Làng Quảng Phú xưa

PHÚ BÌNH 26/04/2020 09:16

Làng Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình được ghi trong Địa bạ Gia Long là một làng có diện tích hạng vừa trong số 937 đơn vị xã/thôn/phường của tỉnh Quảng Nam hồi đầu thời Nguyễn. Đến đầu thế kỷ 20, làng/xã này thuộc tổng Phú Quý, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ. Hiện có thể tìm thấy nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa, nghề nghiệp đáng chú ý ở ngôi làng xưa này.

Một đoạn sông chảy qua làng Quảng Phú. Ảnh: PHÚ BÌNH
Một đoạn sông chảy qua làng Quảng Phú. Ảnh: PHÚ BÌNH

Núi Cấm và nghề chặt đá ong

Ông Trần Minh Thưởng (83 tuổi, ở thôn Phú Bình, xã Tam Phú, Tam Kỳ) cho biết: “Xã Quảng Phú có bốn đồi đất đỏ được gọi tên núi Cấm, núi Một, núi Ba Ty và núi Chùa, trong đó núi Cấm lớn nhất” và hồi nhỏ ông đã từng nghe kể có bảng cấm không cho xâm phạm cây cối trên núi này.

Bản chữ Nho sách Đại Nam nhất thống chí (hiện lưu ở Thư viện Khoa học xã hội TP.Hồ Chí Minh, số lưu trữ HNV-209, trang 648) mô tả núi Cấm như sau: “Tại huyện đông nam; sơn mạch tòng An Hà sơn nhi lai, liên khởi lục phong quảng ngũ lý hứa. Quảng Phú xã nhân biểu trung nhất phong vi lâm cấm; thụ mộc tùng mậu” (Nằm về phía đông nam huyện Hà Đông; mạch núi chạy từ núi An Hà đến, gồm sáu ngọn liền một dãy dài quãng hơn 5 lý. Người dân xã Quảng Phú dựng biểu/bảng “rừng cấm” nơi ngọn núi chính giữa. Cây cối ở đây rất tươi tốt, rậm rạp).

Theo ông Nguyễn Phước Khiêm (72 tuổi, ở khối phố An Hà Nam, phường An Phú, Tam Kỳ), từ xưa, cư dân Quảng Phú đã tiến hành khai thác các vỉa đá ong quanh chân núi Cấm để phục vụ việc xây dựng khắp Nam Quảng Nam, có khi bán ra tới Hội An. Nghề “chặt đá ong” đã thành nghề chính của một bộ phận cư dân trong làng. Đá ong Quảng Phú nổi tiếng vì độ cứng bền và màu sắc đặc biệt.

Di tích miếu Ông làng Quảng Phú. Ảnh: PHÚ BÌNH
Di tích miếu Ông làng Quảng Phú. Ảnh: PHÚ BÌNH

Sông Quảng Phú và nghề cào hến

Tên nhánh sông này được định danh như trên bởi nó ôm suốt chiều dài của làng Quảng Phú - tính từ khúc sông Mỹ Cang phía tây bắc (phân nhánh) đổ vào đầm An Hà (nay thuộc xã Tam Thăng, Tam Kỳ) chảy đến đoạn phân làm hai nhánh (ở Cồn Mui, nay thuộc xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) trước khi xuôi về cửa An Hòa.

Bản sách chữ Nho đã dẫn ghi về quãng sông này như sau: “Tại Lễ Dương huyện đông. Nguyên tòng Ngọc Sơn - Bàu Bàng nam lưu… Hà Lam, Ngọc Phô, Kế Xuyên, Cẩm Lũ, Trà Long, Tiên Kiều chư khê nhập chi. Kinh Ngọc Sơn, An Thái, Thạch Tân đẳng xã ngũ thập lý; chí Mỹ Cang thôn vi Mỹ Cang giang, An Thái trạch nhập chi; lịch An Hà, Quảng Phú nhị xã dữ Tam Kỳ giang hiệp đông vãng Đại Áp hải khẩu” (tờ 659). Dịch nghĩa: Ở phía đông huyện Lễ Dương; bắt nguồn từ Bàu Bàng - Ngọc Sơn chảy về nam… Sông này nhận nước từ các khe suối Hà Lam, Ngọc Phô, Kế Xuyên, Cẩm Lũ, Trà Long và Tiên Kiều (cầu Cánh Tiên - NV). Dòng chảy dài 50 lý qua các xã Ngọc Sơn, An Thái, Thạch Tân. Đến thôn Mỹ Cang, gọi là sông Mỹ Cang, nơi nước đầm An Thái nhập vào. Sau khi chảy qua hai xã An Hà và Quảng Phú, đã hợp cùng sông Tam Kỳ chảy về đông đến cửa Đại Áp.

Suốt chiều dài sông Quảng Phú xưa, đâu đâu cũng có hoạt động cào hến, tập trung nhất là ở xóm Rổi (nay là thôn Tân Phú, xã Tam Phú, sát ngã ba sông Tam Kỳ). Ở đây, ngoài nghề đánh cá, rổi cá thì cào hến là nghề chính. Có câu hát bỡn cợt thiếu nữ lấy chồng về nơi này như sau: “Lấy chồng Quảng Phú ăn chi?/ Lúa gieo chẳng có, lúa trì cũng không/ Nhờ ba con hến dưới sông/ Chồng cào, vợ xúc chổng mông lên trời”.

Bến nông nghiệp và dấu tích xưa

Làng Quảng Phú xưa dài theo sông, ruộng của làng nằm ở các cồn ông Ba, cồn Cát, cồn ông Quý, cồn Giữa, cồn Nhỏ… bên kia sông về phía tây nam. Nhiều bến sông được lập để xuồng ghe đưa người làng qua các cồn ấy canh tác nông nghiệp. Có thể kể một số bến nay vẫn còn tên: bến bà Tư, bến ông Đề, bến Cống, bến ông Thanh, bến ông Lưu, bến Mù u, bến ông Tá, bến Ghe…

Đình làng Quảng Phú nay chỉ còn dấu mặt nền. Dấu tích các cơ sở thờ tự khác (kể từ phía đông sang tây) gồm: miếu thờ Trung giới Thành hoàng bổn xứ; miếu Bà thờ Đại càn Quốc gia Nam hải Tứ vị thánh nương; miếu Ông nay không rõ thờ ai? Bản Đại Nam nhất thống chí nói trên (tờ 648) cũng có ghi vị trí nơi thờ tự Quan Công như sau: “Nam nhất phong chẩm giang thượng, hữu Quan Đế tự” (Một ngọn phía nam, gối sát sông, có chỗ thờ Quan Thánh đế quân). So với vị trí mô tả trên, miếu Ông hiện còn nằm cách về phía tây khoảng một cây số. Cả ba nơi trên là các thiết chế thờ tự rất thường gặp ở các làng xã ven các nhánh sông Tam Kỳ xưa - vốn có tổ tiên xuất phát từ các vùng ven biển Nghệ An, Thanh Hóa.

Ngoài ra, còn có nhiều nhà thờ tộc, trong đó có nhà thờ tiền hiền tộc Trương. Được biết tộc Trương làng Quảng Phú có nhiều chi phái anh em sống khắp miền ven biển từ cửa Đại đến cửa An Hòa. Thầy giáo Trương Công Đồng (88 tuổi, ở thôn Tân Phú) cho biết: “Cũng như nhiều họ tộc khác vùng ven biển Nam Quảng Nam, nhiều hậu duệ tộc Trương vùng đông Tam Kỳ đã lên lập nghiệp ở các vùng trung du và vùng núi phía tây của phủ Tam Kỳ xưa (nay là các vùng phía tây của các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước) từ rất sớm”.

Hiện còn nhiều nhà thờ ở địa phương này có kiến trúc và liễn đối giá trị, trong đó, nhà thờ tộc Nguyễn ở khối phố Phú Trung, phường An Phú là một nơi tiêu biểu.

Khoa bảng làng Quảng Phú

Tám tấm văn bia Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí hiện lưu ở thị trấn Hà Lam huyện Thăng Bình có bảy tấm liệt kê danh sách Nho sĩ trong huyện Lễ Dương xưa đỗ tú tài, cử nhân, tiến sĩ trong các khoa thi thời phong kiến triều Nguyễn từ năm 1813 đến năm 1918. Có thể kể tên tuổi, học vị và năm thi đỗ của 9 Nho sĩ làng Quảng Phú được ghi trong bia ấy như sau: Doãn Văn Đổ đỗ Sinh đồ năm 1813, là người đầu tiên đỗ Tú tài ở làng Quảng Phú và cả huyện Lễ Dương. Doãn Văn Xuân đỗ Hương cống năm 1819, là người đầu tiên đỗ Cử nhân của cả huyện Lễ Dương. Trương Văn Tuyển đỗ Tú tài khoa thi năm 1831. Nguyễn Văn Hưng (sau đổi tên là Xán) đỗ Tú tài năm 1842, đỗ Cử nhân năm 1848. Trương Văn Tố đỗ Tú tài năm 1842. Trương Công Liêm đỗ Tú tài năm 1846. Trương Phổ đỗ Tú tài năm 1867. Nguyễn Văn Đạt đỗ Tú tài năm 1870. Nguyễn Nhượng đỗ Tú tài năm 1873.

Trong các vị đỗ đạt kể trên, có hai người làm quan được sách Quốc triều Hương khoa lục và sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn ghi danh và nhắc đến nhiều lần. Ông Doãn Văn Xuân từng giữ chức Án sát sứ tỉnh Quảng Ninh - một tỉnh biên giới trọng yếu ở miền Bắc. Khoảng các năm 1834 - 1835, ông có liên quan đến một vụ án thường được gọi là “đền thuyền công”. Qua vụ án này có thể thấy sự nghiêm minh của triều Nguyễn trong việc bảo vệ biên giới.

Ông Nguyễn Văn Xán đỗ cử nhân lúc còn rất trẻ. Trong khi chờ được bổ dụng, do giỏi cả văn lẫn võ, năm 1862 ông được bổ làm “Quyền quản Thăng Bình phủ dõng” (tạm giữ chức cai quản dõng đinh của phủ Thăng Bình) phụ trách tráng đinh, dân quân canh phòng một dải duyên hải trong thời gian sau khi thực dân Pháp xâm lược Đà Nẵng. Về sau, cũng do giỏi cả văn võ, ông được cử làm chức quan Sơn phòng sứ phụ trách việc canh phòng miền núi tỉnh Quảng Nam. Không rõ có phải do lao lực và bị nhiễm lam chướng nên sinh bệnh, ông Xán qua đời ngay tại lỵ sở Sơn phòng Dương Yên (nay ở huyện Bắc Trà My).

Có thể tìm thấy mộ phần và tư liệu về các vị cử nhân tú tài nói trên tại địa phương và tại các gia đình hậu duệ ở các khối phố Phú Phong, Phú Ân, Phú Trung thuộc phường An Phú và các thôn Tân Phú, Phú Đông, Phú Bình thuộc xã Tam Phú. Các phường và xã này đều thuộc TP.Tam Kỳ hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng Quảng Phú xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO