Covid-19 đe dọa ngành dệt may

TRUNG LỘ 11/08/2020 12:03

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại khiến ngành dệt may Quảng Nam tiếp tục bị đe dọa, khó có khả năng hồi phục khi dịch bệnh cả trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, gây ách tắc nguồn nguyên liệu và thị trường.

Đơn hàng xuất khẩu dệt may đang chật vật ở nhiều doanh nghiệp vì dịch Covid-19. Ảnh:T.L
Đơn hàng xuất khẩu dệt may đang chật vật ở nhiều doanh nghiệp vì dịch Covid-19. Ảnh:T.L

“Ăn đong” từng đơn hàng

Từ đầu năm đến nay, phần lớn doanh nghiệp (DN) ngành dệt may trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng. Những đợt ảnh hưởng liên tục từ đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung nguyên liệu đầu vào đứt gãy và tạm dừng các đơn hàng tại nhiều thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU.

Theo bà Trần Thị Dung - Tổng Giám đốc Công ty Tuấn Đạt (TP.Tam Kỳ), nhiều năm làm trong ngành dệt may, chưa bao giờ công ty vấp phải khó khăn như hiện tại. Mặc dù đã nỗ lực tìm đủ nguồn nguyên liệu đầu vào nhưng thị trường tiêu thụ sản phẩm lại lao đao. Từ tháng 5.2020, đối tác của công ty liên tiếp báo hủy, tạm dừng hợp đồng, vì thế doanh thu giảm mạnh, lợi nhuận hầu như không có song vẫn phải duy trì sản xuất để giữ chân người lao động.

Kiếm đơn hàng trong bối cảnh này không dễ đối với phần lớn DN dệt may, nhất là khi Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều nước và cả Việt Nam. “Bóng ma” Covid-19 khiến ngành dệt may ở Quảng Nam vốn “hụt hơi” vì đợt dịch nửa đầu năm, nay lại tiếp tục đe dọa sự sống còn.

Theo ông Phan Đức Tú - Giám đốc Công ty May Mỹ Hưng - Phú Ninh, như mọi năm, khoảng tháng 7 và tháng 8, nhiều DN dệt may đã ký kết được hợp đồng để sản xuất hàng xuân (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), nhưng hiện nay, do dịch Covid-19 nên phần lớn DN chưa ký được đơn hàng nào. Nhiều DN dệt may trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa có đơn hàng cho 6 tháng cuối năm 2020, với các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp... Đây là vấn đề đáng báo động cho toàn ngành dệt may của tỉnh. Đơn hàng giảm, tất yếu việc làm cho lao động sẽ giảm. Dịch bệnh Covid-19 tái phát đã làm đảo lộn mọi kế hoạch, mục tiêu sản xuất, kinh doanh của nhiều DN dệt may. 

Tìm cách “vượt sóng” covid

Theo Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7.2020 chỉ tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,78% so với cùng kỳ năm trước. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó. Tính gộp trong 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh giảm 19,31%. Riêng chỉ số sản xuất ngành may mặc xuất khẩu giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Covid-19 sẽ tiếp tục “ăn mòn” doanh thu, lợi nhuận của các DN may xuất khẩu ở Quảng Nam. Vì vậy, mỗi DN cần phải đề ra những chiến lược sản xuất, kinh doanh mới để trụ vững trong giai đoạn này, cũng như có thể sớm phục hồi, tăng trưởng sản xuất khi hết dịch.

Ông Phan Đức Tú cho biết, hiện tại vẫn chưa dự đoán được thời điểm đẩy lùi dịch bệnh, nhiều DN dệt may đang gặp khó khăn nhưng vẫn cố gắng duy trì sản xuất và hy vọng vào những tháng cuối năm 2020, dịch bệnh được khống chế, kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, ngành dệt may sẽ tăng tốc để bù lại. Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Đông Á... vẫn là những thị trường tiềm năng cho ngành dệt may sau đại dịch.  

Trước đây khi chưa chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hầu như DN dệt may nào của tỉnh cũng thiếu lao động, nhưng trong điều kiện hiện nay, có một số DN buộc phải cắt giảm lượng lao động. Trước mắt, để ứng phó với Covid-19, nhiều DN ưu tiên cắt giảm chi phí thường xuyên và thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh chứ chưa lựa chọn cắt giảm lao động. DN lo ngại nếu cắt giảm sẽ không tuyển dụng lại được nguồn lao động khi thị trường khôi phục, nên sản xuất cầm chừng để giữ thị trường và thị phần. Một số DN dệt may đang chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Ví dụ, khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, sản xuất áo quần bảo hộ trong nước và xuất khẩu...

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, đây là thời điểm thích hợp để ngành dệt may đào tạo lại người lao động, nâng cao tay nghề nhằm tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm để giữ chân khách hàng trong giai đoạn tiếp theo. Với những khó khăn như hiện nay, DN nào cũng cần thêm nguồn lực về tài chính, nhưng các gói hỗ trợ về tín dụng vẫn còn tiêu chí khắc khe, lãi suất cao nên nhiều DN chưa thể tận dụng được. Do đó, các cơ quan quản lý, ngành ngân hàng nên có thêm giải pháp để giảm lãi suất cho vay, nới điều kiện vay vốn, đồng thời tăng kinh phí đào tạo lao động cho DN...

“Muốn cạnh tranh được, Nhà nước cần giúp DN trụ lại trước “cơn sóng” Covid-19. Bởi lẽ, khi không còn khả năng bám trụ, DN phải đào thải lao động, từ đó Nhà nước lại phải giải quyết chính sách cho những người lao động đó như trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp đào tạo... Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN phát triển theo hướng để cho họ tự đào tạo để đảm bảo nguồn lực phát triển sau dịch Covid-19” - ông Phan Đức Tú chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Covid-19 đe dọa ngành dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO