Ấn triện Quảng Nam

TRẦN VĂN AN 21/03/2021 07:47

Vùng đất Quảng Nam có bề dày lịch sử lâu đời, tính từ lúc vua Lê Thánh Tông thành lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam năm 1471 cho đến nay vừa tròn 550 năm (1471 - 2021). Những năm gần đây, qua quá trình sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại Hội An và ở một số tỉnh/thành phố, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã tìm thấy một số dấu ấn triện về Quảng Nam. Những dấu ấn triện này rất có giá trị để tìm hiểu về tổ chức bộ máy chính quyền cũng như những vấn đề lịch sử - văn hóa liên quan đến Quảng Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Dấu ấn Quảng Nam đẳng xứ Tán trị thừa tuyên sứ ty chi ấn thời Hồng Đức. (Nguồn: Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh cung cấp).
Dấu ấn Quảng Nam đẳng xứ Tán trị thừa tuyên sứ ty chi ấn thời Hồng Đức. (Nguồn: Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh cung cấp).

Thời Lê, ấn triện về Quảng Nam thời Lê còn lại rất hiếm hoi để có thể tìm hiểu những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền lúc bấy giờ tại vùng đất mới. Năm 1988 tại thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Nghĩa Bình (nay thuộc Quảng Ngãi) đã tìm thấy một dấu ấn bằng đồng về thừa tuyên Quảng Nam. Năm đúc ấn là Hồng Đức thứ 2 (1471). Mặt ấn khắc 12 chữ triện xếp thành 3 hàng từ phải qua trái: Quảng Nam đẳng xứ Tán trị thừa tuyên sứ ty chi ấn. Đây là dấu ấn sớm nhất của cơ quan quản lý thừa tuyên Quảng Nam thời Lê sơ được đúc cùng thời điểm thành lập thừa tuyên này. Tư liệu cho biết thời Lê sơ, bộ máy chính quyền mỗi đạo thừa tuyên gồm 3 ty: Đô tổng binh sứ ty (phụ trách quân sự), Thừa tuyên ty (phụ trách việc dân sự), Hiến sát ty (phụ trách các việc thanh tra, giám sát). Đây có thể là con dấu thừa tuyên ty Quảng Nam thời Hồng Đức.

Thời các chúa Nguyễn, dấu ấn triện của trấn thủ Quảng Nam được biết cho đến nay là của Nguyễn Phúc Nguyên, trấn thủ Quảng Nam từ năm 1601 đến năm 1613, dấu ấn này đóng trên các bức thư ngoại giao gửi chính quyền, nhà buôn Nhật Bản trong các năm 1601, 1603, 1605, 1610, 1611… được lưu giữ ở một số bảo tàng Nhật Bản. Trong các bức thư này, Nguyễn Phúc Nguyên xưng là Đại đô thống Thụy quốc công hoặc Thụy công và đóng dấu đỏ. Dấu ấn này hình vuông, lòng khắc 6 chữ triện xếp thành 3 hàng từ phải sang trái: Trấn thủ Tướng quân chi ấn. Ở con dấu này không có 2 chữ Quảng Nam như các con dấu cùng loại sau này. Cũng cần nói thêm là cho đến nay vẫn chưa phát hiện văn bản nào có đóng dấu trấn thủ này ở trong nước.

Trong một văn bản của xã Minh Hương năm Cảnh Hưng 22 (1761) có đóng một dấu vuông lòng khắc 6 chữ triện, xếp thành 3 hàng từ phải sang trái: Khâm sai Quảng Nam cai bộ. Theo hệ thống quan chức đầu đời các chúa Nguyễn, cai bộ/cai bạ là một trong 3 chức đứng đầu các dinh trấn gồm Trấn thủ, Cai bộ, Ký lục. Cơ cấu, phiên chế, chức trách liên quan để 3 chức quan này được Lê Quý Đôn ghi trong Phủ biên tạp lục như sau: “… Đến như dinh Chiêm ở Quảng Nam thì có quan đóng giữ gọi là dinh Quảng Nam, ở xã Cần Hào, huyện Duy Xuyên, sở thuộc có ty xá sai, câu kê 3 người, cai hợp 7 người, thủ hợp 10 người, lại viên 40 người, giữ việc từ tụng văn án, do một viên ký lục đứng đầu, lại có ty Tướng Thần lại, số người cũng thế, giữ việc cấp lính các xã, cấp các vi tử làm ngụ lộc thu phát tiền sai dư và thóc tô ruộng, do một viên cai bạ đứng đầu”. Đây là con dấu của quan Khâm sai Cai bộ Quảng Nam. Nội dung dấu ấn này còn cho biết đây là quan Cai bộ nhưng là Khâm sai thay mặt chúa Nguyễn để xử lý công việc ở Quảng Nam.

Cũng năm Cảnh Hưng 22 (1761) trong một văn bản khác của xã Minh Hương, cuối dòng phê của quan sở tại có đóng dấu vuông, lòng khắc 8 chữ triện, xếp thành 4 hàng từ phải qua trái: Quảng Nam Ký lục nội viện chi chương. Đây là ấn chương của quan Ký lục Quảng Nam. Nội dung dấu ấn cũng cho biết Quảng Nam lúc bấy giờ trực thuộc nội viện (…).

Một văn bản năm Cảnh Hưng 25 (1764), cuối dòng phê của quan sở tại đóng dấu vuông, lòng khắc 8 chữ triện xếp thành 4 hàng từ phải sang trái: Quảng Nam Cai bộ nội viện chi chương. Kích thước, cách bố trí nội dung dấu ấn này giống dấu trên, chỉ khác về chức vụ. Đây là dấu ấn của quan Cai bộ Quảng Nam. So sánh con dấu của 2 vị Cai bộ Quảng Nam năm 1761 và 1764 ta thấy có thể đây là dấu ấn của hai người khác nhau, người đầu làm Cai bộ nhưng là Khâm sai của triều đình, còn người sau không phải là Khâm sai.

Thời Tây Sơn, trong một tờ truyền năm Cảnh Hưng 39 (1778) của quan Khâm sai Tham mưu, quan Tiện nghi Phó chiến, quan Tiện nghi Câu kê dinh Quảng Nam có đóng 2 dấu, trong đó một dấu vuông lớn, lòng khắc chín chữ triện xếp thành 3 hàng từ phải sang trái: Quảng Nam Khâm sai Tham mưu Trương tín ký. Đây là dấu tín ký quan Khâm sai Tham mưu Quảng Nam của chính quyền Tây Sơn.

Một văn bản khác năm Cảnh Hưng 39 (1778) cuối dòng phê đóng dấu vuông, lòng khắc 16 chữ triện xếp thành 3 hàng từ phải qua trái: Tây Sơn Công bộ Trấn thủ Quảng Nam dinh, Nguyễn tông hành sự. Đây là dấu hành sự của Trấn thủ Quảng Nam thời Tây Sơn.

Trong bản kê khai dân đinh của thôn An Sơn, tổng An Khang Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa năm Quang Trung 5 (1792), cuối bản khai có đóng dấu đỏ lớn, hình vuông, lòng khắc 7 chữ triện từ phải qua trái: Khâm sai Quảng Nam xứ đại duyệt. Đây là dấu của quan Khâm sai phụng mệnh Quang Trung duyệt xét dân số ở các địa phương thuộc xứ Quảng (từ Hải Vân vào đến Bình Định, Phú Yên).

Thời Nguyễn, một văn bản năm Cảnh Hưng 62 (1801), cuối dòng phê có dấu vuông, lòng khắc 5 chữ triện, xếp 3 hàng từ phải qua trái: Quảng Nam dinh Cai bộ. Đây là dấu quan Cai bộ Quảng Nam của chính quyền Nguyễn Ánh. Dấu ấn cho biết tuy chưa lên ngôi nhưng Nguyễn Ánh đã xếp đặt bộ máy chính quyền ở Quảng Nam.

Một văn bản năm Gia Long 2 (1803), cuối dòng niên đại đóng dấu vuông, lòng khắc 5 chữ triện, xếp thành 3 hàng từ phải qua trái: Quảng Nam dinh lưu thủ. Đây là dấu quan Lưu thủ Quảng Nam, một chức quan tương tự Trấn thủ các đời trước.

Một văn bản năm Minh Mạng 9 (1828), cuối dòng niên hiệu đóng dấu vuông, lòng khắc 4 chữ triện lớn, xếp thành 2 hàng từ phải sang trái: Quảng Nam trấn ấn. Đây là dấu ấn của trấn Quảng Nam cho biết lúc này vua Minh Mạng đã đổi các dinh thành trấn.

Từ đời Minh Mạng trở về sau, tên gọi đơn vị hành chính và các chức quan liên quan đến Quảng Nam tiếp tục thay đổi từ việc đổi trấn thành tỉnh, chuyển các chức Trấn thủ, Cai bạ, Ký lục thành Tổng đốc, Án sát, Bố chính và có lúc Tổng đốc Quảng Nam kiêm lãnh cả Quảng Ngãi thành Nam Ngãi Tổng đốc… Những dấu ấn triện này xuất hiện ở các văn bản hành chính hiện còn khá nhiều trong dân gian. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấn triện Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO