Phòng ngừa sự kỳ thị

LÊ THANH 18/02/2020 10:57

“Họ gọi chúng tôi là Vũ Hán của Việt Nam”, “dường như bên ngoài đang le lói sự kỳ thị đối với chúng tôi”, “chúng tôi ổn, nhưng cảm thấy buồn”... Đây là dẫn lại theo một bài viết trên báo Tuổi trẻ, vài lời của những người dân ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương đầu tiên bị cách ly để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm phổi Covid-19.

Trong hàng ngàn nỗi lo ở thời buổi dịch bệnh lan tràn như thế này, con người dễ trở nên nhạy cảm và mong manh hơn. Lo âu hơn, cẩn thận hơn, nghi ngờ hơn, và… dễ tủi hơn. Những cảm xúc cực đoan thường đưa đến hành vi, thái độ và lời nói thiếu cân nhắc, vô tình làm tổn thương người khác. Và những nạn nhân - bất đắc dĩ bị khoanh vào vùng nguy cơ phát dịch - càng dễ chạnh lòng với những biểu lộ mà ngày thường có lẽ họ cho qua một cách dễ dàng.

Người ta nói lúc nguy khốn, con người mới hiện bày bản chất. Những ngày qua, có không ít điều đáng buồn đã xảy ra, từ chuyện cái khẩu trang cho đến sự chia rẽ trong cách nhìn nhận mức độ của đại dịch. Tuy nhiên cũng có rất nhiều sự việc khác chứng tỏ được tình người trong cơn hoạn nạn chung. Người Việt, dẫu gì cũng không quên nghĩa đồng bào, có thể rách lành đùm bọc nhau, yêu thương cảm động như một đặc tính văn hóa đã được đúc kết tự ngàn đời.

Vì vậy chúng ta có thể chờ đợi một sự cảm thông, những lòng rộng đón, chia sẻ và an ủi trước rủi ro của đồng bào vùng tâm dịch như Sơn Lôi hôm nay. Những biểu hiện kỳ thị có lẽ chỉ thoáng qua chốc lát, trong phút giây bối rối và lo âu thường tình.

Bởi một khi tĩnh tâm lại chút ít, có lẽ người Việt sẽ nhìn ra được nỗi khó khăn của người vùng dịch. Cả một nếp sinh hoạt tự do bao năm như vậy bỗng chốc phải khoanh lại, bó gối phập phồng. Nói như một nhân vật trong bài báo dẫn trên - sống 50 năm qua chưa bao giờ lâm vào tình cảnh tương tự như vầy! Chỉ riêng sự biến ấy đã là một cú sốc, chứ chưa cần kể đến nguy cơ lây nhiễm, công việc làm ăn v.v. phải xáo trộn và hạn chế đủ bề.

Không biết ngày mai cơn dịch sẽ diễn biến như thế nào. Nghe dự báo của các nhà khoa học quốc tế, có người cho rằng dịch sẽ bùng nổ lây lan trên 2/3 dân số toàn cầu. Điều đó có vẻ hoang đường, nhưng nó cũng nhắc rằng, bất cứ ai, bất cứ đâu, cũng có thể trở thành nạn nhân, trở thành vùng dịch và phải chịu cách ly. Hiểu ra điều đó không phải để cộng dồn thêm nỗi lo - chúng ta đã thực hiện tất cả sự phòng ngừa cần thiết rồi mà. Hiểu, để đứng vào vị trí của những đồng bào không may mắn. Để thay vì hắt hủi và làm tủi lòng nhau, thì tỏ một cử chỉ cảm thông và động viên đồng bào vượt qua kiếp nạn này.

Liệu từ đây chúng ta có thể chia sẻ, chẳng hạn một hashtag trên mạng xã hội: #SơnLôicốlên, bên cạnh những hành động tiếp trợ trong khả năng có thể đến người vùng dịch?

Cuối cùng, khi có dịp lướt qua sự kỳ thị, người ta sẽ nhận ra rằng sự kỳ thị dưới bất cứ hình thức nào, với bất cứ đối tượng nào, đều không bao giờ là bằng chứng của tinh thần mạnh mẽ và bao dung. Kỳ thị chỉ là triệu chứng của một căn bệnh hẹp hòi ích kỷ, một sự cao đạo vô lối, thiển cận. Và cả nỗi sợ hãi!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng ngừa sự kỳ thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO