Có một năm Tý như thế

LÊ THÍ 08/02/2020 14:49

Năm Canh Tý 1600, Nguyễn Hoàng chạy khỏi Đông Đô để về lại Thuận Hóa. Đây được xem là năm đặc biệt trong lịch sử dân tộc, bắt đầu cho công cuộc “mở cõi lần thứ hai” (cuộc mở cõi lần thứ nhất đã bị ngưng lại suốt 129 năm, từ 1471 - 1600), đưa lãnh thổ nước ta vượt qua biên giới “mong manh” mang một “lời nguyền hư huyễn” ở núi Thạch Bi, tiến về tận Cà Mau, ra tận Phú Quốc, để có được một giang sơn như ngày nay!

Bia Di tích Thanh Chiêm. Ảnh: Internet
Bia Di tích Thanh Chiêm. Ảnh: Internet

Cuộc đào tẩu năm Canh Tý 1600

Công cuộc mở cõi về phương Nam của dân tộc ta, gắn liền với các cuộc “cạnh tranh sinh tồn” của những triều đại phong kiến. Công cuộc này diễn ra ngoạn mục nhất vào thời các chúa Nguyễn và có lẽ được “khởi đầu” từ năm Canh Tý 1600, với việc Nguyễn Hoàng trốn chạy khỏi Đông Kinh để về lại Thuận Hóa.

Mặc dầu đã được vua Lê và chúa Trịnh cử vào trấn thủ đất Thuận Hóa vào năm 1558, sau đó năm 1570 kiêm quản luôn Quảng Nam, Nguyễn Hoàng với tài thao lược của mình đã cùng đám lưu dân “chinh phục hoang vu, ác địa, đuổi hùm voi để giành chỗ ở”, biến vùng ác địa biên viễn này thành một khu vực phát triển với cảnh sắc thanh bình: “dời đổi phong tục, chợ không hai giá, dân chẳng ăn trộm, cửa ngoài không phải đóng… dân trong xứ an cư lạc nghiệp” (Đại Việt Sử ký toàn thư). Đặc biệt Nguyễn Hoàng cũng luôn thực hiện “trên cả mức bình thường” các nghĩa vụ đối với Đàng Ngoài (vua Lê và chúa Trịnh) thế nhưng khi ra chầu vua Lê Thế Tông vào năm 1592, thì bị giữ lại không cho về Nam suốt 8 năm vì sợ để ông quay lại là “thả hổ về rừng”.

Tám năm ở Đông Đô, nhận rõ được tâm địa của Trịnh Tùng, biết được lòng nghi kỵ, ganh ghét của đứa cháu gian hùng, Nguyễn Hoàng quyết chí trở về và đã tìm mọi cách để trở về Thuận Hóa. Nhân việc nổi dậy của Phan Ngạn, Ngô Đình Kha, Bùi Văn Khuê ở cửa biển Đại An (mà ta tin rằng do chính ông xúi sử) vào năm 1600, Nguyễn Hoàng đem quân đi dẹp rồi giả thua kéo thẳng về Thuận Hóa. Trịnh Tùng cho quân đuổi theo nhưng không kịp. Trịnh - Nguyễn bắt đầu “đoạn tuyệt” từ đó!

Trong hoàn cảnh như vậy, Nguyễn Hoàng không thể không nghĩ đến việc chống lại họ Trịnh, bảo toàn thế dung thân lâu dài, bằng cách xây dựng nền tảng cho đại nghiệp - một đại nghiệp vững bền không những cho mình mà cho cả con cháu mai sau.

Để xây dựng đại nghiệp, Nguyễn Hoàng phải thực hiện hai việc: “Bắc cự” và  “Nam tiến”. Muốn thế phải xây dựng nội lực bằng việc phát triển kinh tế xã hội và mở rộng “địa bàn sinh tồn” về phương Nam. Nguyễn Hoàng cùng các thế hệ con cháu ông đã từng bước thực hiện ý đồ này, bắt đầu từ Quảng Nam vào những năm kế tiếp thời điểm 1600.

Quảng Nam sau năm Canh Tý 1600

Ổn định tình hình Thuận Hóa sau 8 năm vắng mặt, Nguyễn Hoàng vội vàng vượt đèo Hải Vân để vào Quảng Nam, nơi mà trước đó 2 năm, trên đường bôn tẩu khỏi Đông Kinh ông đã kỳ vọng sẽ giúp làm chỗ “dung thân” vững chắc và lâu dài hơn. Đứng trên đèo Hải Vân nhìn về phương Nam rộng lớn, bằng con mắt của nhà chính trị tài ba, của người giỏi về phong thủy, Nguyễn Hoàng nhận ra ngay đây chính là “yết hầu” của vùng Thuận - Quảng. Cảm nhận đầu tiên của ông về vùng đất này được ông nói lại với con cháu lúc lâm chung: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân, núi Thạch Bi vững bền; núi sinh vàng sắt, bể có cá muối, thật là đất dụng võ của những kẻ anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng được sự nghiệp muôn đời…”. Và chắc chắn trong đầu ông lúc này đang nghĩ đến việc xóa cái biên giới “định mệnh” đầy vẻ “hư huyễn” ở núi Thạch Bi kéo dài đã quá lâu để thực hiện Nam tiến.

Sau khi vượt đèo Hải Vân, Nguyễn Hoàng tức tốc cho xây dựng lỵ sở dinh Quảng Nam: “Tháng 7 năm Nhâm Dần (1602), năm 45 đời Gia Dũ hoàng đế, lập Dinh trấn Quảng Nam tại xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên”. Từ Cần Húc, huyện Duy Xuyên dời về Thanh Chiêm, thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn ngày nay. Không những xây dựng dinh trấn, Nguyễn Hoàng cử Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên làm Tổng trấn. Việc này “đã hàm ý chuẩn bị tạo dựng một cõi sơn hà riêng biệt ở phương Nam” (Phan Du, Quảng Nam qua các thời đại, Cổ học tùng thư, 1974, trang 77). Dinh trấn Thanh Chiêm giữ trọng trách hàng đầu, được xem là Thượng đô thứ hai, đầu não cho “hậu phương” để “Bắc cự” và “bàn đạp” cho cuộc Nam tiến mở cõi. Chính vì vậy Tổng trấn Quảng Nam thường là do các Thái tử đảm nhận, có quyền hành rộng rãi, đôi khi độc lập với Thuận Hóa và vì thế dưới mắt nhiều người ngoại quốc đây chính là những ông “vua trẻ” hay “vua con”! Dinh trấn cũng chính là nơi Thuận Hóa (Đàng Trong) thử nghiệm thành công chính sách mở cửa giao lưu với nước ngoài thông qua cảng thị Hội An.

Công việc tiếp theo mà ông thực hiện cho những “toan tính” lâu dài và táo bạo là vào đầu năm 1604, đem huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong của Thuận Hóa nâng lên thành phủ rồi nhập vào dinh Quảng Nam. Điều này rất có ý nghĩa với Quảng Nam sau này. Biên giới của Quảng Nam lùi về phía bắc thêm hơn 30km nữa và Hải Vân chứ không phải là Thu Bồn mới là ranh giới giữa Thuận - Quảng, một ranh giới thực sự vững chắc. Sông Thu Bồn thay vì là ranh giới phía bắc bây giờ đã chảy ở giữa, chia vùng Quảng Nam (hiện nay) thành hai phần tạo thêm sự đa dạng cho vùng đất này với một số khác biệt: phía bắc sông là vùng đất “hiến tặng” (sính lễ cuộc hôn nhân của Công chúa Huyền Trân) có được nhờ nhà Trần; phía nam sông là vùng đất của “chinh phục” (với những thượng tướng bình Chiêm như Phạm Nhữ Dực, Phạm Nhữ Tăng, Lê Tấn Trung…) có được nhờ nhà Hồ. Và không chỉ có thế, giọng nói của người Quảng ở hai phía bờ sông cũng khác nhau: giọng Bắc Quảng Nam (Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang) và giọng Nam Quảng Nam (Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ, Tiên Phước).

*
*             *

Sau này có nhiều năm Tý đánh dấu những mốc quan trọng trong lịch sử Nam tiến  mỡ cõi như: Năm Mậu Tý 1648, vùng đất từ Quảng Nam đến Tuy Hòa được bổ sung một lực lương đông đảo hơn 30 vạn người từ tù binh bắt được của họ Trịnh, làm nhân lực quan trọng để thực hiện “Nam tiến” sau này. Năm Mậu Tý 1708, Mạc Cửu đem đất Hà Tiên dâng cho chúa Nguyễn để tránh sự dòm ngó của người Xiêm. Năm Nhâm Tý 1732 sáp nhập vùng đất Vĩnh Long, Bến Tre vào Đại Việt để bảo vệ người Việt khỏi sự tàn sát của người Chân Lạp. Năm Bính Tý 1756, sáp nhập thêm vùng đất Long An, Tiền Giang do vua Chân Lạp là Nặc Nguyên (Ang Tong) dâng nạp để được chúa Nguyễn giúp đỡ trước đe dọa xâm lăng của người Xiêm và sự tranh giành nội bộ.

Nhưng năm Canh Tý 1600, vẫn là năm đặc biệt nhất. Từ năm này lịch sử Thuận - Quảng đã lật sang một trang mới. Dinh Quảng Nam bắt đầu đảm nhận một vai trò lịch sử cực kỳ quan trọng. Cũng từ đây, chữ Quảng Nam không chỉ là một danh từ riêng (viết hoa) chỉ một địa danh mà đã trở thành một danh từ chung (viết thường) với ý nghĩa thực sự: mở rộng về phương Nam!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có một năm Tý như thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO