Về miền Đá Dựng

PHÚ BÌNH 29/11/2020 06:29

Giữa hai khối phố Đông Trà và Đông Yên của phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ hiện còn một tảng đá dạng hình khối chữ nhật cao to bằng cả tòa nhà; mặt trên lõm vào thành hình một bàn chân khổng lồ. Cạnh đó, ven đường còn có một khối đá nhỏ hơn - cao khoảng 2,5m, có dáng hình một ông táo bếp chĩa thẳng lên trời. Trước đây, còn gặp nhiều tảng đá dựng đứng tương tự ở gần đó.

Đá Dựng ở ấp Đông Yên. Ảnh: PHÚ BÌNH
Đá Dựng ở ấp Đông Yên. Ảnh: PHÚ BÌNH

Xưa, ấp Đông Yên - nơi có bãi đá nói trên được dân gian gọi tên nôm là “xóm Đá Dựng”. Hiện còn một số tư liệu và di tích ở địa phương này nói lên được rất nhiều điều.

Huyền thoại và thơ vè

Bài viết “Sơ lược về sự hình thành xóm Đông Yên” soạn tháng 8 năm 2002 của Ban quản trị Nhà thờ tiền hiền ấp Đông Yên đã ghi lại huyền thoại dân gian về bãi Đá Dựng như sau: “Tương truyền rằng ngày xưa có ông Khổng Lồ gánh đá đi xây núi, ngang qua đây đứt gióng bỏ lại một hòn. Trên hòn đá còn lại dấu chân ông, mà người ta kể lại rằng: sau khi bị đứt gióng ông tức giận đạp nó (hòn đá - NV) qua một bên bờ để dân chúng có đàng qua lại nên mới có dấu chân này”.

Bài viết ấy cũng nói về khối đá hình “táo bếp” nằm đối diện về phía bắc: “Bên cạnh có hòn đá dựng đứng hình ông Táo mặt ngó ra bắc, lưng xây về nam. Thiên hạ đồn rằng cũng bởi hòn đá này mà xóm ta có tiếng là xóm hay kiện. Cựa một chút cũng kiện, bất bình hai chút cũng kiện”. Các tác giả bài viết nói trên không giải thích nguyên nhân của “lời đồn” về sự liên quan giữa “ông Táo đá xóm Đông Yên” với chuyện kiện tụng của người dân xóm này.

Xóm Đông Yên xưa từng lưu hành bài thơ có xuất xứ từ hồi thực dân Pháp lấy một phần “bãi đá dựng” bắn vụn ra để làm nền đường xe lửa qua vùng này. Bài thơ như sau: “Trời sinh hòn đá tiện mà sang/ Già trẻ kêu ông Đá Táo (giữa) đàng/ Chịch bịch bụng to ngồi giữa ruộng/ Lom khom mỏ ngắn ngó ra làng/ Tưởng phát giàu sang hay (đâu) phát kiện/ Bởi ngồi đàng sá chẳng ngồi trang (thờ)/ Một mai đàng nọ ông Tây đắp/ Đục bắn làm cầu xóm mới an”. Ông Táo đáng ra được thờ trên bàn thờ lại bị đày ra ngồi giữa đường nên “kiện thiên đình” là phải (!).

Bài viết trên cũng nhắc đến một câu vè từng lưu truyền từ xưa: “Đông Yên ngọn nước chảy lên/ Chồng vợ chẳng bền hay sinh kiện tụng”. Có vị cao niên ở ấp/xóm Đông Yên giải thích: “Dân ở đây rất gần lỵ sở của huyện Hà Đông (sau nâng lên thành phủ Tam Kỳ - NV) nên khi xảy ra bất hòa giữa vợ chồng, mâu thuẫn trong chòm xóm thì chuyện kéo nhau xuống huyện, xuống phủ khiếu nại khá dễ dàng”.

Xóm ấp qua tư liệu

Chưa rõ chuyện “chồng vợ chẳng bền” còn nói về điều gì; nhưng trong một tư liệu xưa nhất hiện còn ở địa phương này có sự trùng hợp với câu ca trên: Đó là văn bản lập năm Thái Đức thứ 7 - 1784 kê tên 37 chủ gia Đông Yên tham gia “bổn đạo” để xây dựng một ngôi chùa trong ấp, trong đó có đến hơn 2/3 là phụ nữ. Thời điểm đó, theo sử cũ cho biết, lực lượng Tây Sơn đã trưng binh ở Quảng Nam rất nhiều. Vậy tỷ lệ đa số phụ nữ đó có thể nói lên một sự thực trong hoàn cảnh của dân lúc đó là: do giặc giã, đa số đàn ông đi lính, vợ chồng phải cách xa nhau (chẳng bền - NV). Nhưng, cách lý giải này không ổn; bởi vào thời đó ở đâu cũng có cảnh vợ chồng ly cách, chẳng riêng gì nơi có “ngọn nước chảy lên” là Đông Yên?

Ngoài văn bản trên, còn có 8 văn bản với thời điểm ký vào các năm Thái Đức thứ 8 (1785), Gia Long thứ 4 (1825), Thiệu Trị thứ 4 (1844) và các niên hiệu Tự Đức thứ 11 (1858), thứ 17 (1864), thứ 30 (1877) và thứ 32 (1879). Nội dung các văn bản này cho biết địa hiệu Đông Yên vào thời Tây Sơn nằm trong địa bàn hành chính của “xã Chiên Đàn, thuộc Liêm Hộ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa”. Đến thời Gia Long, ấp Đông Yên nằm trong địa bàn của “xã Chiên Đàn, thuộc Liêm Hộ, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa” rồi đến các thời vua sau ấp Đông Yên nằm trong địa bàn “xã Chiên Đàn, tổng Chiên Đàn Trung, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình”.

Cũng trong các văn bản đó, dân ấp Đông Yên được gọi là dân “tứ chánh” (từ nhiều nơi họp lại), trong đó có một số chủ gia ngụ cư ở Đông Yên nhưng là dân gốc ở các làng được ghi là “Biệt tải Mỹ Cang/Cương phường, Chu Tượng thuộc” (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ hiện nay); “Khánh Thọ Đông giáp, Chiên Đàn tổng” (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh hiện nay); thôn Ngọc Thọ (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ hiện nay); thôn Ngọc Hoãn, xã Trường An (vùng lòng hồ Phú Ninh hiện nay). Cũng qua đó, được biết tên một số xứ đất xưa ở đây như Nô Long, Trà Nha, Vó An, Bàu Liếu, Đồng Rộc…

Nhà thờ tiền hiền

Ở Đông Yên ai cũng biết một di tích có tên là “Dỏ” (trụ sở canh gác, tuần phòng - NV) được cải tạo lại làm nhà thờ các vị tiền hiền, hậu hiền, tiền bối, hậu bối của ấp. Tư liệu của Ban quản trị Nhà thờ tiền hiền Đông Yên nói trên đã ghi như sau: “Nghe kể lại thì xóm ta lúc đầu chỉ có hơn vài chục nóc gia. Dỏ xóm đầu tiên đặt ở Gò Dỏ. Sau một thời gian mới thấy rằng ở đây trống gió lộng phong, mùa mưa gió dân canh không chịu nổi nên mới cho dời về vườn ông Gạt ở Đồng Rộc… rồi sau dời về vườn ông Lầu là nơi các cụ cho là có long mạch luân lưu bất tận. Từ ngày “dỏ xóm” dời về đây, dân xóm được sống yên lành, thịnh vượng; không còn cảnh xào xáo kiện tụng nhau nữa!”.

Đến năm 1964, ngôi dỏ/vỏ này mới được tu sửa lại để làm nhà thờ các vị đến trước, đến sau có công khai hoang lập ấp, mở rộng xóm thôn. Ở Đông Yên có các vị tiền, hậu hiền thuộc các tộc Võ, Lương, Nguyễn, Lê, Mai, Đoàn, Phạm… được thờ tại nơi này. Tư liệu về các vị tiền hiền chỉ được ghi từ thời vua Thái Đức Nguyễn Nhạc thứ 7 (1784) về sau. Trên bàn thờ chính có ghi câu đối: “Tự cổ tài bồi thanh thả tú/ Vu kim tái chỉnh hiển duy linh” (Từ trước từng vun bồi thanh nhã và đẹp đẽ/ Đến nay lại tu bổ thêm phần rực rỡ, uy linh).

Nối liền nhà thờ tiền hiền, ở phía đối diện, có dựng nơi thờ âm linh cô bác với đôi câu đối Nôm: “Bổn ấp sáng lập thờ tự đấng tiên linh/ Toàn dân thành kính tưởng niệm âm cô hồn”. Nơi đây thường tiến hành lễ cúng hàng năm vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch sau khi toàn ấp giẫy mả âm linh. Lễ này còn gọi là “cúng nghĩa trủng”. Nghĩa trủng là từ chỉ nơi chôn cất các vị vô danh hy sinh vì việc công; cũng là nơi tập trung các phần mộ vô danh vô chủ. Từ thời Nguyễn, nhiều khu nghĩa trủng đã được lập khắp nơi. Ở Đông Yên còn lưu một bài biền ngẫu chữ Nho đọc trong các lễ cúng nghĩa trủng thể hiện tình cảm thống thiết được diễn tả rất sống động.

Ở miền Đá Dựng - Đông Yên này hãy còn nhiều dấu xưa cần khám phá thêm!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về miền Đá Dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO