Vì đó là cỏ

NGUYỄN ĐỨC 04/06/2020 10:03

Những ngày qua, chúng ta chứng kiến cảnh chặt cây ở các trường học theo “phong trào”. Dự đoán về “dư chấn” sợ trách nhiệm khiến cây xanh (nhất là phượng) bị chặt hạ hàng loạt, bất chấp cây có mục gốc rỗng ruột thối rễ hay vẫn khỏe mạnh xanh um.

Bạn tôi mỗi ngày đưa vài tấm ảnh phượng bừng nở rực rỡ khắp phố, khắp sân trường kèm status gọn lỏn “điếu văn cho phượng”, nghe như tiếng thở dài nén lại, cơn ấm ức nén lại. Dự đoán và cảnh báo sớm đó, vẫn không ngăn được cây đổ xuống...

Từ chuyện cây tôi lại nhớ cỏ. Xin kể chuyện trường mầm non con tôi theo học. Không như các thành phố lớn khác, thành phố tỉnh lẻ là Tam Kỳ còn rộng rãi đất đai cho khuôn viên trường học, không thiếu đất để dành một vạt cho việc làm vườn rau. Nhưng rồi sân trường bê tông hóa từ cổng vào tận các lớp học, vạt đất cuối cùng cho cỏ không còn, mọi thể loại cây lấy bóng mát được nghiêm cẩn vào khuôn trong khoanh đất đã chia phần. Vài vạt đất trong “vườn cổ tích” (nơi bày biện khu vui chơi) cũng được dọn dẹp sạch cỏ cho bê tông và cho… cỏ nhân tạo. Sạch thì sạch đấy, chân không lấm bùn đất đấy, nhưng cơn nhớ cỏ cũng lên đầy.

Giật mình nhận ra nghịch lý này. Phụ huynh góp tiền… xã hội hóa, phá hết mảng sân xanh cỏ chỉ để đem lại ngột ngạt cho con mình. Vườn rau của trường thay vì trồng ngoài tự nhiên, giáo viên lại phải đi mua các khay nhựa về, cho đất vào trồng một ít rau, vừa để trang trí, vừa để dạy. Nhưng cũng chỉ được vài bữa cho các con học, rồi thôi. Chúng ta nhanh chóng quên kiến thức tiếp thu từ môn sinh học, rằng cỏ giữ ẩm đất, cỏ là nơi trú ngụ của bao nhiêu côn trùng có lợi cho đất cho cây. Không có cỏ, cơn nung nóng mặt đất càng dữ dội. Không cho cỏ mọc tự nhiên nữa đã đành, vì mục tiêu trường chuẩn quốc gia hay bê tông hóa trường học, cũng chẳng dành cho cỏ chút đất nào dù theo lối theo hàng. Đáng tiếc là quá ít người cho rằng, chơi với cỏ cũng cho trẻ nhiều bài học về tình yêu thiên nhiên.

Nhưng ngoài trường học thì công sở, nơi sinh hoạt công cộng, khu dân cư, chẳng phải chúng ta cũng tận diệt cỏ, bê tông hóa hết thảy còn gì. Chẳng phải hiệu ứng đô thị khiến chúng ta đang chấp nhận nhiệt độ ở đô thị bao giờ cũng cao hơn vùng ven, vùng nông thôn. Theo đánh giá của một số tổ chức nước ngoài (WB, ADB, Habitat), tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt 3,4%/năm, dân số đô thị tăng hơn 3%/năm. Dẫu đã thu được nhiều lợi ích từ đô thị hóa trong vài thập kỷ qua nhưng nhiều bằng chứng cho thấy cần phải đánh giá lại tình hình phát triển đô thị và các yếu tố chi phối đô thị hóa ở Việt Nam, mà đất đai là một trong các yếu tố đó. Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị do thảm thực vật bị mất đi và bề mặt đô thị được phủ bằng các con đường bê tông và các tòa nhà cao tầng cần phải được nhìn nhận đúng mức độ nghiêm trọng.

Quý một cọng cỏ, mới có thể quý một cây xanh, mới nâng niu cây vì chính cuộc sống bền vững của con người. Cho nên, đâu chỉ là nỗi buồn của phượng!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì đó là cỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO