trọng trong phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại, đặc biệt phát triển công nghệ thông tin và viễn thông. Xây dựng trung tâm dịch vụ logistics liên vùng tại cụm cảng Kỳ Hà. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở các loại hình giao thông, kết nối trực tiếp trong nước và quốc tế bằng cả đường biển và đường hàng không, kết nối thuận lợi với các tỉnh miền Bắc, miền Nam, nhất là Đà Nẵng bằng đường bộ, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao và đường hàng không…

Hướng tới CQĐT

Thời gian qua, Quảng Nam tích cực chỉ đạo triển khai và phát triển CQĐT. Bước đầu, tỉnh đã thiết lập hạ tầng chung (data center), hội nghị truyền hình, hệ thống mạng WAN; ứng dụng, quản lý văn bản điều hành tác nghiệp cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống “một cửa điện tử”; các cơ sở dữ liệu, các ứng dụng chuyên ngành. Tỉnh đã cung cấp 524 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (20,9%) và 175 dịch vụ công mức độ 4 (36,3%).

Về ĐTTM, Tam Kỳ đang xây dựng đề án xây dựng ĐTTM, phối hợp với Tổ chức KOICA (Hàn Quốc). Thị xã Điện Bàn đang xin chủ trương xây dựng ĐTTM; Hội An bước đầu triển khai hệ thống camera giám sát an ninh. Tỉnh đang triển khai đề án phát triển du lịch thông minh, giao Sở VH-TT&DL chủ trì. Song khó khăn hiện nay là vẫn chưa có kế hoạch, quy hoạch tổng thể về xây dựng ĐTTM...

Ông Nguyễn Đức Hiển chỉ ra rằng, bên cạnh những thành quả đạt được trong xây dựng CQĐT, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại Quảng Nam vẫn còn khó khăn, không thuận lợi, tỷ lệ hồ sơ xử lý còn thấp, người dân chưa có thói quen nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng, việc thanh toán trực tuyến còn rắc rối, ảnh hưởng tới triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tỉnh vẫn chưa có hệ thống xác thực điện tử quốc gia cũng như cơ sở dữ liệu dân cư nên việc xác thực thông tin của công dân, tổ chức trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh chưa đảm bảo tin cậy, chưa đảm bảo việc kế thừa các thông tin về công dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Theo ông Hiển, trước hết Quảng Nam cần đơn giản hóa dịch vụ công trực tuyến, tích cực tuyên truyền, phổ biến trong đội ngũ cán bộ, trước mắt, cán bộ, đảng viên phải đi tiên phong trong triển khai, thực hiện. Kế đến, phải đổi mới phương thức đầu tư và mở rộng cơ chế tài chính, thúc đẩy ứng dụng CNTT. Tiếp đó, cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tại các sở ban ngành của tỉnh, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Nhiệm vụ cấp bách, nhưng hết sức thận trọng

“Làm thế nào để khai thác tối đa các tri thức xã hội số là mục tiêu cần nỗ lực hướng tới. Trong xây dựng ĐTTM, CQĐT, Quảng Nam sẽ tránh sự đơn điệu, nhàm chán, lặp lại, mà có một cách tiếp cận khác, phù hợp với thực tế, phù hợp với phong tục, tập quán, năng lực của đội ngũ cán bộ. Tỉnh nhận thức rất rõ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng ĐTTM, CQĐT; cần có sự vào cuộc từ tỉnh đến huyện, xã, các cơ quan, đơn vị, tạo sự đồng nhất. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, cấp bách, nhưng tỉnh hết sức thận trọng. Nền tảng số, nếu chúng ta quá lệ thuộc vào số hóa mà không chuẩn bị ứng phó thì hậu quả sẽ khó lường. Quảng Nam rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới về xây dựng CPĐT và ĐTTM, cộng tác với tổ chức như KOICA, JIKA để cụ thể hóa những nội dung này. Quảng Nam quyết tâm làm cho bằng được”.

Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT): An toàn thông tin mạng là vấn đề quan trọng

“Giai đoạn 2020 - 2025 và 2030 trở đi, cần số hóa toàn diện. Song, an toàn thông tin mạng trong cuộc CMCN 4.0 là vấn đề quan trọng. Thiết bị di động, camera an ninh là mục tiêu tấn công mạng, an toàn thông tin là vấn đề rất khó khăn, đòi hỏi ngân sách đầu tư cho công nghệ thông tin phải đạt 10%/năm... Đến tháng 10.2019, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã phối hợp với Sở TT&TT các tỉnh/thành, thực hiện theo dõi, giám sát mã độc từ xa cho 49/63 tỉnh/thành; hiện còn 14/63 địa phương chưa cung cấp, cập nhật danh sách địa chỉ IP sử dụng trong cơ quan nhà nước trên địa bàn, trong đó có Quảng Nam. Trong tháng 10.2019, đã có 30 địa phương kết nối với hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, song chưa có tỉnh Quảng Nam. Năm 2018, toàn tỉnh Quảng Nam có 23 tài khoản trên các hệ thống công nghệ thông tin bị lộ lọt tài khoản”.

Bà Trần Lan Hương - Chuyên gia quản trị công cao cấp Ngân hàng Thế giới: Đầu tư hôm nay là nền tảng của tương lai

“CQĐT, ĐTTM, phải bắt đầu từ con người, quy trình quản lý ra sao, mục tiêu thế nào, sau đó mới có công nghệ giải quyết các vấn đề đặt ra. Các rủi ro tấn công mạng, mất an toàn thông tin, làm thế nào để giảm thiểu rủi ro. Cần nhìn nhận vai trò của công nghệ thông tin, yếu tố nguồn vốn, nguồn lực phát triển bền vững, cần cân nhắc. Nguồn vốn, nội lực, các doanh nghiệp, câu chuyện thuê dịch vụ hay tự vận hành, sở hữu ra sao. Các dữ liệu liên quan, thực hiện thu thập dữ liệu. Chúng ta phải đi tiên phong dò đường, thực hiện các cách thức riêng của mình. Chính phủ số, không nhất thiết đi từng bước một mà tận dụng những công nghệ, nguồn lực phát triển. Những sự đầu tư hôm nay là nền móng, nền tảng của tương lai”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội nhập trong xu thế 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO