Coi chừng “mất đà” với “3 cái đọng”

ĐĂNG QUANG 20/07/2020 10:59

Thủ tướng Chính phủ tỏ vẻ khá sốt ruột chuyện giải ngân vốn đầu tư công rất ì ạch, hiện đạt khoảng 34% kế hoạch năm 2020. Liên tục các phiên họp gần đây và trên nhiều diễn đàn Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo các ngành, địa phương phải xắn tay áo lên để giải quyết cho được “3 cái đọng” là vốn đọng, nợ đọng, thủ tục đọng. 

Thủ tướng yêu cầu “Chủ tịch tỉnh, bộ trưởng phải có chương trình hành động cụ thể giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội của ngành và địa phương mình. Cần ngắn gọn với hành động mạnh mẽ gửi lên Chính phủ chứ không nói chung chung”.

Lo lắng là đúng vì “3 cái đọng” nêu trên có thể cản trở, làm mất đà phát triển. Lại rất nghịch lý, bất cập là khi đại dịch Covid-19 khiến kinh tế suy giảm mạnh, nhưng có tiền mà không tiêu được, công trình hoàn thành không quyết toán được. Tổng cục Thống kê cho biết chỉ cần 1% số tiền đầu tư rót vào nền kinh tế sẽ thu lại tăng trưởng 0,06% GDP, vậy nên tiền đọng, nợ đọng sẽ gây ách tắc nhiều mặt.

Trong bối cảnh chung của cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Nam còn thấp hơn. Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 toàn tỉnh (không bao gồm các dự án trên địa bàn tỉnh do Trung ương quản lý) đến 30.6 là 1.706 tỷ đồng, đạt 26% so với tổng kế hoạch vốn được giao.

Kỳ họp Tỉnh ủy và HĐND vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cảnh báo chuyện “mất đà” tăng trưởng, không chỉ do ảnh hưởng của dịch mà còn vì bức tranh đầu tư màu xám, vốn giải ngân quá chậm, nhiều dự án “đứng bánh”, ách tắc giải phóng mặt bằng và thủ tục…

Vấn đề đầu tiên là tháo “điểm nghẽn” trên hành lang pháp lý, thủ tục hành chính và cơ chế phối hợp vận hành từ bộ ngành Trung ương đến địa phương. Như Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã bộc bạch rằng muốn làm mạnh, muốn bứt phá, đổi mới, nhưng cần có cơ chế để yên tâm mạnh dạn làm vì cái chung, vì lợi công, chứ không thì nỗi lo về “một ngày đẹp trời” lại bị tội nếu “làm không khéo”; ông Thanh cũng đề nghị các bộ thành lập đường dây nóng để kịp thời nhận trao đổi kiến nghị của địa phương và giải quyết trên mạng, không nên để tình trạng gửi văn bản qua lại nhiều lần mất thời gian khá dài.

Khó khăn từ hành lang pháp lý, cơ chế chính sách và thủ tục hành chính là điều hiện hữu. Tuy nhiên, như câu hỏi Thủ tướng đặt ra là tại sao cùng cơ chế, chính sách đó nhưng có những địa phương giải ngân tốt còn nhiều địa phương rất ì ạch. Như trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, 6 tháng đầu năm 2020, Bình Định giải ngân 42% vốn đầu tư công, 66,4% vốn ODA; còn hai địa phương liền kề cũng chỉ cao hơn Quảng Nam một chút là Đà Nẵng (36%), Quảng Ngãi (27,5%). Rõ ràng cần nghiên cứu vì sao Bình Định giải ngân tốt, nhất là việc thúc đẩy đầu tư trọng điểm các dự án lớn, đồng thời phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng và triển khai các dự án ODA.

Trước nhiều kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 7 đoàn công tác đi khắp các vùng kinh tế trọng điểm, kiểm tra, rà soát các ngành, lĩnh vực trọng yếu trong quãng thời gian từ nay đến cuối tháng 8.2020 để cùng tháo gỡ các điểm nghẽn trong đầu tư công. Chính phủ cũng nêu rõ là sẽ quyết liệt điều chuyển vốn nếu địa phương nào, ngành nào không giải ngân được.

Tại Hội nghị Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên mới đây, Quảng Nam cùng các tỉnh thành trong khu vực đều cam kết sẽ giải ngân vốn đầu tư công đạt 90 - 100%. Dù có quyết tâm cao như vậy nhưng đây sẽ là câu chuyện không đơn giản nếu cả hệ thống chính trị không vào cuộc mạnh mẽ, đặc biệt là phải đồng loạt tháo gỡ từ cơ chế chính sách pháp luật, các thủ tục đầu tư công đến giải phóng mặt bằng, đôn đốc thi công…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Coi chừng “mất đà” với “3 cái đọng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO