Điểm nghẽn phát triển cụm công nghiệp - Bài 2: Hệ lụy ô nhiễm môi trường

VIỆT NGUYỄN 06/04/2021 07:47

Ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất ở các cụm công nghiệp (CCN) đã đến mức đáng lo ngại nhưng rất khó giải quyết.

HTX Quang Chiến gây ô nhiễm môi trường ở CCN Phước Mỹ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
HTX Quang Chiến gây ô nhiễm môi trường ở CCN Phước Mỹ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhiều mối nguy hại

Từ năm 2015 đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Quang Chiến (HTX Quang Chiến) là thường xuyên được nhắc đến gắn với tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN Phú Mỹ (xã Tam Phước, Phú Ninh). Các loại nhựa phế thải như chai, lọ, bình nhiễm bẩn được HTX Quang Chiến mua về, tập kết ở ngay bãi đất bên ngoài phạm vi hoạt động.

Ông Huỳnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển CCN - thương mại & dịch vụ huyện Phú Ninh cho biết, HTX Quang Chiến gây ô nhiễm môi trường ở xã Tam Phước từ nhiều năm trước, người dân đã yêu cầu chính quyền xã, huyện chấm dứt hoạt động hoặc tìm kiếm địa điểm sản xuất khác cho doanh nghiệp này. Vì vậy UBND huyện Phú Ninh đồng ý tạm thời đưa HTX Quang Chiến vào hoạt động ở CCN Phú Mỹ.

“Chủ trương của huyện là không chấp nhận để doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nên chúng tôi đang yêu cầu UBND xã Tam Phước tìm kiếm địa điểm mới, đưa HTX Quang Chiến ra khỏi CCN Phú Mỹ, bố trí vào đó. Thời gian để chính quyền xã Tam Phước và HTX nói trên chuyển đến địa điểm mới là 6 tháng tới” - ông Hải nói.

Hệ thống xử lý nước thải sắp được vận hành ở CCN Hà Lam - Chợ Được (Thăng Bình). Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hệ thống xử lý nước thải sắp được vận hành ở CCN Hà Lam - Chợ Được (Thăng Bình). Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tháng 6.2020, Công ty TNHH Enigma hoạt động ở CCN Chợ Lò (xã Tam Thái, Phú Ninh) bị nổ bình hóa chất có chứa butanox phục vụ cho việc sản xuất tượng đá. Ô nhiễm đến mức đã có hộ dân hít phải mùi hôi của hóa chất nên nhập viện cấp cứu. Người dân phản ứng rất mạnh, nhiều lần ngành chức năng của huyện Phú Ninh phải vào cuộc phối hợp với công ty này giải quyết nhưng vẫn chưa rốt ráo.

Ông Huỳnh Ngọc Hải cho biết, do thiếu vốn đầu tư nên ở các CCN trên địa bàn huyện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải. Ngành chức năng đang khảo sát, đánh giá lại hiện trạng xử lý nước thải ở các CCN để đề xuất tỉnh bố trí vốn đầu tư hệ thống xử lý.

Ở không ít lưu vực sông gần nơi hoạt động của các CCN trên địa bàn tỉnh, màu xanh của nước đã biến thành màu đen. Người dân phản ánh, do các CCN chưa xử lý nước thải trước khi cho tràn ra sông nên mùi hôi bốc lên, nước sông nhiễm bẩn, xuất hiện nhiều đợt tôm cá chết hàng loạt. Ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn cũng thường xuyên diễn ra ở nhiều CCN.

Tại các CCN Trảng Tôn (thị trấn Núi Thành, Núi Thành) hay Thương Tín (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn), ngành chức năng đã phải ra quyết định dừng hoạt động của doanh nghiệp vì không thể giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Nỗ lực hạn chế

Nhiều bất cập về xử lý môi trường ở các CCN

Do áp lực thời gian và thiếu chủ đầu tư hạ tầng nên hầu hết CCN trên địa bàn tỉnh không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều này làm phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường, nhất là tình trạng tập trung cơ sở sản xuất về một khu vực, nhiều CCN ở quá gần khu dân cư.

Ngoài ra, trong tổng số 50 CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 CCN đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Để giải quyết bài toán xử lý nước thải phải có quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu, với hàng loạt công đoạn từ thu gom - xử lý - xả ra nguồn tiếp nhận..., nhưng hiện nay việc đồng bộ này vẫn còn nhiều bất cập.

Hạn chế tính trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất ở các CCN trở thành mối quan tâm của nhiều địa phương. Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, với nguồn ngân sách eo hẹp, trước đây huyện đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung ở CCN Hà Lam - Chợ Được nhưng chưa vận hành được vì thiếu đường ống.

UBND huyện Thăng Bình đang đầu tư thêm hệ thống đường ống để dẫn chất thải sau xử lý ra sông Trường Giang và sẽ hoạt động trong thời gian tới. Với nguồn vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng, hệ thống xử lý nước thải ở CCN Hà Lam - Chợ Được sắp hoạt động và từ đây huyện sẽ nghiên cứu đề xuất với tỉnh có cơ chế hỗ trợ, nhân rộng đầu tư hệ thống xử lý nước thải ở các CCN khác trên địa bàn.

Tại thị xã Điện Bàn, hệ thống xử lý nước thải ở CCN An Lưu (phường Điện Nam Đông) cũng đang vận hành thử nghiệm. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, từ mô hình của CCN An Lưu, địa phương sẽ nghiên cứu, tham mưu tỉnh đầu tư thêm ở các CCN khác trên địa bàn.

“Chúng tôi cố gắng phối hợp với ngành chức năng của tỉnh chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp như Công ty Việt Úc, Việt Nhật ở CCN Thương Tín; hay yêu cầu doanh nghiệp chế biến hải sản Hải Đăng ở CCN An Lưu phải khắc phục mùi hôi thối và nay đã hoạt động tốt, không còn gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, vấn đề này không dễ giải quyết dứt điểm trong ngày một ngày hai vì vốn đầu tư cho hệ thống xử lý chất xả thải quá lớn đi đôi với vận hành, bảo dưỡng tốn nhiều chi phí” - ông Úc nói.

Bà Nguyễn Thị Xuân Vui - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, trên địa bàn chỉ có CCN Thanh Hà nên sẽ chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hạn chế ô nhiễm xảy ra trong thời gian qua. Theo đó, dự kiến hệ thống xử lý nước thải có thể xử lý 2.000m3/ngày đêm. Trước mắt, sẽ lập kế hoạch đầu tư cho giai đoạn 1 với mức xử lý nước thải 300m3/ngày đêm, kinh phí dự kiến 37 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, Quảng Nam đang kêu gọi đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghiệp để cụ thể hóa chủ trương trở thành tỉnh công nghiệp. Bởi vậy, sẽ kiểm soát, có giải pháp để bảo vệ môi trường từ hoạt động ở các CCN, nhất là sẽ có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, nhất là hệ thống xử lý nước thải.

--------------------

Bài 3: Thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điểm nghẽn phát triển cụm công nghiệp - Bài 2: Hệ lụy ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO