Mùa Chạp mả kể chuyện bia mộ

PHÚ BÌNH 24/12/2019 14:45

Ở Quảng Nam xưa, cách thể hiện thông tin về người đã khuất trên bia mộ tuân theo một số tập quán nhất định. Nhân mùa Chạp mả ở vùng nam Quảng Nam (20.11 - 20.12 âm lịch), xin đưa những thông tin khảo sát từ một số bia mộ ở Thăng Bình và Tam Kỳ, để biết thêm nhiều điều về phong tục, tập quán của người xưa.

Mộ vợ chồng Đô thống chế Trần Đăng Long - có bia mộ hiệu Hoàng Việt, ở Chợ Trạm - Núi Thành.
Mộ vợ chồng Đô thống chế Trần Đăng Long - có bia mộ hiệu Hoàng Việt, ở Chợ Trạm - Núi Thành.

Thông tin về dân tộc

Những tấm bia hiện còn ở huyện Hà Đông xưa thường khắc trên trán (bia) các hiệu Việt cố, Nam cố, Đại Nam. “Việt cố” (Việt: người Việt/ Cố: đã khuất) là các bia có thời điểm tạo lập từ thời Gia Long (1802-1820) trở về trước. Nam cố (Nam: Đại Nam) là các bia được tạo lập vào khoảng trị vì của vua Minh Mạng và Thiệu Trị (1820-1848). Đến thời trị vì của vua Tự Đức (1848-1885) dân gian thường dùng song hành hiệu bia “Nam cố” và “Đại Nam”. Từ giữa thời Tự Đức đến các vua triều Nguyễn về sau, hiệu bia “Đại Nam” được dùng phổ biến.

Qua mấy ví dụ trên, có thể biết, dân gian Quảng Nam xưa dùng quốc hiệu để xác định thông tin về dân tộc của người đã khuất. Qua đó, người đời sau có căn cứ để xác định thời gian dựng bia. Đa số các mộ lập vào quãng thời gian dài thời phong kiến nói trên đều là mộ lập lần đầu. Cá biệt có mộ trùng tu hoặc xây mới  do di dời đến một cuộc đất tốt hơn nhưng vẫn giữ lại bia cũ. Nếu có khắc bia mới thì vẫn “sao y” toàn văn bia cũ.

Thông tin về họ tộc, quê quán

Thường gặp các cụm từ Kinh Triệu quận (chỉ họ Lê), Trần Lưu quận (chỉ họ Nguyễn), Cao Bình quận (họ Phạm), An Định quận (họ Lương)… được ghi trước các họ của người đã khuất. Cách ghi này trong văn bia của người Quảng thuần túy chỉ để giúp tìm chính xác họ của người trong mộ chứ không mang ý nghĩa “tổ quận” (địa phương phát tích của một họ, theo tập quán của người Hoa). Nhiều bậc cao niên ở Tam Kỳ gọi đây là “quận âm phủ” với ý nghĩa dùng kèm để xác định họ của người trong mộ.

Bia mộ lập trước năm 1945 thường ghi thông tin về quê quán theo một quy định chặt chẽ. Tên tỉnh, phủ, huyện, làng/xã thường viết tắt. Ví dụ: bia ghi “Thăng, Hà, Tiên, Ba” có nghĩa là quê quán người nằm trong mộ chính là làng Ba Lâm (đọc trại âm Hoa Lâm, sau cải là làng Thanh Lâm, nay là thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước), tổng Tiên Giang, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa (sau đổi là Thăng Bình). Cũng có bia ghi rõ tên tỉnh, như trường hợp “Nam, Hà, Đàn, Xuân” (tỉnh Quảng Nam, huyện Hà Đông, tổng Chiên Đàn, xã Trường Xuân). Việc lấy chữ trước hay chữ sau của địa danh thường là để tránh trùng lặp. Như lấy chữ “Xuân” mà không dùng chữ “Trường” (xã Trường Xuân) là để khỏi nhầm với người mất có quê ở xã Trường Cửu khá gần đó. Vùng xã Tam Xuân 1 hiện nay, thường gặp các bia xưa có ghi thông tin quê quán như “Nam, Kỳ, Song Phú” (tỉnh Quảng Nam, phủ Tam Kỳ, tổng Phú Quý, xã Phú Hưng. Song Phú: bắt đầu bằng hai chữ Phú).

Còn gặp ở vùng này một số bia ghi gộp thông tin đặc biệt về quê quán vào hiệu bia như sau: Bia hiệu “Tống Sơn” chỉ mộ những thân tộc chúa Nguyễn vốn gốc ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa - đất phát tích của nhà Nguyễn. Bia hiệu “Liêm hộ” cho biết người đã khuất vốn sống ở vùng “Liêm hộ thuộc” là một đơn vị hành chính quy tụ đa số các hộ làm vàng. Bia hiệu “Hà Bạc” thời các chúa Nguyễn cho biết người nằm trong mộ có quê ở “thuộc Hà Bạc” - tức là miền ven biển, từ nam cửa Đại đến bắc cửa An Hòa.

Thông tin theo phong thủy

Chôn cất theo cuộc đất, theo hướng, ghi vị trí an táng theo phân châm của la bàn phong thủy là những thông tin thường được ghi rõ trong văn bia ở các địa phương nói trên, trong đó yếu tố núi (sơn, phong), sông (giang, thủy) được xem là yếu tố hàng đầu. Thường gặp các bia có ghi từ “Kỳ sơn” để chỉ các đồi đất Quảng Phú, An Hà, Trà Cai; ghi từ “Khương phong” để chỉ núi Trà Quân gần vùng tháp Chăm Khương Mỹ; ghi từ “Tiên giang” hoặc “Lễ thủy” để chỉ vùng ven các nhánh sông ở Thăng Bình và Tam Kỳ…

Các bia mộ xưa ghi đầy đủ hướng mộ gồm “sơn” (hướng phía đầu), “hướng” (hướng phía chân) theo đúng phối hợp của 10 thiên can và 12 địa chi được ghi rõ trong la bàn phong thủy mà thầy địa lý đã phân châm (chia hướng theo kim la bàn) khi chỉ định huyệt mộ. Các phân châm này bảo đảm con cháu xác định đúng hướng mộ khi giẫy mả và tu bổ mồ mả. Vì thế, người xưa thường cẩn thận ghi trong gia phả, dòng bên hữu tên tuổi người mất các vị trí an táng này. Trong hoàn cảnh vật liệu khó khăn thời xưa, ít gia tộc, gia đình có điều kiện làm mả vôi, việc ghi rõ vị trí an táng ở cả bia mộ và trong gia phổ giúp định vị tốt mồ mả thân tộc, nhất là mộ ở vùng cát, vùng sườn đồi vốn dễ bị xê dịch trong gió mưa.

Thông tin về danh vị

Các danh vị được xã hội khen tặng, các chức tước từng được ban thưởng là những thông tin nhất thiết phải được thể hiện trong bia mộ. Đó được xem là vinh dự của con cháu. Ở vùng nam Quảng Nam, có nhiều bia hiệu “Hoàng Việt” (quan của hoàng triều Nguyễn) hoặc ghi dòng “Hoàng Nam cáo thụ” (triều đình báo tin và cho hưởng danh vị sau khi mất) hoặc danh vị trích từ sắc phong dành cho các đại quan, như Thượng thư Trần Văn Thái, Đô thống chế Trần Đăng Long - hai quan chức cấp cao thời Gia Long, Án sát Trần Hưng Nhượng - từng là thầy dạy học của vua Tự Đức và nhiều đại quan thời phong kiến về sau. Còn gặp các danh hiệu “lạc quyên nghĩa dân” (người dân có lòng vì việc nghĩa đã góp của giúp cho triều đình), “tiết hạnh khả phong” (người phụ nữ tiết hạnh đáng được triều đình khen tặng)… trên khá nhiều bia mộ.

Nhưng đối với các họ tộc, quan trọng nhất là các tấm bia ghi danh vị tiền hiền. Ví dụ: ở làng Phú Hưng xưa có mộ bốn vị “đồng tiền hiền làng”. Bia mộ các vị ấy đều được hậu duệ khắc nguyên văn bản sắc phong tiền hiền mà triều đình đã phong tặng. Thời xưa, bia mộ là linh thiêng, có chứng cớ xác thực con cháu mới dám ghi vào bia. Vì thế thông tin về danh vị trong bia mộ cũng là một cơ sở để tìm hiểu về sau.

Các thông tin khác

Có thể gặp chữ nghĩa của Nho sĩ Hà Đông xưa qua các bài văn bia mà họ (hoặc các gia tộc nhờ họ) viết, như bài văn khóc mẹ của Ngự sử Phan Văn Xưởng (nay ở thôn Khánh Thọ, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh). Hay, bài thơ của một nho sĩ họ Trần trên ngôi mộ cổ người họ Huỳnh (hiện ở phường An Sơn, TP.Tam Kỳ);  bài minh trên mộ vợ chồng ông Hồ Đức Bảo - một gia đình hào phú có đội ghe bầu buôn đường dài ở Chợ Vạn Tam Kỳ. (Hai mộ này trước ở nội thị Tam Kỳ, nay đã di dời về cánh phía đông nam của nghĩa trang Gò Trầu, xã Tam Xuân I); hoặc bài minh ở mộ bà nghĩa phụ họ Trương ở Bình Triều, Thăng Bình…

Mộ bà “Lạc quyên nghĩa phụ” họ Trương ở Bình Triều - Thăng Bình. ảnh: P.B
Mộ bà “Lạc quyên nghĩa phụ” họ Trương ở Bình Triều - Thăng Bình. ảnh: P.B

Các bài văn, bài thơ này đã trực tiếp cho biết ít nhiều về sinh hoạt của người Thăng Bình, Tam Kỳ hồi giữa thế kỷ 19. Các văn bia mộ đã cho biết phong cách sáng tác của nho sĩ Tam Kỳ và Thăng Bình xưa có nhiều nét riêng của một vùng đất vốn không mấy thuận lợi trong nền kinh tế nông nghiệp so với vùng bắc Quảng Nam thời ấy.

Cần thận trọng khi tu bổ

Mộ và bia mộ thời xưa, đặc biệt ở nơi an nghỉ của những người có tiếng thường được tạo dựng một cách rất cẩn trọng. Chữ nghĩa dùng trong bia mộ thường được giao cho người hay chữ chấp bút và duyệt đi duyệt lại rất nhiều lần mới có thể đem khắc và cho dựng. Như trường hợp ông Phan Văn Xưởng - đỗ cử nhân hồi 18 tuổi, một người giỏi chữ ở Tam Kỳ lúc đương thời; vậy mà, khi viết xong bài văn khóc mẹ mình, ông phải nhờ hai ông tiến sĩ ở Quảng Nam lúc đương thời cùng duyệt lại. Một trong hai ông tiến sĩ đó là Nguyễn Tường Phổ (ông cố các nhà văn Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo). Chi tiết ấy cho biết người xưa cẩn trọng đến nhường nào!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa Chạp mả kể chuyện bia mộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO