Chuyện chính sử quan Hồ Lệ

NGUYỄN DỊ CỔ 04/04/2020 19:56

Trong những ngày cả nước phòng chống dịch bệnh như thế này lại nhớ đến các mệnh quan người Quảng Nam hết lòng vì dân chống dịch dưới triều Nguyễn. 

Bìa sách Đại Nam thực lục chính biên đệ ngũ kỷ có ghi chép về Hồ Lệ.
Bìa sách Đại Nam thực lục chính biên đệ ngũ kỷ có ghi chép về Hồ Lệ.

Đó là Phạm Phú Thứ (Tổng đốc Hải An, tức Hải Phòng và Quảng Ninh ngày nay) tổ chức cầu đảo tiêu trừ dịch bệnh ở miếu Quan Thánh và làm lễ tạ ơn sau khi bệnh tình thuyên giảm. Hay như Hồ Lệ (Tổng đốc Nghệ An) dâng tờ trình về triều đình báo cáo tình dịch bệnh và chữa trị bệnh nhân ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Cuộc đời Hồ Lệ (1849 - 1905, quê Quảng Nam) được viết đến sớm nhất trong sách Quảng Nam xưa và nay của Hồ Ngận (con của Hồ Lệ) công bố trước 1975. Những bài viết liên quan đến Hồ Lệ về sau cũng chủ yếu dựa trên tư liệu của Hồ Ngận. Do vậy, quan Hồ Lệ được biết đến lâu nay thường chỉ gắn với những giai thoại dân gian hơn là tư liệu chính sử. Hay nói cách khác, nhân vật Hồ Lệ chưa được nhận chân đầy đủ là do chưa tiếp cận hoặc/và dựa trên tư liệu chính thống.

Hồ Lệ được các bộ chính sử của triều Nguyễn đề cập khá nhiều, như Đại Nam thực lục (với gần 20 lượt), Quốc triều chính biên toát yếu. Mỗi lượt nhắc đến là một sự kiện lịch sử quan trọng, gắn với hành trạng quan trường, sự nghiệp chính trị của Hồ Lệ. 

Giữ nhiều trọng trách ở triều đình

Hồ Lệ có một địa vị quan trọng trong triều đình. Ông được/bị tham gia vào việc phế lập vương vị do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chủ mưu. Sách Đại Nam thực lục chép, sáng sớm ngày Đinh Sửu 30 tháng 10 năm 1883, hai người này “thông báo cho các quan hiện túc trực đêm ở ấy ở trong nội (văn trực thần là Tham tri Hà Văn Quan, võ trực thần là quyền Chưởng dinh Hùng nhuệ Trần Văn Cư, Tham biện  Cơ mật viện là Hồ Lệ, Tham biện Nội các là Lê Duy Thuỵ, Thị vệ sứ đại thần là Tiền quân Tôn Thất Thạ) đều đến họp”. Tham biện là viên quan cao cấp. Cơ mật viện là cơ quan đầu não, có chức năng tư vấn, góp ý cho vua về những công việc trọng đại của quốc gia. Trong chính biến này còn có sự tham gia của vị quan người Quảng Nam khác là Ông Ích Khiêm.

Theo đó, “những người có công lao nghênh lập” trong chính biến này đều được “gia hàm thực thụ, thăng thự, đều thưởng cấp kỷ và cho tiền vàng” gồm 39 người. “Những việc ấy đều theo sự sắp xếp và đề nghị của Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường”. Hồ Lệ từ Hồng lô tự Thiếu khanh, Biện lý bộ Hộ được thăng thụ Hồng lô Tự khanh. Song, Hồ Lệ “lần này không tham dự nên không được thưởng tiền vàng”. Những đồng tiền vàng thưởng này đang được trưng bày ở bảo tàng. Trong những lần khác, Thị lang bộ Hộ Hồ Lệ còn được thưởng “quân công kỷ lục 2 thứ”, được cấp “long tinh” (cùng đợt gồm 191 quan Pháp, 16 quan Nguyễn). Long tinh giống như huân chương ngày nay.

Theo Quốc triều chính biên toát yếu, Thị lang bộ Hộ Hồ Lệ còn được vua Đồng Khánh giao cho nhiệm vụ kiểm nhận và lập biên bản bàn giao số tiền bạc mà quan Toàn quyền Pháp đã đưa thư trao trả.

Hồ Lệ tham gia quá trình dẹp trừ Nghĩa hội vào năm 1885. Đại Nam thực lục chép: “Dùng thự Công bộ Thượng thư là Chu Đình Kế sung làm Khâm sai đại thần, thự Hữu thị lang bộ Hộ là Hồ Lệ làm phó, hiệp cùng Phó Đô thống đại thần đi tàu thủy đến Bình Thuận hiểu thị và ngăn dẹp”. Khi “hạt Bình Định, Phú Yên đã gần yên”, vua lại chuẩn cho Chu Đình Kế và Hồ Lệ “lập tức đi đến Quảng Nam, tùy nghi hiểu thị và ngăn dẹp, cho được cùng yên”. Hồ Lệ vốn là người Quảng Nam nên được ban tạm giữ chức Tuần phủ Quảng Nam, sử dụng ấn tạm bằng gỗ. Vì “tình hình hạt ấy khẩn cấp”, nên việc “hiểu dụ, ngăn dẹp không công trạng”, Hồ Lệ “xin về Kinh đợi tội”, và “vua y cho”. Sự kiện này đời sau không thấy mọi người nhắc đến ngoại trừ duy nhất nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy trong sách Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. Sách này viết “Nghĩa quân vẫn ráo riết hoạt động, bất chấp sự hiểu dụ của Hồ Lệ”, “trận tập kích” của nghĩa quân đã làm cho Hồ Lệ “nao núng tinh thần”.

Khí phách người Quảng

Hồ Lệ liên tục thăng tiến, giữ chức trọng và thể hiện khí phách của một chính nhân quân tử. Theo Đại Nam thực lục, Hồ Lệ từ vị trí Hữu thị lang bộ Hộ thăng lĩnh Hữu tham tri bộ Hộ kiêm quản viện Đô sát; Hữu tham tri bộ Hộ được thụ Tham tri, lĩnh Thượng thư (bộ Hộ). Như vậy xâu chuỗi lại, quá trình thăng tiến của Hồ Lệ trải qua các chức danh: cấp trung ương gồm Tham biện viện Cơ mật, Hữu thị lang bộ Hộ, Hữu tham tri bộ Hộ, Viện trưởng viện Đô sát, Phó Khâm sai đại thần, Tham tri lãnh Thượng thư bộ Hộ; cấp địa phương gồm Tổng đốc Nghệ An, Tuần phủ Quảng Nam.

Khí phách của Hồ Lệ thể hiện qua việc dâng sớ từ chối nhận chức Thượng thư bộ Hộ. Nội dung tờ sớ là: “Công việc bộ Hộ, thực là nhiều và lớn, lại phần nhiều quan hệ đến giao thiệp, khó lại thêm khó, tuyển bổ chức chính khanh, phải là người lịch duyệt về tinh cán, như Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Thuật và Hoàng Hữu Thường, mới mong được việc chu đáo. Thần mới ra làm quan, vội dự chức ấy, thực không kham nổi; huống hồ mới được Thị lang lĩnh Tham tri, chưa được một tuần, đã được cất đến chính khanh, rất là vượt quá, xin cho giữ chức Tham tri, vài năm sau, may ra không có lỗi lớn, nếu được bàn tiến, rất không dám từ”. Ông tự giữ lời răn không được “hưởng phúc quá lạm”, nếu không thì sẽ phạm lỗi lầm.

Hồ Lệ phản đối việc Vũ Quang Nhạ được phong làm Võ hiển điện Đại học sĩ. Việc phản đối này là đi ngược lại với ý hướng của Thống sứ Pháp, Khâm sứ Pháp và cả Nam triều. Trong khi đó, Vũ Quang Nhạ là một đại quan, từng giữ các chức vụ Tổng đốc Định Ninh (Nam Định, Ninh Bình), Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Tổng đốc Bắc Ninh, Tổng đốc Hải Dương; tước An Tập tử; và đi sứ Pháp.

Hồ Lệ khi giữ chức Kiêm Phó đô thống đã đề nghị nhà vua giải chức của Trần Sán về việc “tự tiện làm tờ tâu hặc tội không trình viện trưởng”. Cuối cùng, Trần Sán bị giáng 2 cấp.

Đặc biệt, Hồ Lệ tham gia xét xử Phan Đình Bình một cách nghiêm minh về tội “ăn trộm của cải ở phủ Nội vụ” (đồ dùng của nhà vua), bất kể Bình là ngoại thích. Sách Đại Nam liệt truyện cho biết Bình là “bề tôi có công và là họ ngoại của nhà vua”, được “đặc cách truy tặng hàm Thái bảo, gia phong là Phù Quốc công”.

Hồ Lệ không chỉ vốn là một đại quan nổi tiếng trong dân gian mà còn nổi tiếng trong chính sử. Công trạng và nhân cách của ông đã được lưu truyền sử sách.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện chính sử quan Hồ Lệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO