Về nhà

PHAN HOÀNG 26/06/2020 10:41

Cuối tuần này, ngày Gia đình Việt Nam, một ngày được đặt để từ năm 2001, như một nhắc nhở vun vén cho hạnh phúc gia đình. Giữa tuần là Tết Đoan Ngọ. Và hồi đầu tuần, trên facebook, tràn ngập những dòng status (trạng thái) chia sẻ tình cảm với cha nhân Ngày của cha (Father’s Day). 

Theo Wikipedia, Ngày của cha có xuất xứ từ phương Tây là ngày lễ tôn vinh người cha, gắn kết gia đình, cũng như ảnh hưởng của những người cha trong xã hội. Ngày lễ này khác nhau ở mỗi quốc gia, nhưng được nhiều nước chọn nhất vào ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 6. Ở nước ta, những năm gần đây, Ngày của cha xuất hiện khi những người trẻ hưởng ứng như một nét đẹp trong quá trình giao lưu văn hóa. Cùng với lễ Vu lan báo hiếu, thì cũng thêm một dịp để những đứa con cúi đầu trước núi Thái Sơn. Đúng là một trùng hợp khá thú vị khi trong tuần lễ có nhiều hơn khoảnh khắc, nhiều hơn một chút thời gian dành cho gia đình.

Hôm Father’s Day, bạn gửi cho tôi bản giao hưởng Sóng sông Danube kèm biểu tượng với câu chúc “chào buổi sáng của những người cha”. Nương theo giai điệu valse vừa mạnh mẽ vừa lãng mạn của Sóng sông Danube, tôi lục tìm xem lại bộ phim “Cha và con gái” (Father and daughter) của đạo diễn Michaël Dudok de Wit  đoạt giải Oscar cho phim hoạt hình ngắn năm 2000. Chỉ với độ dài 8 phút 30 giây, nhưng bộ phim hoạt hình này ngay từ khởi chiếu đã gây xúc động cho hàng triệu khán giả.

Đã xem hàng chục lần nhưng hễ lần nào xem lại cũng đều cho tôi cảm xúc nghẹt thở. Chắc chắn rất nhiều người đã xem phim này nhưng cũng xin nhắc lại một chút. Phim là câu chuyện không lời về tình yêu của một cô gái với người cha đi xa lâu ngày. Khởi đầu là cuộc ly biệt người cha lên thuyền ra khơi, cái ôm từ biệt khi cô mới chỉ là một công chúa bé bỏng. Ngày ngày, cô bé đạp xe đến bến có mấy cây cọc - nơi cô từ biệt cha. Rồi vòng quay cuộc đời, cô lớn lên thành thiếu nữ, có gia đình, có con, có cháu rồi thành một bà lão lưng còng, cô vẫn đạp xe đến nơi đợi cha. Nhưng cha của cô không bao giờ quay trở lại. Bến thuyền trước nay đã cạn khô chỉ còn là hoang mạc cát. Bà lão cứ bước đi và tìm thấy con thuyền của cha mình chỉ còn lại là hình ảnh “thuyền lạ dần trên bãi cát bồi”. Bà lão co ro nằm vào con thuyền và dần hóa thành cô bé ngày xưa, gặp lại cha trong cái ôm ngọt ngào. Ẩn dụ về cuộc chia ly và gặp gỡ ấy sẽ khiến bất cứ ai trong chúng ta muốn vội vàng trở về nhà, chỉ để được ngồi bên cha, bên gia đình.

Những đứa con ríu rít về nhà. Đó luôn là hình ảnh mang lại cho mỗi người sự ấm áp, tin cậy, an lành (dẫu là đứa con đã lưng còng tóc bạc). Nhưng hẳn không hề dễ với nhiều người, trong cơn cuốn phăng đi của những nẻo mưu sinh; cũng là khó với bao gia đình ly tán vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau (mà ẩn dụ trong bộ phim nhắc ở trên chỉ là một trong đó). Thế giới ngoài kia, mỗi người luôn có vạn vạn mối quan hệ, mắt xích níu kéo. Nhưng trong cơn cuồng nộ của đại dịch Covid-19, mới thấy tất cả chẳng là gì so với gia đình. Điều đó, chẳng phải thay mới cho bạn một chiêm nghiệm về cuộc sống này?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO