Đi tìm sự hình thành bản sắc văn hóa Quảng Nam?

HỒ TRUNG TÚ 16/02/2020 06:47

Trong tâm thức nhiều người, Quảng Nam thuở xưa là một vùng đất không người ở, mờ nhạt trên mặt đất là những con đường mòn cũ, ai đó đã đi qua và tạo nên họ cũng không buồn bận tâm. Trên con đường ấy thỉnh thoảng có vài lưỡi cuốc, lưỡi cày, vài từ ngữ rơi vãi được người Việt đến nhặt lên và sử dụng. Và họ gọi đó là tiếp thu văn hóa của người đã ở đây trước kia và đã chạy đi khi người Việt đến!

Lịch sử 500 năm của Quảng Nam có thể là lịch sử của hai cộng đồng người sống cạnh nhau.
Lịch sử 500 năm của Quảng Nam có thể là lịch sử của hai cộng đồng người sống cạnh nhau.

1. Rõ ràng mô hình này không giải thích được các di sản vật thể và cả không vật thể mà người Chăm đã để lại. Ai ai cũng bảo tộc ta là người Bắc vào, đã truy tìm được bản quán… Thế nhưng khi đặt câu hỏi nếu bạn là người Việt vào thì tại sao bạn không nói giọng Bắc, tại sao các mẹ hát ru con bằng những làn điệu không có ở ngoài kia, tại sao các làn điệu dân ca cũng vậy? Tại sao con thuyền khác với con thuyền bên kia đèo Hải Vân đến vậy, và các tập tục lễ hội nữa? Tại sao người Việt vào đây lại sáng tạo khác xa với bản quán vậy?

Chỉ có thể có một câu trả lời là người Chàm ở lại rất nhiều, họ giữ nguyên bản sắc văn hóa của họ và chỉ dần dần mất đi ngôn ngữ rồi biến thành người Việt khi mang một họ Việt nào đó mà các quan lại bắt họ chọn.

Có nghĩa rằng là người Quảng Nam phần lớn là người Chàm, họ nói tiếng Việt bằng giọng Chàm ra giọng Quảng hiện nay. Tính cách bản sắc của họ phản ánh chính sự biến đổi từ Việt sang Chàm đó. Chỉ tiếc là, vì nhiều lý do họ đã cố công phủ định cái gốc gác đó của mình và cứ tự nhận mình là người Việt từ Bắc vào mà không hay rằng đang tự làm nghèo mình đi và ở một mức độ nào đó là có lỗi với ông bà tổ tiên mà không biết!

2. Ở một cách nói khác, lịch sử 500 năm trên đất Quảng Nam (từ 1306 ngày hình thành đất Quảng Nam vào Đại Việt đến 1802 ngày đất này ổn định và không bị biến đổi nữa) là lịch sử của hai cộng đồng người sống cạnh nhau. Họ đã từng có lúc âm mưu triệt tiêu nhau, nhưng cũng có lúc choàng vai nhau mà đi, giúp nhau từng bát cơm, hạt muối lúc gian nan, lúc binh đao cũng như lúc bão lũ; lúc thì người này che giấu người kia nhưng cũng có lúc người kia chịu hiểm nguy để đứng lên bảo vệ người này khỏi những cuộc truy sát. “Tội đồ của ta chúng hết thảy bao dung” (Chiếu bình Chiêm), nhưng con trai của Chế Bồng Nga cũng sẵn sàng hy sinh cho Đại Việt khi các tướng Đại Việt đã bỏ chạy cả!

Họ đã từng cãi nhau rằng tau mới là văn minh còn mi là mọi rợ! Nhưng họ cũng đã từng gả con cái cho nhau, từng ngồi mâm cơm sui, từng chung một đội nhạc đưa linh, từng cùng nhau giữ gìn bờ cõi chống kẻ thù chung; hết lớp cha đến lớp con. 500 năm ít nhất là 20 đời. Những đứa trẻ đã chơi cùng nhau trên cùng cánh đồng, bơi bên nhau trên cùng dòng sông, thả trâu trên cùng một vạt cỏ làng; cùng chơi chung nhưng cũng cùng đánh nhau, cùng bảo “tau đi đường ni có bông có hoa, mi đi đường nớ có ma đứng đàng”... Điều lý thú là suốt 20 thế hệ như vậy nhưng nếp nhà ai thì nhà nấy giữ; khác nhau mà không phủ định nhau, mỗi người một vẻ đẹp, nếu có hơn có kém thì một đã mất đi trong vài thế hệ chứ sao kéo dài được 500 năm không mai một?

Thật khó mà nói được chúng ta đây, là hậu duệ của ai trong hai người này? Tôi e rằng chúng ta sẽ thất vọng nhiều nếu ngày nào đó làm ADN người Quảng Nam và nhận ra chúng ta chẳng liên quan gì đến gốc gác nào phía bên kia đèo Hải Vân cả. Thế nhưng ở đây vấn đề không phải là bộ gene, không phải là chuyện nhân chủng mà vấn đề chính là văn hóa. Ứng xử và tâm hồn của chúng ta nghiêng nhiều về người nào mới là điều quan trọng. 

Sự thật này là khắc nghiệt nhưng cần phải nhìn thẳng vào nó và nói lên bằng những lời rõ ràng nhất! Sự tự hào về nền văn hóa Việt không ngăn cản ta tự hào với bất cứ gốc gác nào đã góp phần tạo nên sự tự hào đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi tìm sự hình thành bản sắc văn hóa Quảng Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO