Một thế hệ nhiệt huyết "Đường Kách mệnh"

DUY HIỂN 23/03/2020 21:42

Dò hỏi loanh quanh một hồi chúng tôi mới tìm ra di tích Giếng Bộng. Thì ra nó nằm trong góc tây nam của khuôn viên Trường Mẫu giáo Ánh Hồng, số 109 đường Trưng Nữ Vương, phường Bình Hiên, quận Hải Châu. 

Di tích trường Cự Tùng, số 52 Trần Bình Trọng TP. Đà Nẵng.
Di tích trường Cự Tùng, số 52 Trần Bình Trọng TP. Đà Nẵng.

Theo hồi ký của cụ Đỗ Quỳ, năm 1928 tại ngôi nhà gần Giếng Bộng này, vị Bí thư đầu tiên của Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Nam Đỗ Quang đã chỉ đạo ông và Lê Quang Sung in đông sương (dùng bút mực viết chữ ngược lên đông sương rồi dập giấy lên in thành văn bản) cuốn “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm tài liệu cho công cuộc gieo mầm cách mạng ở xứ Quảng.

1. Gần chợ Bến Ngự, TP.Huế những năm 1920 có một ngôi nhà dành cho học trò xứ Quảng ra Huế trọ học, được gọi là Nhà hội Quảng Nam. Để vào được Quốc học Huế, ngôi trường danh tiếng nhất miền Trung phải là những người học giỏi và gia cảnh phải khấm khá.

Trong số họ nhiều người như Thái Thị Bôi, Phan Long, Lê Quang Sung, Đỗ Quỳ… thường xuyên thăm và nghe cụ Phan Bội Châu (lúc này đang bị thực dân Pháp an trí ở Bến Ngự) nói chuyện thời sự và truyền lửa yêu nước. Mật thám Pháp dĩ nhiên thường xuyên theo dõi nhưng họ không hề e sợ.

Từ năm 1925 sau khi thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và tổ chức nhiều lớp huấn luyện, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử nhiều cán bộ về nước tuyên truyền đường lối cách mạng và Huế trở thành cái nôi gieo mầm lý tưởng cứu nước mới ở Trung Kỳ bấy giờ. Trong số đó có một gương mặt ưu tú của thanh niên xứ Quảng là Đỗ Quang.

Đỗ Quang quê Quế Long huyện Quế Sơn, sinh năm 1901. Năm 1922 ông ra trọ học tại Nhà hội Quảng Nam, sau đó đỗ thành chung ở Huế rồi ra Hà Nội học Cao đẳng Thú y. Tại đây, ông gia nhập  Hội Việt Nam cách mạng thanh niên rồi được gửi sang Quảng Châu, Trung Quốc dự lớp huấn luyện cách mạng, rồi được Hồ Tùng Mậu giao nhiệm vụ về nước phát triển hội viên.

Tháng 4.1927 tại Quốc học Huế nổ ra cuộc bãi khóa để phản đối thái độ miệt thị học sinh bản xứ và việc đuổi học vô cớ, cũng là lúc Đỗ Quang vừa về tới kinh kỳ. Trong ánh điện vàng võ ở Nhà hội Quảng Nam, Đỗ Quang đã nói chuyện với Lê Quang Sung và em trai mình - Đỗ Quỳ về một con đường cứu nước mới mẻ, đầy triển vọng – đó là con đường cách mạng vô sản của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Rồi họ cùng hăm hở về Đà Nẵng bắt đầu công cuộc gieo hạt mầm cách mạng.

Lý giải tại sao thời điểm ấy, Đà Nẵng đóng vai trò đầu tàu của phong trào cách mạng ở miền Trung, nhà nghiên cứu sử học Bùi Xuân cho rằng: “Ngay từ đầu thế kỷ 20, TP.Đà Nẵng với lợi thế về giao thông thủy bộ, hàng không, đã nhanh chóng vươn lên thành đô thị sầm uất nhất miền Trung. Đây là đất nhượng địa, tức thuộc quyền quản lý trực tiếp của thực dân Pháp. Để đẩy nhanh chính sách khai thác thuộc địa, chính quyền thực dân đã cho xây dựng tại Đà Nẵng nhiều nhà máy, công xưởng, nhà ga, bến cảng và các công sở, trường học… quy tụ giới công nhân lao động và viên chức, tầng lớp trí thức của cả miền Trung. Họ tụ hội về đây, một phần vì dễ tìm việc làm và điều không kém quan trọng là tìm kiếm những người cùng chí hướng cứu nước”.

Đó là những thanh niên chí lớn quê Nghệ Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... Đà Nẵng do vậy từ năm 1925 đã hình thành nhiều nhóm thanh niên yêu nước, Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi, Nguyễn Văn Tường, Lê Duẩn, Phan Văn Định… Và một nhóm của Đỗ Quang, Lê Quang Sung, Đỗ Quỳ. Và rồi con đường cách mạng vô sản đưa họ gắn kết với nhau.

2. Với sự hỗ trợ của cán bộ Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, chúng tôi đi tìm di tích trường Cự Tùng, tọa lạc tại số nhà 52 Trần Bình Trọng. Giữa một khu phố đầy nhà cao tầng, dấu vết trường Cự Tùng bây giờ là ngôi nhà cổ bề thế lợp ngói âm dương, chứng tỏ chủ nhân từng là người giàu có.

Sử liệu cho biết những năm 1925 - 1930 ông Cự Tùng - Nguyễn Văn Tùng là một trong số hai người Việt được chọn làm ủy viên Hội đồng TP.Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Tùng đứng ra lập trường tư thực, thường được gọi là trường Cự Tùng.

Lê Văn Hiến lúc này đang làm tại Bưu điện Đà Nẵng xin cho Đỗ Quang và một số đồng chí của mình vào giảng dạy để kiếm sống, đồng thời kết hợp hoạt động cách mạng. Trong những buổi dạy học Đỗ Quang, Đỗ Quỳ đã khéo léo khơi gợi cho học sinh thức nhận nỗi đau mất nước, nô lệ… Sau một thời gian vận động tuyên truyền cách mạng, tháng 9.1927 chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên ở xứ Quảng ra đời, Đỗ Quang được cử làm bí thư.

Cũng tại Đà Nẵng trong thời gian này xuất hiện thêm một chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên gồm Nguyễn Văn Tường, Phan Văn Định, Nguyễn Giao…     

Không chỉ Đà Nẵng, tại Hội An từ tháng 10.1927 cũng hình thành một chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Phan Thêm, sau này đổi tên là Cao Hồng Lãnh lãnh đạo. Khác với hai nhóm trên, qua người chị ruột, Phan Thêm ra tận Quảng Trị bắt mối cách mạng và ông kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại đây. Về lại Hội An, Phan Thêm phát triển mạnh cơ sở trong quần chúng, tổ chức gánh hát và đội bóng Rạng Đông hoạt động sôi nổi gây được tiếng vang tại địa phương.

Từ đây chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hội An đã thành hình. Với 3 chi bộ này đầu năm 1928, tại địa điểm gần Giếng Bộng, Kỳ bộ Trung Kỳ chỉ đạo thành lập Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Quảng Nam. Đỗ Quang được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ.

Cũng tại Giếng Bộng cuốn “Đường Kách mệnh” đã được Đỗ Quang cho nhân bản, trở thành “cẩm nang” thần kỳ của những thanh niên đang khát khao con đường giải phóng dân tộc. Trong hồi ký, cụ Đỗ Quỳ xúc động kể: “Chúng tôi đã đọc nhiều thứ chủ nghĩa của nước ngoài, nhưng chưa hề nghĩ rằng người Việt Nam lại có thể viết một cuốn sách lý luận về con đường cách mạng riêng của dân tộc mình”.

3. Điểm lại giai đoạn lịch sử 1925-1930 ở xứ Quảng, có thể thấy rằng công cuộc gieo mầm cách mạng vô sản ở Quảng Nam chủ yếu do trí thức đảm nhiệm, bởi họ ngoài trái tim yêu nước, còn được trang bị một nền học vấn mới để có thể nhạy bén, tiếp thu được lý luận cách mạng vô sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá về Việt Nam. Là công chức, giáo chức… được chính quyền thực dân trả lương rất hậu, nếu an phận họ có thể hưởng một cuộc đời êm ấm, vật chất sung túc. Nhưng lương tri của người trí thức chân chính đã thôi thúc họ đi theo tiếng gọi của Nguyễn Ái Quốc, của Đảng Cộng sản, chấp nhận một cuộc sống nguy hiểm, cận kề với xà lim, án chém để cứu nước, đưa nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than.

Đọc lại hồi ký của các vị tiền bối cách mạng ấy càng hiểu hơn sự dấn thân trọn vẹn của họ cho lý tưởng của Đảng. Dạy học ở trường Cự Tùng, Đỗ Quang, Lê Quang Sung, Đỗ Quỳ đều dành phần lớn lương bổng cho tổ chức hoạt động. Phan Văn Định lái xe cho công sứ Pháp ở Hội An, lương mỗi tháng 35 đồng tiền Đông Dương, ông ủng hộ 15 đồng - hồi ấy là một số tiền rất lớn cho Hội hoạt động. Người vợ trẻ mới cưới vào thăm, ông đuổi về vì sợ vướng chân và dễ lộ tổ chức. Hai vợ chồng trẻ Lê Văn Hiến - Thái Thị Bôi đồng lòng chọn con đường cách mạng, dù biết ngục tù luôn chực chờ…

Cũng cần nói thêm từ những năm 1925 ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũng có một chi bộ đảng Tân Việt dù chịu ảnh hưởng tư tưởng mác-xít nhưng hoạt động riêng rẽ. Năm 1929 tỉnh bộ Tân Việt Quảng Nam thành lập với 14 đảng viên. Dù Tân Việt hay Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thì đấy vẫn là một thế hệ thanh khiết, dấn thân vì đại nghĩa. Đấy chính là ngọn nguồn để khi Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam ra đời vào tháng 3.1930, tỉnh bộ Tân Việt Quảng Nam đã tự nguyện gia nhập.

“Tỉnh ủy lâm thời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam lúc ấy đã lôi kéo được các đồng chí của Tân Việt, không có gì là đấu tranh nội bộ cả. Sự hợp nhất của Đông Dương Cộng sản đảng tỉnh Quảng Nam và đảng Tân Việt ở Quảng Nam – Đà Nẵng giống như hai dòng nước hòa vào nhau cùng đổ ra biển lớn” - nhà nghiên cứu sử học Bùi Xuân khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một thế hệ nhiệt huyết "Đường Kách mệnh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO