Chuyện tiết phụ đất Quảng

NGUYỄN DỊ CỔ 06/03/2021 05:44

Với quan niệm “Tôi trung không thờ hai vua, liệt nữ không lấy hai chồng”, từ xưa đã có nhiều phụ nữ ở góa thờ chồng nuôi con. Tác phẩm “Quảng Nam tỉnh phú” điểm danh những đặc trưng nổi bật của vùng đất đã không quên nhắc đến tiết phụ đất Quảng: “Thủ tiết thờ chồng, mẹ ông Tu soạn họ Nguyễn; tuổi xuân ở góa, vợ phủ Định Tường họ Trương”.

Biển sắc phong Tiết hạnh khả phong.(Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 125, 15.3.2011)
Biển sắc phong Tiết hạnh khả phong.(Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 125, 15.3.2011)

Lịch đại tiết phụ: từ nàng Mị Ê

Việt Nam vốn có nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, theo tục thờ Mẫu, xem trọng vai trò phụ nữ từ lâu đời. Cho dù đến giữa thế kỷ 15, thời Lê Thánh Tông độc tôn Nho thuật, nước ta chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng trọng nam khinh nữ, song vai trò của người phụ nữ Việt Nam vẫn được đề cao so với các quốc gia đồng văn đương thời (Trung Quốc, Cao Ly, Nhật Bản). Do vậy, những câu chuyện về tiết phụ, nghĩa phụ, hiền phụ Việt Nam vẫn được ghi chép nhiều trong sử sách và lưu truyền muôn thuở. Tìm trong chính sử, nàng Mị Ê là tiết phụ đầu tiên của đất Quảng được biết đến.

Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Tháng 7 năm 1044, vua tiến quân vào thành Phật Thệ, bắt hậu, phi của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa (…) Tháng 9, về đến hành điện Lỵ Nhân (thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay - NV), sai thị nữ đòi Mị Ê sang hầu ở thuyền ngự. Mị Ê tức giận, lấy chăn hồng quấn mình, nhảy xuống sông chết, vua khen là trinh tiết, phong là Hiệp chính hựu thiện phu nhân”. Tản Đà trong tập Khối tình con II (1918) có bài từ theo điệu Vân thê viết về nàng Mị Ê: “Châu Giang một dải sông dài/ Thuyền ai than thở một người vương phi/ (…) Chàng tử biệt/ Thiếp sinh ly/ Sinh ký đau lòng kẻ tử quy/ Sóng bạc nghìn trùng/ Âm dương cách trở/ Chiên hồng một tấm/ Phu thê xướng tùy”.

Trần Kinh Hòa cho biết Thích Đại Sán đã ghi chép sự tích của một tiết phụ ở đất Quảng: “Trương tiết phụ, sinh trưởng ở Quảng Nam, lấy chồng tên Từ Phụ. Lúc Quảng Nam giao chiến với Chiêm Thành, Từ Phụ tòng chinh chết giữa biển. Bà Trương ngày đêm than khóc, khô héo ruột gan, sau tìm thấy chồng trên bãi cát đem về chôn cất, từ đó trọn đời giữ tiết, thờ mẹ chồng, nuôi con, thực đúng trang liệt nữ đáng kính”. Trần Kinh Hòa còn nhận xét và cho biết thêm “Đại Sán vốn thương tâm về phong tục dâm ô ở bản xứ, bèn cảm động tẩu bút viết một bài tứ ngôn cổ thi và bài tự sự để biểu dương tiết phụ họ Trương”.

Ngoài hai tiết phụ trên - một người Chăm, một người Việt gốc Hoa, đất Quảng còn rất nhiều bậc tiết phụ khác. Phạm Phú Thứ có viết về tiết phụ Đinh Thị Thoại là thân mẫu của Đỗ Thúc Tịnh. Đặc biệt, tấm bia Thăng Bình phủ tiết nghĩa phụ bi chí (di tích Văn thánh Thăng Bình) ghi chép 7 tiết phụ trong phủ hạt được nêu gương và ban thưởng. Đó là những quả phụ Nguyễn Thị Tín (xã Tiên Mỹ), Võ Thị Chân (xã Đồng Thới), Lê Thị Nhâm (xã Ngọc Phô, là người “thủ tiết thờ chồng” trong Quảng Nam tỉnh phú nói trên), Trương Thị Phẩm (xã Tiên Mỹ), Nguyễn Thị Phẫn/Phận (xã Tiên Đóa), Nguyễn Thị Hoành (xã Hà Lam), Nguyễn Thị Hợi (xã Hà Lam). Hồ Ngận cung cấp thêm thông tin về một tiết phụ tên Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1859 tại làng Quan Nam (huyện Hòa Vang), con gái Tri phủ Nguyễn Đức Hoàn.

Nữ nhi đâu hẳn thường tình

Nữ nhi theo quan niệm truyền thống phong kiến là đàn bà, con gái thông thường có bản tính, tình cảm yếu đuối, ủy mị. Nhưng tiết phụ đất Quảng đâu hẳn như vậy. Họ không chỉ  vượt lên số phận, hoàn cảnh, hy sinh niềm riêng để tròn đạo tam tòng tứ đức, mà còn đóng góp rất nhiều cho xã hội.

Điểm chung đầu tiên của các tiết phụ là trở thành quả phụ từ khi còn rất trẻ, nhưng vẫn cô phòng cho đến lúc qua đời (trên 70 tuổi như bà Nguyễn Thị Tín, trên 80 như bà Nguyễn Thị Hường). Bà Nguyễn Thị Tín lấy chồng năm 17 tuổi, đến năm 19 tuổi thì chồng qua đời. Bà Võ Thị Chân cũng mất chồng khi mới 19 tuổi. Bà Lê Thị Nhâm mất chồng khi tròn 20. Những quả phụ này nhất tuyệt từ chối những người khác đến dạm hỏi, xin cưới, mặc dù họ là những người có học, giàu có, tài giỏi như Lễ sinh Nguyễn Văn Quảng, Tú tài Nguyễn Xuân Mưu, Dịch mục Võ Tấn Thông… Liên tưởng nỗi niềm của nữ nhân khi “Lãng tử mãi đi biền biệt/ Giường không, khó giữ bao thu” thì mới thấy được ý chí giữ gìn phẩm hạnh của tiết phụ đất Quảng.

Hiền phụ như bà Võ Thị Quyền, khi chồng là Trần Cao Vân bị đày ra Côn Đảo trong tình cảnh “Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng”, “Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường”, còn nhận được câu thơ an ủi của chồng: “Thân chàng chắc vững không nao núng/ Dạ thiếp đừng lo chút mẻo meo/ Trướng liễu xủ màn khuyên hãy giấc/ Vườn đào sẵn giống để rồi gieo”. Đến như những đấng trượng phu nhưng cũng ngấn lệ khi nhớ vợ quá cố: “Không sàng ngọa thính nam song vũ/ Thùy phục khiêu đăng dạ bổ y” (Giường không nằm nghe mưa nam ngoài cửa sổ/ Đâu còn bóng ai khêu đèn vá áo trong màn đêm).

Thế nhưng, những tiết phụ đất Quảng đã lo thờ mẹ chồng, thậm chí bà nội của chồng, và nuôi dạy con khôn lớn nên người. Đỗ Thúc Tịnh được mẹ - tiết phụ Đinh Thị Thoại nuôi dạy đỗ tiến sĩ (là tiến sĩ duy nhất của huyện Hòa Vang thời phong kiến). Hữu Ngôn con bà Nguyễn Thị Tín đỗ Tú tài. Hữu Quang con bà Lê Thị Nhâm đỗ Cử nhân. Lê Tường con bà Nguyễn Thị Phẫn/Phận được bổ hàm Biên tu, sung tỉnh tập ty Thừa phái. Võ Hưng Khoan con bà Nguyễn Thị Hợi được thưởng “Cửu phẩm văn giai”… Ngoài ra, những tiết phụ còn rất đảm đang, quán xuyến, gánh vác toàn bộ công việc gia đình, là người lao động chính, tạo dựng gia sản.

“Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt, đời nay mấy người”. Tiết phụ đất Quảng còn đem tiền của làm việc nghĩa, như bà Trương Thị Phẩm đóng góp 1.000 đồng tiền chẩn cấp cho nạn đói năm Tự Đức thứ 2 (1849). Bà Nguyễn Thị Phẫn/Phận quyên trợ 300 đồng bạc khi dân lâm nạn đói năm Khải Định thứ 6 (1921)… Tiết phụ Nguyễn Thị Hường đã hết lòng giúp đỡ các chí sĩ phong trào Cần Vương, sau đó lại hiến nhà để làm nơi liên lạc của các chí sĩ phong trào Đông Du. Không chỉ vậy, bà còn tiếp đãi ăn uống, cung cấp tiền bạc cho tổ chức này.

Đời không phụ

Gái có công, chồng không phụ. Tiết phụ vượt lên nghịch cảnh nên luôn được đời ghi nhận, khâm phục. Những tiết phụ đất Quảng được vua ban biển “Tiết hạnh khả phong”, “Lạc quyên nghĩa phụ”, “Hiếu nghĩa khả phong”, nhà nước thưởng “Kim bội văn tín”, thân hào địa phương ban tặng “Phú nhi hiếu lễ”. Khi bà Nguyễn Thị Hường mất, Phan Bội Châu có câu điếu viếng: “Giận mình không phải Vương Tôn, quốc sĩ lắm phen nhìn mắt trắng/ Gặp ai cũng khen Phiếu Mẫu, tuyền đài còn đợi tỏ lòng son”. Hồ Ngận đã bình luận: “Phan Bội Châu còn xưng là Phiếu Mẫu thì đủ thấy nghĩa khí, độ lượng của bà như thế nào”.

Quan niệm của mỗi người mỗi thời đại về tiết phụ hay nhu cầu hạnh phúc của phụ nữ mỗi khác. Điều quan trọng là mỗi phụ nữ tự xác định và lựa chọn lý tưởng cũng như quan điểm sống cho riêng mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện tiết phụ đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO