Văn hóa học xứ Quảng

HÀ THANH QUỐC 13/02/2021 12:27

(Xuân Tân Sửu) - Khi nói đến di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Quảng Nam, ngoài những giá trị chính sử đã được công nhận, văn hóa học của “học trò xứ Quảng” cũng tạo nên dấu ấn riêng biệt.

Hình dung khái lược về sự học của người Quảng, từ không gian chung của cửa Khổng sân Trình, va chạm và không tách rời với lịch sử dân tộc; danh nhân, chí sĩ, hiền tài nơi đây đã tạo một lối học xưa nay lạ: học kiểu Quảng.

Buổi chào cờ đầu tuần ở một trường học tại Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Buổi chào cờ đầu tuần ở một trường học tại Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Khi nói đến con người ở đất này, từ sĩ phu đến trí thức, từ chí sĩ đến hiền tài đã gần như định danh cho một vùng đất học. Sử sách cũng từng ghi chép rằng, nơi đây “nhiều người có tư chất thông minh, sĩ phu có khí tiết cứng cỏi” chứng tỏ nền tảng của sự học thể hiện khá rõ và trở thành truyền thống ổn định.

Khi biên phần phong tục, tỉnh Quảng Nam, sách Đại Nam nhất thống chí dưới thời Tự Đức có chép: “Học trò chăm học hành, nông phu chăm đồng ruộng, vui việc nghĩa và sốt sắng việc công; quân tử giữ phận mà hổ thẹn việc bôn cạnh”.  Ca dao Quảng Nam có câu: “Không tham bị lúa anh đầy/ Tham ba hàng chữ làm thầy thế gian”. Kỳ lạ cho sự “học làm thầy” của người Quảng không phải để vinh thân phì gia, sự học đó cốt chỉ để giữ mạch nguồn khí tiết của một vùng đất có quá nhiều huyền sử không bị đứt gãy và gián đoạn.

Nhưng “học kiểu Quảng” mới thực sự thể hiện tính cách Quảng. Xét về phương diện khoa bảng, những người học giỏi, đỗ đạt và được ban tặng danh hiệu cao quý đã từng nổi tiếng khắp vùng như: Ngũ phụng tề phi, Quảng Nam tứ kiệt, Quảng Nam tứ hổ, Ngũ tử đăng khoa… Mặc dù vậy, hương nguyên, hội nguyên, giải nguyên với sĩ phu trí thức xứ Quảng không phải vì mưu cầu vinh lợi. Đường hoạn lộ của những trí thức Nho học nơi đây thăng trầm bao nhiêu thì cuộc đời của họ, tinh thần trung dân ái quốc của họ được kính ngưỡng bấy nhiêu.

Học giỏi làm quan như Phạm Hữu Kính được ghi nhận “rất thông hiểu việc, thường đi tra xét các dinh, phát giác việc ẩn nặc, xử đoán phân minh, lại dân đều kính phục”. Danh thần danh tướng như Thượng thư Bộ binh Nguyễn Tường Vân, Nguyễn Tường Vĩnh, Nguyễn Tường Phổ, Thoại Ngọc Hầu, nổi tiếng từ thời nhà Nguyễn; Nguyễn Dục, Nguyễn Thuật, Phạm Phú Thứ không chỉ học rộng uyên thâm mà còn giỏi tài ngoại giao, thơ phú lẫy lừng, có nhiều chủ trương canh tân đất nước.

Dẫu có xuất thân theo con đường khoa cử nhưng nhân sĩ hay quan thần xứ Quảng bằng tính cách riêng của mình thường “trung dân, ái quốc” chứ chưa hẳn nhất mực trung quân. Họ “hoặc đánh bằng lưỡi, hoặc đánh bằng bút, hoặc vì quyền lợi tranh ở dưới...”, không vì lợi danh mà đánh mất khí tiết cứng cỏi bạo nói của mình.

Phạm Phú Thứ - 24 tuổi đã đỗ tiến sĩ, nhậm những chức quan trọng yếu dưới thời Tự Đức. Nhưng vì dám mạo phạm can gián nhà vua nên bị cách chức, biệt giam nhà lao, đày khổ sai; hơn ba mươi năm làm quan mà tới ba lần bị giáng chức rồi phục chức. Ông Ích Khiêm vốn được vua Dục Tông chuộng tài nhưng vì tính khí khác người đến mức vua cũng phải than rằng về tội cương cường nóng nảy. Phan Châu Trinh làm ở Bộ Lễ nổi tiếng khẳng khái, ra sức chống lại lề thói cũ, công kích quan lại Nam triều, dâng thất điều trần kể 7 tội của vua Khải Định…

Rõ ràng, trong một chừng mực nào đó, bản tính ưa cãi của người Quảng cũng trở thành một đặc trưng trong văn hóa học của nhân sĩ vùng đất này. Phan Châu Trinh hay cãi vì thiết tha khai dân trí, chấn dân khí, Huỳnh Thúc Kháng hay cãi vì chủ trương tờ báo Tiếng Dân của ông “nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ lấy cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.

Và biết bao phong trào yêu nước như Nghĩa hội, Đông du, Duy tân… của các bậc hiền tài, chí sĩ, những nhà Nho học thức thời như Nguyễn Duy Hiệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đã được khơi dậy ở vùng đất này như một minh chứng cho mạch nguồn học - hành đặc trưng kiểu Quảng. 

Thế kỷ 20, Quảng Nam cũng có tên trong danh sách các nhà khoa học đầu ngành của cả nước như GS. Hoàng Tụy, GS. Hoàng Phê, GS. Quách Đăng Triều… Nay cũng như xưa, học trò xứ Quảng vẫn là niềm tự hào tiếp nối truyền thống hiếu học của các bậc tiền nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn hóa học xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO