Nẻo đường in dấu lưu dân

TRẦN TUẤN 31/01/2020 10:37

(Xuân Canh Tý) - Mùa hè năm nọ, tôi có mấy ngày lang thang dọc theo sông Côn (Bình Định), khởi đầu từ thành Đồ Bàn hoang phế, ra cửa Thị Nại ngược dần lên thượng nguồn. Dừng lại khá lâu tại cửa Thị Nại - nơi huyền sử kể rằng Trần Khắc Chung đã cứu Huyền Trân chạy ra biển từ đây, khung cảnh nay đã bồi đắp ngổn ngang nên ruộng nên đồng.

Thành Đồ Bàn nơi 700 năm trước Huyền Trân trở thành vương hậu của Chiêm quốc. Ảnh: TRẦN TUẤN
Thành Đồ Bàn nơi 700 năm trước Huyền Trân trở thành vương hậu của Chiêm quốc. Ảnh: TRẦN TUẤN

Sau đám cưới Huyền Trân nơi thành Đồ Bàn, những lưu dân đầu tiên theo chân Ngự sử Đoàn Nhữ Hài vượt con đường cái quan vào Nam mở băng qua hai châu Ô, Lý, rồi lần lượt dừng quang gánh dựng làng mạc rải rác từ bờ nam sông Thạch Hãn (Đông Hà, Quảng Trị) đến bờ bắc sông Thu Bồn (Quảng Nam).  

Thị Nại được rút gọn từ chữ Thị Lị Bì Nại, phiên âm Hán Việt của từ gốc Cri Vinaya trong tiếng Phạn. Cửa ấy dân gian còn gọi là Cửa Mặn, có lẽ bởi đến đây nước sông Côn hòa dần vào muối biển. Nơi đây mùng hai tháng giêng âm lịch hằng năm vẫn diễn ra lễ hội có cái tên khá lạ: Lễ hội Đô thị Nước Mặn. Hai chữ “đô thị” như hoài niệm về một thương cảng lớn và sầm uất thời xa xưa giờ đã mất dấu.

“Chỉ nhớ thương thôi đủ hết đời”, ấy là tôi xin sửa lại một chữ từ câu thơ của thi sĩ lừng danh Du Tử Lê (Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời) để nói về những thương nhớ giăng mắc mọi nẻo trên con đường cái quan nhiều trăm năm trước. Mà rất nhiều cái tên, địa danh đã bị vùi lấp giữa trầm tích thời gian, dâu bể.

Một góc cửa Thị Nại, nơi 700 năm trước Trần Khắc Chung đón Huyền Trân trở về cố quốc.Ảnh: TRẦN TUẤN
Một góc cửa Thị Nại, nơi 700 năm trước Trần Khắc Chung đón Huyền Trân trở về cố quốc.Ảnh: TRẦN TUẤN

Như một sớm cuối năm nào đó mưa bụi giăng mờ rặng dâu sót lại bên dòng Thu Bồn, tôi tìm về bến đò Tơ nơi đất lụa Mã Châu. Hơn 600 năm trước, những lưu dân xứ Thanh đầu tiên vượt Hải Vân vào cuộc đất chót cùng của châu Lý này dựng làng. Họ học nghề tằm tang từ người Chăm, để rồi hòa trộn thêm nét tinh hoa của người Việt. Bà Chúa tằm tang Đoàn Quý Phi, chánh thất của chúa Nguyễn Phúc Lan sinh ra nơi đây. Rồi bến đò Tơ tấp nập khách, thuyền xuất tơ tằm đi khắp nơi, rộn ràng suốt trăm năm bên bờ dâu xanh mướt. Nay tìm lại, bến đò Tơ chỉ còn là bờ bãi hoang vắng lúp xúp những ngô khoai không còn một bóng dâu. Lại mới vừa nghe nói một dự án chung cư hoành tráng sắp mọc lên nơi đây!

Lại nhớ thương cảng Hội An, cùng vô số những hải cảng lớn nhỏ xa xưa nay cũng đều mất dấu. Như ghi chép của giáo sĩ người Ý Cristofoco Borri trong cuốn Xứ Đàng Trong: “Trong khoảng hơn 100 dặm người ta có thể đếm được trên 60 hải cảng, nơi cập bến lên bộ, trong đó Hội An là hải cảng đẹp nhất, được tất cả ngoại kiều đến và ở đây”.

Trong bộ sưu tập hàng ngàn hiện vật Chămpa tìm thấy từ các di chỉ Chămpa dọc dải miền Trung của cha con nhà sưu tập Hồ Quang Em - Hồ Anh Tuấn ở Đà Nẵng, có vô vàn chiếc gương đồng cổ vốn là vật dùng chăm sửa sắc đẹp của những bậc nữ lưu Chiêm quốc. Luật gia Hồ Anh Tuấn có lần hào hứng cho tôi xem một chiếc gương hình cánh sen bên trong chạm nổi hai bụi sen lớn và đôi phượng hoàng đang múa lượn. Đi cùng với gương là chiếc nhẫn bằng vàng chạm hai chữ Vương (王) và Nguyệt (月). Đặc biệt chữ Nguyệt bị viết thiếu một gạch. Theo lý giải của GS.Hà Văn Tấn, đây là lối viết để tránh phạm húy của đời nhà Trần. Bởi Thiên đạo quốc mẫu đời Trần có tên là Trần Thị Nguyệt. Chiếc gương soi và vật trang sức tìm thấy từ một di chỉ Chămpa ấy chỉ có thể là của bậc hoàng hậu, vương phi. Liệu có liên quan gì đến Huyền Trân trong thời gian ở kinh đô Đồ Bàn với tư cách là vương hậu Paramecvari của Chiêm quốc?

Chúng ta bây giờ đang tìm cách giải mã những tồn nghi (vốn nhiều vô lý) về bối cảnh Huyền Trân rời bỏ (hay nói cách khác là “vượt thoát”) khỏi Chiêm quốc sau khi chồng là quốc vương Chế Mân qua đời. Dù những điều đó đã được ghi trong Đại Việt Sử ký toàn thư. Có chăng việc vương hậu Huyền Trân bị buộc phải lên giàn thiêu để chết theo chồng theo phong tục người Chăm? Có phải giữa Trần Khắc Chung và Huyền Trân đã có sự “tư thông” trong hành trình vượt biển về lại Thăng Long? Có phải thủy quân Chămpa thực sự “bất lực” không thể truy đuổi?...

Khuất lấp nẻo đường cái quan nơi những lưu dân xưa đặt dấu chân lớn lao trên hành trình dân tộc không phải chỉ bởi “thương hải biến vi tang điền” hay hờ hững lòng người hiện đại trước di sản ông cha, mà nhiều khi còn bởi sự thiếu minh giải cần thiết và có trách nhiệm sau những trang lịch sử.

Đoạn đường thiên lý Bắc - Nam từ kinh đô Huế xuyên qua hai cổng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan và Hải Vân quan để vào phương Nam bị khuất lấp, chôn vùi suốt mấy trăm năm, vừa mới được khai quật và phát lộ một cách diệu kỳ, sau sự “ra tay” của giới khảo cổ và hai địa phương Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế. Nằm khá sâu dưới lòng đất đá bây giờ, đường thiên lý xưa rộng từ 2,6m - 2,8m men theo sườn núi, cùng nhiều dấu tích của những bậc đá, trạm gác… vẽ ra một hình dung rõ ràng về con đường mà những lưu dân đầu tiên mở cõi đã đi qua.

Mà dấu chân của họ để lại biết bao nỗi niềm thương nhớ…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nẻo đường in dấu lưu dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO