Chiêm nghiệm và thực nghiệm

H.X.H 24/06/2020 10:07

Ngày mai 25.6, nhằm mùng 5 tháng 5 âm lịch, Tết Đoan ngọ. Có nhiều cách lý giải hay mô tả về Tết Đoan ngọ, riêng ở Việt Nam vẫn thường được biết đến dưới một cái tên dân dã: Tết giết sâu bọ.

Cũng dân dã không kém với “sản phẩm” quen thuộc của người dân xứ Quảng: lá mùng năm. Người xưa quan niệm, lá cây hái vào đúng giờ ngọ ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, thời điểm dương khí mạnh nhất, cây cối hấp thu được tinh túy của đất trời. Đây là lý do ở Cù Lao Chàm (Hội An), cư dân xã đảo lẫn khách thập phương vẫn ưa chuộng món lá mùng năm hái từ trên rừng…

Nhưng tất cả không chỉ dừng lại ở một thói quen. Nhiều nhà nghiên cứu “nhìn” Tết Đoan ngọ (cũng như các lễ, tiết khác) dưới góc độ chiêm nghiệm lẫn yếu tố thực nghiệm.

Cố giáo sư Trần Quốc Vượng khi nhắc về ngày Tết Đoan ngọ (trong bài phân tích về thiên nhiên và chu kỳ sinh học 12, cuốn “Lịch tết tử vi, phong thủy và 12 con giáp”, NXB Thời đại - 2009) không thấy đề cập sâu bọ hay lá mùng năm. Ông chỉ nói đến... rắn, do có câu thành ngữ “Len lét như rắn mùng năm”. Bởi ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch (đúng kỳ đoan ngọ), trục thời gian vũ trụ thẳng phương bắc - nam (tí - ngọ), tiết trời nóng nực, rắn gần như không ra khỏi ổ.  Rồi ông mở rộng sang nói chuyện chim chóc, trâu bò, chuyện gà gáy lúc mấy giờ, vì sao… Để rồi, chính nhịp điệu thời gian sinh học đó được cha ông chiêm nghiệm. Ngày nay, khoa học lại tiếp tục thực nghiệm, nắm bắt mọi chu kỳ sinh học của loài người và loài vật.

Nhắc lại mối liên hệ giữa chiêm nghiệm - thực nghiệm, vì với Tết Đoan ngọ, có thêm nguyên do khác nữa để dân gian gọi đấy là Tết giết sâu bọ. Bởi giai đoạn này, chuyển mùa chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh và nông dân thường phải tìm kiếm phương thức phòng chống… Lâu dần thành tục, lệ, tết.

Có điều, giữa chiêm nghiệm và thực nghiệm đang có những khoảng cách, khi thực nghiệm của khoa học hiện đại có thể sẽ “vượt qua” chiêm nghiệm dân gian.

Như chuyện giết sâu bọ của nông dân thời công nghệ cao, sẽ không chỉ “giết” bằng một mâm cúng vào ngày tiết trời nóng nhất; mà đó là nhu cầu quanh năm, thậm chí sử dụng cả máy bay không người lái để phun thuốc (như cách mà Tập đoàn Lộc Trời vừa trình diễn hồi giữa đầu tháng 6 ở huyện Thăng Bình). Như khi khí hậu ngày càng bất thường, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó gọi ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày “nước quay”; bởi nguồn nước thượng nguồn đổ về không còn đủ nhiều, đủ mạnh để tạo xoáy nước trên sông. Như mùa nhót tháng 5 ở miền Bắc (để người dân “giết” sâu bọ bằng rượu nếp, mận, nhót, bỏng bộp) không còn trĩu quả như trang văn xưa của Vũ Bằng, viết trong “Thương nhớ mười hai”…

Phải chăng, đã đến lúc chúng ta không chỉ “ăn” Tết (để nhớ về tục lệ xưa), mà còn phải biết “làm” ra Tết (bằng thực nghiệm và sáng tạo)?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chiêm nghiệm và thực nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO