Dấu xưa Phô Thị

PHÚ BÌNH 21/06/2020 12:37

Làng Phô Thị xưa thuộc tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, nay là thôn Tú Phương và một phần thôn Tú Cẩm của xã Bình Tú, huyện Thăng Bình. Ở đây hiện còn hai dấu tích văn hóa, lịch sử rất đáng chú ý.

Lăng bà Phô Thị. Ảnh: PHÚ BÌNH
Lăng bà Phô Thị. Ảnh: PHÚ BÌNH

Lăng bà Phô Thị

Từng có nhiều bài viết dựa vào bài báo của ông Lê Duy Anh (ở Đà Nẵng) đăng trên tạp chí Xưa và Nay số tháng 9.2001 kể rằng: bà Phô Thị tên Nguyễn Thị Ngọc Liên, là vợ của tướng Khắc Vũ hầu Lê Thập. Bà đã cùng chồng theo vua Lê Thánh Tông Nam chinh, được giao nhiệm vụ phụ trách quân lương và đã hy sinh khi đánh giặc ở cánh đồng làng Phô Thị. Sau khi mất, bà hiển linh “báo mộng cho vua Lê Thánh Tông, giúp nhà vua đánh thắng giặc”. Bà từng “ra uy dừng chân voi của Tả quân Lê Văn Duyệt khiến ông này phải khấn vái xin cho quân đi và sau đó quay lại trùng tu miếu thờ bà”…

Theo ông Võ Đức Toàn (68 tuổi, người địa phương), làm việc ở Ban quản lý Lăng Bà Phô Thị (xã Bình Tú, huyện Thăng Bình) thì những huyền thoại trên, từ trước ông từng nghe người già trong làng kể lại. Ở làng Trà Long, sát cận làng Phô Thị về phía đông, còn lưu tư liệu có tên “Truy tầm kê biên tư liệu tiểu sử nguồn gốc dòng tộc tiền hiền làng Trà Long”, ghi lại chuyện dựng miếu bà Phô Thị như sau: “Thời cuối Hậu Lê gọi (bà là) Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Liên, đi theo đường hành quân Bắc Nam, trên công lộ (thiên lý lộ - NV) bị đọa thai chết trên địa bộ làng Trà Long giá bộ làng Phô Thị (giá bộ: phần đất giáp ranh, xen lẫn ruộng đất hai làng - NV). Hai làng trách nhiệm phải mai táng, nhưng bà quá linh hiển, hai làng làm một cái miếu tranh để thờ, trích cấp 4 sào ruộng để lo hương khói tế cúng trong năm. Thời Gia Long, ông Lê Văn Duyệt đi dẹp giặc ngang qua, voi cắm ngà (không chịu đi - NV), ông vào vái xin. Khi dẹp giặc xong, ông về bảo hai làng chung làm một sở miếu ngói. Trà Long góp một nửa gồm 10 cây cột mít to hơn; Phô Thị một nửa, 10 cây cột mít nhỏ hơn. Nửa cái miếu phía bắc của Trà Long, trên đầu kèo có khắc chữ “Trà Long xã”. Đến ngày 25 tháng 12 là ngày lập miếu, 2 làng tập trung tế lễ” (trang 15).

Giới thiệu sắc phong tại nhà thờ ông Võ Đăng Xuân. Ảnh: PHÚ BÌNH
Giới thiệu sắc phong tại nhà thờ ông Võ Đăng Xuân. Ảnh: PHÚ BÌNH

Người viết cũng tìm thấy trong bản in chữ Nho sách Đại Nam nhất thống chí hiện lưu tại Thư viện Khoa học xã hội TP.Hồ Chí Minh (ký hiệu HNV-209), tờ/trang 672 nguyên văn đoạn viết có liên quan đến miếu thờ Thai Dương phu nhân (tức miếu bà Phô Thị - NV) ở huyện Thăng Bình như sau: “Thai Dương phu nhân từ: tại Lễ Dương huyện đông, Phô Thị xã, quan lộ chi tả. Lê triều thân phiên Bá Việt chí thử, tặc truy cấp chi. Phu nhân dữ tặc tương cự. Thần, phương hữu nhâm, trụy mã. Tặc tướng cầm chi. Phu nhân tự sát, quan đới y thường ủy khí lộ tả. Tặc khứ, ấp nhân thâu táng chi; cấu cung ư mộ lũng, trí di y thường tự chi. Hạn đảo tức ứng. Lê Chính Hòa thập niên, truy tặng hiển hiệu, cấp quan tiền tu tập tự vũ. Hậu đồi hoại, xã dân cải tu miếu mạo như cố. Lũy trứ linh ứng. Tự tiền sơn thâm thụ lục. Chiêm giả khởi kính” (Tạm dịch: Miếu thờ Thai Dương phu nhân ở phía đông huyện Lễ Dương, xã Phô Thị, bên tả đường cái. Triều Lê, có viên tướng của triều tên là Bá Việt đến chỗ này; giặc đuổi theo rất gấp. Bà (giúp ông ta) đánh nhau với giặc. Lúc ấy, (bà) đang có thai, ngã ngựa, bị tướng giặc bắt. Bà bèn tự sát; y phục, mũ áo vứt bỏ bên tả đường. Khi giặc rút đi, dân trong ấp làm mộ táng bà; giữ y phục áo mũ của bà để thờ tự. (Bà rất linh) gặp hạn hán cầu đảo ắt có mưa. Thời Lê, niên hiệu Chính Hòa thứ mười (1689), triều đình truy tặng danh hiệu để thờ và cấp tiền để trùng tu nơi thờ tự. Về sau, miếu mạo bị hư nát, dân trong xã sửa chữa, tu bổ như cũ. Bà nhiều lần thể hiện sự linh ứng. Trước nơi thờ bà có cây cối xanh tốt, có núi ở xa phía trước. Người đến đây chiêm bái đều dấy lòng kính sợ). Nội dung trên không thấy đưa vào trong bản dịch sách Đại Nam nhất thống chí của Viện Sử học (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1970).

Ông Phó bảng làng Phô Thị

Trong văn bia “Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí” có chi tiết liên quan đến một nhà khoa bảng quê ở làng Phô Thị như sau: “Phó bảng Võ Đăng Xuân (sau đổi tên là Tấn Thượng). Tên ông xếp thứ tám trong hàng đỗ Phó bảng (Khoa thi Hội năm Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 - 1849), làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị giảng, lĩnh chức Hà Nội Án sát sứ, sung chức Tán tương quân thứ Hưng - Tuyên. Năm Tự Đức thứ 25, tháng 5, một ngày đang đánh trận ở Đồng Lũng bị ngã ngựa chết ngoài mặt trận. Triều đình tuy tặng chức Thị độc Học sĩ, được liệt vào thờ tại miếu “Trung Nghĩa”. Ông là người khẳng khái, có khí tiết lạ, thi đỗ xong ở nhà nuôi dưỡng cha mẹ và mở lớp dạy học, học trò và người nhà được nhiều thành tựu. Lúc đầu bổ vào Tập hiền viện, giữ nhiệm vụ ghi chép lại những lời thảo luận, trao đổi giữa nhà vua với các giảng quan trong các buổi học, tiếp đến làm quan khâm phái Tuy Phước, được tiếng khen là “Liêm, Cán, Sát, Cử”. Chuẩn phong thực thụ đồng Tri phủ, rồi lĩnh chức ở huyện, chẳng bao lâu bị giáng chức xuống làm việc phụ thuộc Nội các, giữ nhiệm vụ biên tập các Giám thư trong Nội các. Vừa lúc vùng Cao Bằng - Lạng Sơn có sự biến (bọn giặc phỉ Trung Hoa vốn là quân Thái Bình thiên quốc chạy sang quấy phá vùng biên giới Cao - Lạng) ông thỉnh xin cầm quân ra đóng ở Long Châu, làm bạn với Đề đốc Phùng Tử Tài nhà Thanh, cùng diệt giặc, lập nhiều công lớn, được tiếng khen. Trở về giữ chức Hậu bổ huyện Hương Trà, một năm sau thăng làm Án sát. Là người có phong cách khoáng đạt vượt trội, thường ngày ông vẫn làm chủ nhân cách cao khiết của mình vậy!” (Trích “Bia Văn thánh và một số văn bia Hán Nôm tại huyện Thăng Bình” do UBND huyện Thăng Bình chủ biên và xuất bản năm 2015. Biên dịch: Nguyễn Bằng, Nguyễn Văn Hà, trang 80 - 81)

Tìm đến tổ 16 thôn Tú Phương xã Bình Tú, người viết được hậu duệ là ông Võ Tấn Tâm (79 tuổi) mở cho xem các sắc phong và bằng cấp triều Nguyễn cấp cho ông Võ Đăng Xuân (được ghi tên Võ Tấn Thượng). Qua đó, có thể biết, các chi tiết ghi trong tấm bia “Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí” về ông Võ Đăng Xuân đều phù hợp với các sắc phong và bằng cấp này. Trong số văn bản đó còn có hai đạo sắc triều Nguyễn phong thưởng cho cha và mẹ ông Võ Đăng Xuân là ông Võ Đăng Nghị và bà Hồ Thị Liên.

Theo anh Võ Tấn Duẩn (SN 1964 ở tổ 16 thôn Tú Phương) - một hậu duệ khác, chúng tôi đến mộ ông Võ Đăng Xuân nằm ở tổ 7 thôn Tú Cẩm xã Bình Tú và đọc được ở bia mộ các nội dung sau: Dòng chính: “Hoàng triều - Hiển khảo - Phô, Hưng - Kỷ Dậu khoa Ất Tiến sĩ - Cáo thụ - Phụng Thành đại phu - lĩnh Hà Nội Án sát Sứ ty - Tặng tứ Hàn lâm viện Thị độc Học sĩ - thụy (hai chữ không rõ) - Vũ phủ quân Thần mộ (Lược dịch: Đây là mộ linh của cha tôi, họ Võ - quan triều Nguyễn - người làng Phô Thị, tổng Hưng Thạnh - đỗ Phó bảng (Ất Tiến sĩ) khoa thi năm Kỷ Dậu (1849). Từng giữ chức Án sát sứ Hà Nội. Sau khi mất được sắc phong hàm Phụng Thành đại phu”. Dòng bên tả ghi năm khắc bia “Tự Đức nhị thập bát niên (1875), Thu - thất nguyệt”. Dòng lạc khoản bên hữu ghi tên hai người con là: “Giảng, Gián”.

Đặc biệt, dưới dòng ghi năm tháng khắc bia có ghi thành phần học trò cùng (với gia đình) dựng bia cho thầy học gồm: cử nhân, tú tài, bá hộ, thư lại, thông lại, phó tổng, thí sinh, khóa sinh (chỉ ghi danh vị - không ghi tên cụ thể). Đây là một văn bia rất đặc biệt, nó thể hiện được một cách thức chép văn bia mộ rất cụ thể đối với người đỗ đại khoa, từng làm thầy rồi làm quan ở thời xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu xưa Phô Thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO