Dấu xưa ven đầm An Thái - Chiên Đàn

PHÚ BÌNH 28/02/2021 06:13

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Đầm Chiên Đàn ở xã An Thái, huyện Hà Đông, có tên nữa là đầm An Thái, một thửa liên tiếp cả ba man và ba giáp”. Đến nay, vụng đầm ấy có tên thường gọi là đầm Bãi Sậy - giáp giới các xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú thuộc TP.Tam Kỳ.

Đình làng Vĩnh Bình - xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ. Ảnh: PHÚ BÌNH
Đình làng Vĩnh Bình - xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ. Ảnh: PHÚ BÌNH

Sách Phủ biên tạp lục (1776) ghi số thuế phải nạp hàng năm của đầm này là “67 quan 4 tiền 30 đồng”. Xã An Thái, hồi đầu triều Nguyễn, thuộc tổng An Thái Trung, bao gồm vùng đất chung quanh đầm Chiên Đàn; vì thế, đầm này còn có tên nữa là đầm An Thái. Chưa rõ “ba man và ba giáp” “liên tiếp một thửa” ở ngôi đầm này là đâu? Nhưng, lần theo một số dấu tích còn lại ở một số làng xã nằm chung quanh, có thể biết được nhiều điều.

Vĩnh Bình và đình làng

Thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) nằm ven bờ tây và tây bắc đầm Bãi Sậy (An Thái - Chiên Đàn). Trên bản đồ phủ Tam Kỳ của người Pháp lập năm 1938, thôn này có tên là Vĩnh Phước. Trong sách Đồng Khánh địa dư chí, Vĩnh Phước được ghi là một phường thuộc tổng Hưng Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương. Bản đồ huyện Lễ Dương có trong sách đó cũng cho thấy rất rõ ràng Vĩnh Phước nằm ở bờ tây bắc đầm An Thái.

Địa bạ lập thời Gia Long - Minh Mệnh (1805 - 1836) ghi nhận Vĩnh Phước là một phường thuộc tổng Hưng Thịnh Hạ của huyện Lễ Dương với tứ cận đông, tây, nam, bắc đều giáp xã An Thái (tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương). Phường này vào thời Gia Long không có ruộng trồng lúa (công tư điền) mà chỉ có đất gò (thổ phụ), đất hoang (hoang nhàn), trong đó thần từ (cơ sở thờ tự) và nơi chôn cất (mộ địa) chiếm tới 2/3 diện tích của phường (theo Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Dinh Quảng Nam II, NXB Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tháng 1.2010, tr.292). Dựa vào việc không có ruộng, có thể suy đoán, cư dân phường Vĩnh Phước hồi đầu thế kỷ 19 hành nghề đánh cá hoặc dệt chiếu dựa trên sản phẩm ở đầm An Thái/Chiên Đàn; địa hiệu “phường” - chỉ địa phương có hoạt động nghề nghiệp khác nghề nông cho thấy điều đó.

Ở Vĩnh Bình hiện còn dấu tích ngôi đình làng với các cấu kiện gỗ có khắc họ tên một số cá nhân đóng góp vật liệu xây dựng đình. Hiện còn nhận dạng được một số tên người như Nguyễn Kính, Lê Lai, Nguyễn Chiếu, Lê Thạnh, Phạm Càn, Nguyễn Kết, Nguyễn Ký. Trên xuyên chính giữa ghi: “Lý trưởng Xuân”, cạnh đó có ghi tên một ông họ Mai (tên bị mờ). Ngoài ra, còn khoảng 6 - 7 cấu kiện không có tên, có thể bị mất dấu trong quá trình bào sửa hoặc bị thay mới trong các đợt trùng tu.

Tân An và di tích cây thị

Thôn Thăng Tân (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) là tên mới đặt khi sáp nhập thôn; trước đó thôn này tên Tân An. Bản đồ năm 1938 của người Pháp ghi rõ vị trí Tân An với tứ cận: bắc giáp làng Kim Đới/ tây giáp làng Vĩnh Phước/ nam giáp đầm An Thái và làng Ngọc Mỹ/ đông giáp làng Quý Thượng. Trong sách Đồng Khánh địa dư chí (1886, 1887), Tân An được ghi nhận là một phường thuộc tổng Hưng Thịnh Hạ của huyện Lễ Dương.

Trong địa bạ lập thời Gia Long - Minh Mệnh, Tân An cũng được ghi nhận là một phường thuộc tổng Hưng Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương với tứ cận được ghi như sau: “Đông giáp xã An Thái (tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương) lập cột đá làm giới/ tây và bắc giáp xã An Thái, lấy bờ ruộng làm giới/ nam giáp xã An Thái, lập cột đá làm giới” (Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, sđd, tr. 288). Địa bạ này cũng cho biết toàn diện tích của phường Tân An gồm 90 mẫu chia ra như sau: “Thần từ 1 mẫu 5 sào/ Mộ địa 3 mẫu/ Thổ phụ 15 mẫu 5 sào/ Còn lại là 70 mẫu hoang nhàn”. Qua đó, có thể biết dân cư Tân An lúc bấy giờ không có ruộng tư. Không có ruộng, lại ở ven đầm và địa hiệu là một phường (nghề), như vậy Tân An chỉ có thể là một phường quy tụ dân cư làm nghề chài lưới hoặc dệt chiếu dựa trên các sản phẩm của đầm An Thái như phường Vĩnh Phước đã nói trên.

Ở Thăng Tân (Tân An) hiện nay, còn dấu tích nền đình và một cây thị cổ thụ sừng sững bên dấu tích ấy. Ở nam Quảng Nam, chưa gặp cây thị cổ thụ sum sê nào như “di tích cây thị Tân An” này.

Ngọc Mỹ và tư liệu thủy binh họ Trương

Ngọc Mỹ là tên một xã được ghi trong bản đồ năm 1938 của người Pháp. Trên hình vẽ của bản đồ, xã này nằm ở phía đông và đông nam đầm An Thái -  Chiên Đàn: bắc giáp các xã Tân An và Kim Đới, đông giáp thôn Lộc Ngọc, nam giáp xã Quảng Phú, phía tây giáp đầm An Thái/Chiên Đàn. Đối chiếu tứ cận nói trên với thực địa hiện nay thì xã Ngọc Mỹ nói trên chính là toàn bộ thôn Ngọc Mỹ xã Tam Phú và khối phố Ngọc Nam phường An Phú, TP.Tam Kỳ.

Trong Đồng Khánh địa dư chí, xã Ngọc Mỹ có tên là xã Ngọc Sơn thuộc tổng Ngọc Sơn, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình. Qua đó, có thể thấy, đến gần cuối thế kỷ 19, việc chia địa giới hành chính vùng quanh đầm An Thái có khác với hồi đầu thế kỷ 20, khi phủ Tam Kỳ được thành lập từ năm 1906. Chưa rõ vì sao có cách chia địa giới xen kẽ như trên giữa các huyện Hà Đông, Lễ Dương và Quế Sơn như các tư liệu đã ghi?

Trong địa bạ Gia Long, xã Ngọc Sơn thuộc địa bàn của “thuộc Liêm Hộ, huyện Hà Đông” với tứ cận không thay đổi so với xã Ngọc Mỹ sau này (theo Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, sđd, tr.200, 201). Như vậy, địa giới xã Ngọc Mỹ không thay đổi từ hồi đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 và khi thì lệ vào thuộc Liêm Hộ của huyện Hà Đông (đầu thế kỷ 19), khi thì lệ vào tổng Ngọc Sơn, huyện Quế Sơn (cuối thế kỷ 19) rồi thuộc tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nửa đầu thế kỷ 20).

Tộc Trương ở thôn Ngọc Mỹ xưa có ba người bà con là các ông Trương Văn Sương, Trương Văn Hay và Trương Văn Tri từng tham gia thủy binh triều Nguyễn và đều giữ vị trí chỉ huy. Bằng sắc cấp cho ba ông được hậu duệ gia tộc này còn giữ nguyên vẹn.

Ông Trương Văn Sương phục vụ trong Cơ Hậu Thủy- Thủy Quân (chưa rõ nhiệm vụ và địa bàn của đơn vị này - NV), giữ chức Ngũ trưởng năm Gia Long thứ 6 - 1807, được thăng chức Đội trưởng rồi Chánh đội trưởng tước Kiểm Tài Hầu năm 1816; đến năm 1826 thăng chức “Cai Đội Tòng Quân (tước) Kiểm Tài Hầu” và được cho về hưu ngày 13 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 7 - 1826 vì “tuổi cao, sức khỏe suy nhược”.

Ông Trương Văn Hay giữ chức Ngũ trưởng năm Tự Đức thứ 14 - 1861. Hai năm sau thăng lên Đội trưởng phụ trách Đội số 2 thuộc Vệ Quảng Nam Tả Thủy.

Ông Trương Văn Tri giữ chức Đội trưởng vào năm Tự Đức thứ 24 - 1871 được thăng lên Suất Đội Trưởng vào năm 1872. Đến năm Tự Đức thứ 29 - 1876 được thăng lên làm Chánh Đội trưởng Suất Đội. Trước sau, ông này đều phục vụ ở Vệ Tả Thủy canh phòng miền biển Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu xưa ven đầm An Thái - Chiên Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO