Ký ức trường làng

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 13/09/2020 06:26

Mỗi năm, cứ vào mùa khai trường, tôi thường nhớ lại những kỷ niệm về ngôi trường làng và hình ảnh những thầy cô giáo cũ. Những bài học đầu đời và tấm lòng những người thầy ấy luôn sâu đậm…

Trường Tiểu học Thanh Quýt sau năm 1975.
Trường Tiểu học Thanh Quýt sau năm 1975.

1. Ở nông thôn chúng tôi thường đến trường khá trễ, có khi  7 hoặc 9 tuổi mới vào học lớp Năm (tức lớp 1 bây giờ). Năm 1959, lúc hơn 7 tuổi tôi đi thi và đậu vào trường tiểu học công lập của làng…

Từ nhà đến trường tiểu học làng Thanh Quýt (Điện Thắng, Điện Bàn), chúng tôi phải đi bộ gần 2 cây số, qua một khu nghĩa địa gọi là Gò Tử và một cánh đồng  Rộc. Sau đó lại đi ngang qua ngôi đình làng và đi hết xóm Chay mới tới trường. Trường có sáu phòng và cái sân rất rộng với những hàng phượng vĩ đang tuổi thanh xuân. Phải dành hai phòng làm thư khố và chỗ họp của giáo viên nên học sinh 8 lớp phải chia nhau học hai buổi trong những phòng học còn lại. Ngôi trường xây dựng từ năm 1958, tọa lạc trên nền đất cũ của khu Văn thánh xưa, gần quốc lộ 1.

Thầy cô dạy tiểu học ở Thanh Quýt cũng như các làng khác thường có quê quán ở mọi nơi, có người nói giọng Bắc, giọng Sài Gòn, giọng Huế. Họ được đào tạo ở các trường sư phạm và được điều đi dạy ở mọi nơi theo một nhiệm kỳ nhất định (nên chẳng có chuyện chạy chọt, hối lộ để xin về thành phố như ngày nay).

Nhưng đáng nhớ là họ đã dạy cho chúng tôi những bài học công dân giáo dục đầu đời rất hữu ích sau này, họ giảng những bài văn hay trong Quốc văn giáo khoa thư và hướng dẫn chúng tôi đọc nhiều chuyện cổ tích trong các bộ “sách hồng” hay các sách viết về lịch sử, lòng yêu nước, nhiều bài văn hay của những tác giả Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Hà Mai Anh và nhóm Tự Lực văn đoàn...

Những buổi chiều thứ Bảy, học sinh lại tham gia các buổi “sinh hoạt hiệu đoàn” rất bổ ích như học cách cắm trại, những bài hát tập thể, các điệu múa hát tập thể rất sinh động. Cô giáo Hoàng Thị Minh nói giọng Bắc sống ở Sài Gòn là người đã dạy chúng tôi những môn học đó. Cô ra ở hẳn làng tôi, thuê nhà ở gần trường để dạy học, đến nghỉ hè mới về quê, nên ai cũng coi cô như người làng thân thiết…

2. Lần đầu tiên đến trường cũng là lần đầu trong đời tôi được mặc bộ đồng phục mới: chiếc áo sơ mi ngắn tay bằng vải phin màu nâu và chiếc quần sọt (short) kaki màu xanh nước biển. Áo bỏ vô quần nhưng có đứa vẫn đến trường bằng đôi chân không, thắt lưng có khi chỉ là đoạn... dây chuối!

Ít đứa có được chiếc cặp bỏ sách vở. Có được cái bao ni lông bỏ sách vở cũng đã quý lắm. Chúng tôi cứ dựa theo thời khóa biểu, hôm nào có môn gì thì mang theo loại vở ghi chép môn đó và vài cuốn sách giáo khoa được mượn từ thư khố.

Sách giáo khoa nhà trường cho mượn nên được giữ gìn khá kỹ lưỡng, không bôi xóa, không để rách bìa. Cuối năm trả lại thư khố để các bạn lớp sau dùng tiếp. Không cặp, không bao vở nên có hôm đùa nghịch sách vở rơi tứ tung trên đường đến lớp. Mỗi đứa phải tự cầm theo lọ mực bằng nhựa, cây thước gỗ và quản bút lá tre (hồi đó học trò không được viết bút bi để luyện nét chữ đẹp). Sách vở vì vậy dính đầy mực và uốn quăn các góc giấy là chuyện thường...

Mỗi năm học trò thi hai kỳ “lục cá nguyệt” và sau mỗi kỳ thi hoặc kết thúc năm học thường phải mang cuốn sổ ghi điểm, gọi là “thông tin bạ” về nhà với lời phê của thầy cô cho cha mẹ xem kết quả học tập, hạnh kiểm của con em. Xong phải nộp lại.

Cũng như học trò ngày nay, những đứa học kém cũng có cách nhờ người khác hoặc tự mình giả chữ ký vì sợ cha mẹ cho ăn đòn, nhưng thường bị các thầy cô phát hiện và không thoát khỏi đòn roi. Những đứa học khá không đến nổi như vậy. Nhưng tôi đã gặp một tai họa khác vào cuối năm lớp ba vì để mất cuốn “thông tin bạ” đó sau một trận kịch chiến với đám chăn trâu và tranh nhau hái quả trâm trên đường từ trường về nhà.

Thầy Phan Vỹ dạy tôi năm lớp Ba đã có thể quyết định phạt không cho lên lớp Nhì hoặc đuổi học tôi vì tai nạn này. Nhưng  sau đó ông đã “ân xá” do cha tôi đến trường cam đoan sẽ dạy dỗ con. Thầy Vỹ xét học lực và sự thành khẩn, cam kết của phụ huynh đã xin thầy hiệu trưởng làm lại “thông tin bạ”, nhưng ông đã mắng tôi một trận nên thân.

Thầy giáo Phan Vỹ có lẽ là người thầy lớn tuổi nhất trong những thầy cô ở trường tiểu học chúng tôi lúc đó. Ông lại là người ở làng Thôn Đông (gọi tắt của thôn Phong Lục Đông ngày nay) bên kia sông. Ông đến trường trên một chiếc xe đạp sườn ngang và khi trở về, đặt chiếc cặp trên bàn xong phải tất tả thay quần áo đi làm ruộng như một nông dân chính hiệu. Nhưng chính nhờ ông ở gần làng nên những dịp lễ tết, lũ học trò chúng tôi thường rủ nhau đến thăm thầy tận nhà.

Quà tết tặng thầy cô lúc đó cũng chỉ là những món quà quê như con gà, vài ký nếp xin của cha mẹ. Nhưng có năm, một anh bạn học nghĩ ra “chiêu đẹp” là tặng cho thầy một cành mai. Và anh ta đã rủ thêm vài người bạn đi cưa trộm một cành mai trong làng để mang đến nhà thầy!

Thầy Vỹ có đôi mắt tinh tường. Chỉ nhìn vào dáng vẻ bất an của đám trẻ lúc mang cành mai vào, ông đã sinh nghi và gạn hỏi đến nơi. Khi biết được nguồn gốc cành mai do ăn trộm, ông đã ôn tồn khuyên bảo và giải thích: “Cái gì của mình làm ra thì mới quý. Cái gì của người mà mình lấy và coi như của mình là hành vi ăn trộm, không tốt và không được làm! Các em hãy mang cành mai này về trả lại…”.

Cuốn thông tín bạ và chuyện cành mai ngày tết là hai câu chuyện khiến tôi không bao giờ quên được thầy Phan Vỹ. Ông đã dạy cho tôi những bài học đầu đời về ý nghĩa của mối quan hệ nhà trường và phụ huynh, và về sự trung thực…

3. Sau trận lụt năm Giáp Thìn 1964, chúng tôi học học bậc tiểu học thì cũng là lúc chiến tranh ập đến. Tôi theo gia đình tản cư ra thành phố. Nhiều bạn học lớn tuổi ở lại làng, người theo du kích, có bạn ra phố bị bắt đi quân dịch. Trong lứa học sinh chúng tôi ngày ấy ở làng, chỉ độ trên dưới mười người có điều kiện học tiếp đến bậc đại học…

Trong những năm chiến tranh, các thầy cô giáo cũ hết nhiệm kỳ cũng chuyển đi dạy nơi khác. Thầy Vỹ cùng gia đình tản cư ra Đà Nẵng và tiếp tục đi dạy một thời gian trước khi nghỉ hưu. Sau này tôi nhiều lần tìm đến thăm thầy trong con hẻm nhỏ gần ga xe lửa. Thầy vẫn sống đạm bạc với con trai cũng làm nghề giáo. Về sau thầy dọn về một căn hộ tập thể gần trường con mình dạy. Thầy Vỹ nay không còn nữa, các thầy cô giáo khác tuy không còn gặp lại, nhưng những bài học đầu đời về lòng trung thực và sự biết ơn luôn được các thế hệ học trò chúng tôi ghi nhớ…

Ngôi trường Tiểu học Thanh Quýt đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Một ngôi trường làng và tấm lòng của những thầy cô một thuở đã hun đúc cho các thế hệ học trò ở nông thôn chúng tôi một hành trang cần thiết để vào đời.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức trường làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO