Học Hoàng - tác phẩm và giai thoại

PHÚ BÌNH 27/12/2019 13:12

Vùng Hà Đông - Tam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20 có nhiều Nho sĩ hay chữ. Trong số đó có ông Trương Trọng Hoàng được dân gian vùng này nhắc đến nhiều qua mấy tác phẩm và giai thoại còn truyền.

Đình của ấp Lạc Thiện - quê của Học Hoàng. Ảnh: PHÚ BÌNH
Đình của ấp Lạc Thiện - quê của Học Hoàng. Ảnh: PHÚ BÌNH

Tiểu sử qua hồi ức của dân gian

Ông Trương Trọng Hoàng - tại thế hồi cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, quê ở ấp Lạc Thiện, xã/làng Hòa Mỹ Tây, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Thuận An, xã Tam An, huyện Phú Ninh). Ông học giỏi, được phủ rồi tỉnh chọn đưa vào ngạch “học sinh”, vì thế, dân gian gọi là Học Hoàng. Tuy hay chữ nhưng Học Hoàng lại kém duyên thi cử. Sau mấy lần lận đận khoa cử, Học Hoàng về quê, làm thầy đồ ở làng. Sức học của ông rất được coi trọng. Chuyện Học Hoàng “cho chữ” được kể lại qua nhiều giai thoại thú vị.

Tri phủ Tam Kỳ lúc ấy là Lê Trung Khoản, người Quảng Ngãi. Ông tri phủ này là người đức độ được thực dân Pháp và chính quyền Nam triều cử về trị nhậm ở phủ Tam Kỳ để yên lòng dân sau cuộc biểu tình “cự sưu - kháng thuế” của dân bảy tổng vào năm 1908. Sau khi viên tri phủ này đổi sang nhiệm sở khác, để thể hiện sự mến mộ, Học Hoàng làm một bài phú đưa tiễn. Bài phú này lồng tên 118 làng xã ở khắp phủ Tam Kỳ vào các câu biền ngẫu mang nội dung thể hiện sự tín nhiệm và nhớ tiếc đối với một vị quan tuy làm việc cho chính quyền thực dân và tay sai đối lập với dân nhưng ít nhiều cũng thể hiện được đạo đức lương tâm của một kẻ sĩ ở chốn quan trường.

Thời kỳ ông Phạm Quỳnh làm Thượng thư Bộ Học (Giáo dục), giới Nho sĩ ở Trung bộ phản đối cách đề cao Truyện Kiều một cách quá đáng và có mưu đồ của ông thượng thư này bằng phong trào đả kích Truyện Kiều, trong đó nổi tiếng nhất là bài “Chánh học cùng tà thuyết” của cụ Ngô Đức Kế và mấy bài thơ “Vịnh Kiều” của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Vào dịp đó, Học Hoàng cũng viết bài “Án Kiều” (Kết tội Thúy Kiều) được truyền tụng, đến nay, nhiều bậc cao niên vẫn còn nhớ nguyên văn.

Tác phẩm

Hai bài văn, một bằng chữ Nho theo thể phú, một bằng chữ Nôm theo lối hát nói biến thể đã đề cập ở trên là hai tác phẩm hoàn chỉnh của Học Hoàng còn truyền. Qua hai tác phẩm này, người đọc đời sau ít nhiều có thể hình dung được phong cách sáng tác của giới Nho sĩ vùng Hà Đông - Tam Kỳ hồi ấy.

Bài phú “Tam Kỳ phủ bách thập bát xã phú” (Bài phú về 118 xã thuộc phủ Tam Kỳ) dùng các địa danh làng xã tại địa phương để hình thành các cặp câu biền ngẫu. Tuy gắn các địa danh gần liền kề nhau nhưng câu văn vẫn có nghĩa hoàn chỉnh.

Xin đơn cử một đoạn để thấy tài sắp xếp khéo léo của tác giả: “Công ký Tài Đa; Công hựu Phú Mỹ/ Phẩm cách Long Bình; học vấn Sung Mỹ/ Lam Điền, Tích Phước, chủng Quế Phương nhi bản, chiếm Xuân Vinh/ Thạnh Mỹ, Trường An, danh Phước Lộc nhi phong, gia Vinh Quý...”. Tạm diễn nghĩa bóng như sau: “Ông đã nhiều tài, lại giàu nết đẹp. Ông rất công bình, lại giàu chữ nghĩa. Ông thúc đẩy sự học nên địa phương trị nhậm có nhiều người đỗ đạt; ông mang lại sự hưng thịnh, tốt đẹp, yên ổn lâu dài cho làng xã. Vì thế ông được dân chúng mến mộ, quý trọng”. Người đọc gặp trong đoạn văn này nhiều tên làng xã xưa (viết hoa) ở phạm vi các vùng Tiên Phước, Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành bây giờ.

Bài “Án Kiều” gồm 48 câu chia làm hai phần. Phần đầu vừa tóm tắt các nét chính trong cuộc đời Thúy Kiều vừa đặt ra các câu hỏi “Sao Kiều không ứng xử thế này mà lại làm thế kia?” với giọng điệu hết sức gay gắt. Ví dụ: Khi đặt vấn đề là Kiều nên báo tin cho Kim Trọng trước khi bán mình chuộc cha, Học Hoàng viết: “Vì ai khiến nên xui ra rứa?/ Đờn cũng hay, thơ cũng giỏi/ Nào nữ công, nữ dung nữ hạnh/ Phẩm giá này đâu phải đứa phất phơ?/ Lời thề Kim Lang sao không đem dạ đợi chờ?/ Dương Xuân đó có xa chi là mấy?/ Đi không tới thì gởi tờ gởi giấy/ Sao vắng tin chim, chìm tin cá?”. Rồi Học Hoàng kết luận: (Nếu Kiều làm như vậy thì) “Chung thủy này nào có tiếng chi/ Bỗng liều mình ngọc lại bán đi/ Thà thế tử thục hình cho thân phụ/ Trước có tình cùng bạn cũ/ Sau đền công dưỡng nhũ ơn sâu”.

Phần sau, Học Hoàng kết án càng gay gắt hơn: “Ai gọi Kiều là đứa khôn ngoan/ Đây ta gọi nó là con đa đoan thiên cổ/ Phải chi ta được làm Thượng thư Bộ Lại/ Bắt Kiều về chạm chữ cả châu thân/ Khoét mũi tai rao khắp thôn dân/ Cho thiên hạ mọi người đều biết mặt”. Đến kết bài, khi đọc câu: “Tội ô danh chất kể mấy tàu/ Đừng đem quốc sắc làm màu khoe khoang” thì người đọc đều biết rõ là Học Hoàng mượn chuyện kết án cô Kiều để luận cái “tội ô danh” của Phạm Quỳnh theo cái cách mà các ông Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng từng làm với vị thượng thư này trước đó.

Giai thoại

Có bốn giai thoại được dân gian vùng Tam Kỳ đặt tên “Thiên lý nhân lương”, “Đồng mỹ”, “Vật xưởng xiêu” và “Cự phong” kể về việc Học Hoàng “cho chữ” rất thú vị. Xin nêu một chuyện làm ví dụ:

Ở phủ Tam Kỳ xưa có một tay Việt gian ngầm làm việc đắc lực cho Pháp. Tay này không giữ chức vị gì nhưng lý hương ai cũng kiêng dè và tìm cách xuê xoa để y không tâu với quan trên những điều bất lợi. Một lần, nhà cụ Cử Trịnh (tức cử nhân Trịnh Luyện - anh em cột chèo với Học Hoàng - làm quan Huấn đạo của phủ Tam Kỳ) có đám giỗ. Cụ Cử mời Học Hoàng đến dự. Cụ Học từ chối, thưa: “Học vấn tui dưới hạng tú tài, đâu dám ngồi với mấy ông tú, ông cử là khách của anh”. Biết chú em rể nói kháy, ông Luyện cười: “Chú nói thế chứ tài văn chương của chú ở đây ai không biết! Mời chú vào dự, chúng tôi có việc cần nhờ!”. Cụ Học vào nhà cụ Luyện ở Chợ Vạn - Tam Kỳ,  giữa bữa giỗ thấy khách khứa bàn nhau chuyện làm tấm hoành phi đi mừng nhà mới tay Việt gian (đã nói trên). Ai cũng đồng lòng nhờ cụ Học Hoàng nghĩ cho mấy chữ. Cụ Học bảo: “Chữ viết cho hoành phi thì phải ít, mà tính tui thì viết càng ít càng tốt. Nay quý ông phó thác, tôi xin ghi hai chữ “cự phong”. Quý ông nghĩ sao?”. Nghĩ sao nữa! “Phong” nghĩa là nề nếp gia phong; “Cự” nghĩa là lớn lao, được nhiều người tôn xưng. Cả tiệc giỗ đều đồng lòng chọn câu “Gia phong cao cả” mà cụ Học đề nghị.

Được tặng tấm biển “Cự Phong”, chủ nhân đắc ý cho treo ngay giữa gian nhà mới. Sau đó có người đến xem và bảo: “Ông bị chơi xỏ rồi!” và sau khi được giải thích “phong” còn có nghĩa là “gió”, “cự” còn có nghĩa là “chống”; chủ nhà tím mặt bởi hiểu ngay “gió chống” là “giống chó” - hiểu người ta chửi y là “cái giống làm chó săn” cho thực dân. Tấm trướng được lệnh hạ xuống tức khắc!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học Hoàng - tác phẩm và giai thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO