Nam Quảng Nam qua ký sự xưa

PHÚ BÌNH 16/02/2020 06:50

“Phủ tập Quảng Nam ký sự” (PTQNKS) ra đời khoảng nửa sau thế kỷ 16 kể về việc ông Bùi Tá Hán (1496 - 1568) tổ chức đưa di dân từ phía Bắc vào lập nghiệp ở “trấn Quảng Nam” - trong đó chủ yếu ở vùng Nam Thăng Hoa và Bắc Tư Nghĩa.

Bìa tập sách có in bản Phủ tập Quảng Nam ký sự (bản chữ Nho) do Sở VHTT Quảng Ngãi xuất bản năm 1996.
Bìa tập sách có in bản Phủ tập Quảng Nam ký sự (bản chữ Nho) do Sở VHTT Quảng Ngãi xuất bản năm 1996.

Theo PTQNKS, khi nhận được tin đô đốc Bùi Tá Hán thu hồi vùng đất vốn trước đó do quân nhà Mạc chiếm giữ (1545), triều đình vua Lê Trang Tông (1533 - 1548) đã quyết định: “Quảng Nam địa quảng điền phì nhi hộ hy nhơn thiểu, lánh di nhất tá bần chi canh dân tỉ cư sanh lý, phả hữu tích trữ lương thực dĩ đồ cửu kế” (Quảng Nam đất rộng mà hộ hiếm người ít, ta riêng đưa một số dân làm ruộng nghèo đến đó; họ sẽ phát triển gấp nhiều lần, có thể tích trữ lương thực để ta có thể mưu đồ kế khôi phục lâu dài - PTQNKS, bản chữ Hán, tờ 15a, NV dịch).

Các biện pháp tiếp quản và phát triển ở vùng đất mới được Đô đốc Bùi Tá Hán thực hiện được sách này kể ra như sau: Một mặt ông Bùi cho sắp xếp lại ruộng đất ở các đồn điền do quân đội (nhà Mạc) cai quản trước đó: ruộng đất do các đồn điền này khai vỡ đều xếp vào loại ruộng công (công điền). Ruộng công này sẽ được cấp cho quân lính “muốn giải ngũ nhập tịch với xã sở tại”, “để họ làm ăn sinh sống” hoặc “giao cho các thôn xã sở tại phân cấp cho quân dân cày cấy chịu tô thuế”.

Mặt khác ông cho đưa dân nghèo từ phía Bắc vào. PTQNKS kể: “Từ sau ngày miền đất Quảng Nam được vỗ yên, nông dân nghèo ở các xứ Thanh Ba, Nghệ An, Hải Dương lũ lượt kéo nhau vào đây để vỡ ruộng lập làng”. Tình trạng các di dân buổi đầu vào Quảng Nam cũng được sách này mô tả khá chi tiết: “Hộ nào đến trước thì ở nhờ vào địa phận xã có đồn điền của quân đội. Quan huyện xuất kho trợ cấp mỗi hộ 5 tháng lương ăn. Quân đội ở các đồn điền chặt gỗ trong rừng, cắt tranh trên núi làm nhà ở, giao cho mỗi hộ tạm thời sử dụng. Trích ruộng thục điền trong số ruộng đất ở các đồn điền giao cho mỗi hộ một ít để tạm thời canh tác. Khuyên mọi người cày trồng khoai lang, rau ngắn ngày để sau ba tháng có hoa lợi dùng. Khuyên nhà quan, nhà dân, không luận giàu nghèo, mỗi khi nấu cơm nên ghế thêm (hai phần mười) khoai lang hoặc bắp thay gạo” (sđd, tr. 25, 26).

PTQNKS cho người thời nay biết các quy định do ông Bùi đề ra là nguồn gốc của một số tập quán đặc trưng vùng miền, như: “làm nhà kiểu tám cột ba gian, lợp bốn tấm rui vuông bốn góc”; “phụ nữ không dùng quần không đáy (mà) đồng loạt dùng quần như nam giới, nhuộm đà hoặc chàm để phân biệt nam, nữ”; “làm nồi đồng, nồi đất, ở cổ có lỗ quay, dùng đũa bếp mà bưng duống tiện việc đun nấu”(sđd, tr. 26). Đây là những điểm khác biệt với tập quán xứ Bắc thời xưa: “nhà không chái, đái không ngồi (giễu đàn bà mặc váy - NV), nồi không quai”. Những điểm khác biệt còn có thể thấy thêm ở một số quy định mà ông Bùi Tá Hán đề ra cho cư dân Quảng Nam vào lúc ấy như sau: “cày bừa đều dùng ách mắc 2 trâu kéo; trên mỏ cày có thêm trạnh phụ”; “ngăn sông làm bờ xe nước để đưa nước vào ruộng”; “làm thuyền nan trét dầu rái để thay thuyền ván” (sđd, tr. 26, 27).

Đô đốc Bùi Tá Hán áp dụng việc chăm sóc sức khỏe: “mỗi xã thôn mời một thầy thuốc để chữa trị cho dân”; lập trường học: “xã thôn nào hộ khẩu tăng nhiều… rước một thầy sinh đồ, lập nghĩa thục để dạy lễ nghĩa và văn học cho con em”; dựng đình chùa: “mỗi xã thôn (nên) lập đình, chùa để nhân dân cúng lễ”; giao thông: “từ huyện Hy Giang (Duy Xuyên ngày nay - NV) đến huyện Tuy Viễn (Bình Định ngày nay - NV) cần đắp một con đường thiên lý rộng hai trượng rưỡi…, cứ 17 lý đặt một nhà dịch trạm để lính giao dịch chuyển đệ công văn”…

PTQNKS đã ghi lại một bức tranh sống động về hoàn cảnh quy dân, lập ấp của người dân vùng Nam Quảng Nam xưa, trong đó có rất nhiều nét căn bản đã tạo nên bản sắc một số tập quán về canh tác, sinh hoạt… mà đến gần cuối thế kỷ 20 vẫn còn được giữ nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nam Quảng Nam qua ký sự xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO