Mấy tư liệu ở làng Phú Hòa xưa

PHÚ BÌNH 23/02/2020 06:52

Vị trí của làng/xã Phú Hòa thuộc tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam xưa được dân gian mô tả như sau: “Đo Đo trở xuống - Quán Gò đi lên”. Vị trí đó, nay phần lớn thuộc về địa giới thôn An Mỹ, xã Bình An, huyện Thăng Bình. Nhiều tư liệu, dấu tích xưa có liên quan đến văn hóa lịch sử của làng này hiện vẫn còn nguyên.

Thầy giáo hưu trí Hồ Nhật Tiến bên mộ ông tam khoa tú tài Hồ Phổ. Ảnh: PHÚ BÌNH
Thầy giáo hưu trí Hồ Nhật Tiến bên mộ ông tam khoa tú tài Hồ Phổ. Ảnh: PHÚ BÌNH

Địa giới, địa danh qua tư liệu

Trong địa bạ triều Nguyễn hồi đầu thế kỷ 19, làng/xã Phú Hòa được ghi trong danh sách 34 xã/thôn/phường thuộc tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình với tứ cận như sau: “đông giáp xã Tây Mỹ, xã Khánh Mỹ; tây giáp xã An Hòa Đông, xã Tuân Dưỡng; nam giáp xã Phụng Loan, xã Khánh Lộc;  bắc giáp xã An Phú, xã phụ An Sơn”.

Các địa danh đó, đến ghi chép của sách Đồng Khánh địa dư chí hồi cuối thế kỷ 19 đã thay đổi một số; nhưng cơ bản khá giống với các tên trong tứ cận của thôn An Mỹ hiện nay là các thôn Đông Hòa (phía tây), thôn Phụng Loan (nam), thôn Trường Phước (bắc), thôn Tây Mỹ (đông) đều thuộc xã Bình An, huyện Thăng Bình và thôn Trường Lộc (phía nam, thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh).

Trong một bài thơ mô tả cảnh sắc làng Phú Hòa quê mình, thầy giáo hưu trí Hồ Nhật Tiến - thành viên Ban quản trị làng Phú Hòa đã liệt kê một số tên tiêu biểu như: đồi Cây Xoài, núi Làng, núi Vườn Dưới, đồi Vườn Gẫm (bờ ngăn hai làng Phú Hòa và Tây Mỹ xưa), rừng Cọc miếu Tam, đồi Gò Lăng… với lời tổng kết: “Điểm qua địa cuộc làng ta/ Giúp cho con cháu gần xa tỏ tường”.

Ở địa phương này còn lưu hành bài “Văn tế Tiền hiền làng Phú Hòa” rất đặc sắc của thầy Nẫm - vị cao niên hiện còn tại thế. Bài này nhắc đến các địa danh ở Phú Hòa, đến lịch sử lập làng và bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân có công quy dân, lập ấp, dựng làng.

Các di tích tiêu biểu

Di tích đình làng Phú Hòa (đã được trùng tu) nằm ở quãng giữa, phía bên phải con đường từ chợ Quán Gò (xã Bình An) lên chợ Đo Đo (xã Bình Quế). Theo một số vị cao niên địa phương, trên cây đòn đông đình làng xưa có khắc thời điểm tạo dựng đình là vào thời vua Thiệu Trị nhưng không ai còn nhớ là năm nào(?) Ở hai trụ bình phong gần cổng tam quan có chạm câu đối: “Nội cổ ngoại kim: kim cổ tác thành văn hóa mỹ/ Quang tiền dụ hậu: hậu tiền nhất thống hựu nhật tân” (Trong xưa ngoài mới: cũ mới đều biểu hiện văn hóa tốt đẹp/ Sáng đời trước, phồn thịnh đời sau: Từ trước đến sau, mỗi ngày mỗi mới mẻ).

Ngôi “song phần” làng Phú Hòa với kiến trúc mộ thời Nguyễn.
Ngôi “song phần” làng Phú Hòa với kiến trúc mộ thời Nguyễn.

Ở địa phương này hiện còn hai nhà thờ tiền hiền họ Bùi và hậu hiền họ Hồ. Có mộ ông hậu hiền họ Hồ với tấm bia ghi dòng chính “Phú Hòa - Hậu hiền - Triệu Tổ: Hồ Đại Lang - An Định quận - Tự: Viết. Kinh thế sáng nghiệp khai canh chi Linh mộ”. Dịch nghĩa: “Đây là mộ linh của ông hậu hiền Hồ (đại lang), có tên tự là Viết, là người có công sáng nghiệp khai canh làng Phú Hòa”.

Cũng còn mấy ngôi mộ xưa của những người đỗ đạt, có tiếng trong làng như mộ ông “tam khoa tú tài” Hồ Tử Bác tạ thế năm Mậu Tuất 1898. Tra danh tính các vị đỗ tú tài ghi trên văn bia huyện Lễ Dương (Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí) hiện còn ở thị trấn Hà Lam, Thăng Bình được biết tên thật của ông này là Hồ Phổ - đỗ tú tài ba khoa thi các năm Tân Dậu, Đinh Mão, Mậu Thìn (1861, 1867, 1868) thời vua Tự Đức.

Bia mộ ông Hồ Phổ do học trò và hai người con dựng có dòng chính: “Đại Nam - Hiển khảo - Phú phong - tam khoa tú tài Hồ Tử Bác chi mộ. Tử: Văn Dũng, Văn Viễn hiệp Môn sinh đẳng đồng lập thạch”. Theo hiểu biết của người viết, đây có thể là tấm bia duy nhất ở vùng Nam Quảng Nam có ghi tên các học trò (môn sinh) tham gia dựng mộ cho thầy học của mình.

Ở Phú Hòa lưu truyền câu ca “Đông Hòa có đình tứ xã/ Phú Hòa có mả song phần”. Ngôi mộ “song phần” của vợ chồng ông họ Phạm và bà họ Đoàn xây năm Thành Thái thứ năm - 1893 theo kiểu thức mộ vôi bồ ghè tiêu biểu của vùng Nam Quảng Nam khoảng giữa thời Nguyễn. Thành/huynh mộ xây đá ong bề ngang dày hai lớp kết thúc ở phía trước mộ bằng một cổng vòm thấp. Nhà bia nằm ngay chân mộ có mặt bia được tô vôi nhuyễn, nhờ vậy nội dung văn bia và câu đối “Giai thành lưu cựu tích/ Mỹ hiệu tráng tân quan” ghi trên đó - đến nay gần tròn 130 năm vẫn còn đọc được khá rõ.

Tư liệu thủy binh triều Nguyễn

Đó là các bằng sắc của triều đình cấp cho ông Hồ Viết Mẫn (sinh năm Giáp Thân 1824), quê làng Phú Hòa, đã tham gia thủy binh triều Nguyễn vào thời vua Tự Đức. Bộ tư liệu này hiện được bảo quản tại nhà ông Hồ Viết An ở thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh. Xin nói kỹ về các văn bản này để thấy được một số nét về sinh hoạt của việc quân, việc ban thưởng và việc tang thời xưa.

Bằng cấp đóng dấu Kinh kỳ Thủy sư cấp cho ông Hồ Viết Mẫn năm Tự Đức thứ 19 (1866).
Bằng cấp đóng dấu Kinh kỳ Thủy sư cấp cho ông Hồ Viết Mẫn năm Tự Đức thứ 19 (1866).

Có hai văn bằng đóng ấn triện Kinh kỳ Thủy sư ký vào các năm Tự Đức thứ 13 - 1860 và Tự Đức thứ 19 - 1866 cùng với  hai bản Sắc đóng ấn Sắc mệnh chi bửu của nhà vua ký vào năm Tự Đức thứ 25 - 1872 và Tự Đức thứ 30 - 1877.

Căn cứ nội dung bằng cấp đã ban hành, có thể biết hành trình làm các cấp chỉ huy thủy binh của ông Hồ Viết Mẫn như sau: Do biết chữ nghĩa và am tường tính toán (nguyên văn: bút toán sảo tri), vào tháng 8.1860, ông Hồ Viết Mẫn được hai quan đề đốc và hiệp lý của Kinh kỳ Thủy sư cho giữ chức Thư lại Vị nhập lưu, phụ trách việc sổ sách trong Đội số 5 thuộc Vệ số 3 của Doanh Hữu, thuộc đơn vị thủy quân bảo vệ kinh thành Huế. Đến tháng 3 năm 1866, đề đốc  phụ trách Kinh kỳ Thủy sư cho ông Hồ Viết Mẫn được thăng lên chức Đội trưởng cai quản Thập số 1 thuộc Vệ số 3. Phục vụ hơn sáu năm, từ người giữ sổ sách, ông Mẫn được thăng lên vị trí cai quản một Thập gồm 10 thủy binh.

Qua đó, đối chiếu thêm với các bộ sử triều Nguyễn có thể biết được tên tuổi đầy đủ các Đề đốc họ Võ, họ Nguyễn và Hiệp lý họ Lâm ký các văn bản này. Đến tháng 3.1872, ông Hồ Viết Mẫn được ban Sắc bổ thụ làm Đội trưởng của Đội số 5, Vệ số 3, Doanh Hữu của Kinh kỳ Thủy sư; rồi năm năm sau - 1877, lại được ban Sắc thăng lên vị trí Chánh Đội trưởng Suất đội của Đội số 8 cai quản 50 thủy binh thuộc Vệ và Doanh đã kể trên.

Bộ tư liệu về ông Hồ Viết Mẫn còn hai văn bản nữa: Một là tờ đơn do ông Hồ Viết Mẫn ký ngày 5 tháng 9 năm Tự Đức thứ 33 - 1880 trình xin triều đình xét cho con trai của ông là Hồ Viết Hồi, sinh năm Ất Mão - 1856 (lúc ấy đã 25 tuổi - NV) được bổ vào hạng Viên tử theo quy định của triều đình. Con quan được xếp vào hạng này sẽ được miễn lao dịch công ích và miễn đi lính (nguyên văn: thứ miễn binh diêu). Văn bản cuối là tờ hội ý gia tộc (nguyên văn: ý văn) về việc tìm huyệt mộ và định ngày an táng ông Hồ Viết Mẫn (nguyên văn: chiếm huyệt táng phụ).

Biên bản này này lập vào ngày mùng 6 tháng 6 năm Tự Đức thứ 34 - 1881 (cũng chính là ngày ông Mẫn qua đời - được ghi ngay trong nội dung ý văn - NV chú thích) cho biết thêm các chi tiết: Trước lúc qua đời, ông Mẫn đang chỉ huy Đội số 8, Vệ số 3, Doanh Hữu của Thủy sư ở Kinh kỳ với chức “Phó hộ giáo” mang quan hàm “Kiến Trung đô úy”. Ngày an táng ông Mẫn vào huyệt đã được định vị (nguyên văn: chiếm huyệt táng phụ) ghi rõ là ngày Nhâm Dần tháng 5 năm Quý Mùi - 1883. Như vậy, theo văn bản trên, từ ngày mất đến ngày táng là 23 tháng. Đây là chi tiết cần lưu ý để nghiên cứu về nghi thức tang lễ kéo dài và quan tài được quàn rất lâu vào thời trước.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mấy tư liệu ở làng Phú Hòa xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO